Tết “ấm” của công nhân cao su

CSVN – Giá mủ tăng, việc làm người lao động (NLĐ) vẫn được đảm bảo trong tình dịch bệnh Covid – 19 phức tạp. Thêm vào đó, dù trong vô vàn khó khăn, các đơn vị đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch sản lượng, doanh thu lợi nhuận tốt, do đó thu nhập cuối năm và thưởng Tết của NLĐ có đủ, hứa hẹn một cái Tết “ấm” của công nhân cao su.

Năm nay nhiều đơn vị vẫn đảm bảo tiền thưởng Tết nên NLĐ rất phấn khởi. Ảnh tư liệu
Sắm Tết rủng rỉnh hơn từ khi vào làm công nhân cao su

Hai năm trở lại đây, mùa Xuân nào của gia đình anh Đỗ Văn Nhất – Công nhân Tổ 5, Nông trường Đồng Nơ, Cao su Bình Long cũng tràn ngập niềm vui bởi thu nhập của cả hai vợ chồng đều ở mức cao. Thêm vào đó, mỗi dịp Tết cả hai vợ chồng đều nhận được tiền thưởng hơn 30 triệu đồng do sản lượng vượt luôn đứng ở top đầu nông trường.

Anh nói: “Trước đây, tôi ở nhà làm thợ sửa xe, một mình vợ đi cạo thôi. Thu nhập ở tiệm sửa xe mỗi tháng chỉ 4 – 5 triệu đổ lại nên Tết đến phải cân nhắc khi sắm Tết vì còn phải để dành tiền đóng học cho con. Năm 2019 tôi quyết định xin vào làm công nhân cao su. Từ khi vào công nhân, Tết của gia đình tôi khác hẳn ra, mua sắm thoải mái và rủng rỉnh hơn trước đây”.

Vì đã có kinh nghiệm là thợ phụ của vợ trong nhiều năm liền nên anh có cả một “bụng” kiến thức về kỹ thuật khai thác cao su. Vì vậy mà ngay từ năm đầu tiên vào làm anh đã về trước kế hoạch sản lượng. Năm 2020, anh cán đích trước 1 tháng.

Mọi người trong tổ cứ đùa: “Năm 2021 ai khó thì khó chứ Nhất là vẫn cứ về nhất, điềm nhiên cán đích sớm 3 tháng”. Cả năm anh vượt hơn 4,5 tấn mủ. Điều đó hứa hẹn anh đón Tết Nhâm Dần 2022 đủ đầy hơn.

Nói rồi anh khoe với chúng tôi: “Hai năm vào làm công nhân cao su cộng với tiền tích cóp lâu nay của hai vợ chồng, vừa rồi chúng tôi mua được miếng đất làm của để dành”.

Anh Đỗ Văn Nhất
Phấn khởi khi có thưởng Tết

Những ngày cuối năm, chị Ngô Thị Ngọc Hương – Công nhân Tổ 4, Nông trường An Lộc, TCT Cao su Đồng Nai vẫn miệt mài trên vườn cây. Ba cái Tết gần đây, gia đình chị đón năm mới thiếu vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình bởi chồng bạo bệnh nên vắn số. Trên vai chị là trách nhiệm chăm bẵm, nuôi nấng 3 con còn rất nhỏ, cháu nhỏ nhất mới vừa vào mẫu giáo.

Chị Ngô Thị Ngọc Hương

Chị tâm sự với chúng tôi, tuy còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn thấy mình còn quá đỗi may mắn so với nhiều người vì còn nghề còn vườn cây để hi vọng và còn anh chị em đồng nghiệp thấu hiểu và thương cho hoàn cảnh nên tạo điều kiện, mỗi khi có việc đều nhờ chị đi cạo giúp.

Chị nói: “Nếu không làm công nhân cao su thì chắc những tháng dịch bệnh vừa rồi tôi không có thu nhập để nuôi con. Tôi mừng lắm vì dịch bệnh nhưng công ty đã tổ chức sản xuất an toàn, NLĐ có thu nhập, không chỉ vậy thu nhập của NLĐ năm nay còn cao hơn cả năm trước. Các chế độ khen thưởng được duy trì để khích lệ NLĐ. Chúng tôi cũng được tiêm vaccine phòng ngừa Covid – 19 thời gian đầu mới bùng dịch nên rất yên tâm làm việc”.

Gắn bó với cao su đã 11 năm, cạo mủ đã trở thành nghề “ruột” của chị. Một mình gánh vác gia đình nhỏ, chị may mắn khi bà ngoại còn khỏe nên đỡ đần chăm lo cho các cháu giúp chị yên tâm lao động sản xuất.

Ít ai nghĩ rằng người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn này lại là người có năng suất lao động cao nhất của nông trường. Ngày mưa cũng như ngày nắng, chị như con ong cần mẫn trên vườn cây. Có tháng cuối năm, chị đạt gần 300% kế hoạch sản lượng của tháng và có mức thu nhập 21 triệu đồng. Trong mùa thi đua nước rút, chị đã có 1 lần đứng ở vị trí cao nhất và 3 lần về nhì trong cuộc đua sản lượng hàng tháng.

Chị chia sẻ: “Mỗi tháng tôi phải có thu nhập trên 16 triệu đồng mới đủ chi tiêu sinh hoạt, học phí cho 3 con và đối nội đối ngoại. Năm nay khó như vậy mà tôi vẫn đảm bảo được mức thu nhập cao là mừng dữ lắm. Tết 2021 tôi được các khoản thưởng 25 triệu đồng vì có sản lượng vượt cao. Năm nay công ty có doanh thu, lợi nhuận tốt thì thu nhập và tiền thưởng Tết của NLĐ sẽ rất cao, ai nấy đều phấn khởi và yên tâm khi có cái Tết “ấm”. Thưởng Tết một phần tôi sẽ dành để nuôi con nhưng cũng sẽ trang hoàng, mua sắm mứt bánh để giữ gìn hương vị Tết cổ truyền của dân tộc”.

HÀ KHUÊ