Giai thoại chuyện dê

Người mang tên Dêboi nam de

Giữa năm 60 của thế kỷ XX, ông Nguyễn Chí Thanh về thăm để xây dựng hợp tác xã Đại Phong ở huyện Lệ Ninh. Về đến nơi, ông đi thăm dân và hỏi nhiều chuyện làm ăn, đời sống của dân. Dân đã kể cho ông nghe nhiều chuyện thường ngày ở xã, ở huyện. Ông Thanh chợt hỏi:

– Cán bộ xã, huyện có vị nào tham ô, tham nhũng, hoạnh họe đồng bào không?
Các vị nông dân thưa:
– Dạ … tham nhũng tham ô thì chưa thấy rõ, nhưng thấy ông Dê, phó chủ tịch huyện rất … dê.

Ông Thanh nghe chuyện lạ, hỏi tiếp chuyện ông Dê. Đồng bào tranh nhau kể về ông phó huyện có tên lạ: Rằng ông Dê có tên thật như một loài hoa đẹp Nguyễn Tự Đào, hay Cúc gì đó. Có vợ con đề huề, nhưng thấy gái đẹp là “liếc ngang liếc dọc”. Có cô chủ nhiệm một hợp tác xã gần chợ Tréo vừa trẻ tuổi, vừa xinh đẹp nhất vùng, Phó Dê thường về “kiểm tra” hợp tác xã ấy để được gần gũi tán tĩnh muốn “cặp bồ với em chủ nhiệm”.

Một lần ông “Phó” rủ em “Chủ” ra thăm đồng. Ra quãng đồng vắng, Phó nổi máu “dê” ôm chầm sờ soạng. Em “chủ” không chịu bèn gỡ tay Phó và vùng chạy. Phó đuổi theo đến cạnh một đụn rơm, chộp được “em yêu” và vật em xuống đụn rơm đòi … yêu. Khi Phó mở giật được dây lưng quần thì em Chủ liền tống cho ông một đạp, Phó té ngữa, Chủ ôm quần chạy la làng. May sao xã viên đi làm về thấy cảnh “dê rượt Chủ mình” liền la ó hỗ trợ. Từ đó ông huyện phó được dân đặt cho tên mới: Nguyễn Tự Dê. Có người bình luận: “Con dê mà biết nói thì nó sẽ phàn nàn rằng chỉ có một ông quan “ham của lạ” mà làm nhục cho cả loài dê”.

Dê mang tên người

Ông Trần Công Lục, nguyên Giám đốc Nông trường Cao su Việt Trung kể cho tôi nghe chuyện một con dê đực tên là Tai Đen có công chống Pháp.

Năm 1947 giặc Pháp đánh chiếm thị xã Đồng Hới rồi chiếm hết vùng đồng bằng Quảng Bình.  Chủ tịch tỉnh Hoàng Văn Diệm gọi bạn mình là ông Phan Văn Thoại ở nhà máy điệu Huế ra Quảng Bình làm trại trưởng, mở trại kinh tế Phú Quý (tiền thân của Nông trường Cao su Việt Trung) cùng ngót trăm trại viên phát rừng hoang trồng khoai, sắn và chăn nuôi gia súc, gia cầm để lấy lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến.

Trong lũ bò, dê, lợn, gà… có một đực dê to lớn, râu chòm dài rất oai và hai tai dài màu đen, rất khôn ngoan.

Dê Tai Đen dẫn đầu một bầy dê trăm con đi kiếm ăn quanh trại. Đang ăn, ngửi thấy mùi lạ, mùi hổ, mùi trăn rắn hay mùi áo quần súng đạn của giặc Pháp, là Tai Đen dẫn đầu cả bầy dê chạy về chuồng trại.

Biết Tai Đen có “tài bắt mùi” và thói quen ấy, ông Thoại cho thả dê đi ăn vùng giáp ranh rừng và con đường độc đạo từ Đồng Hới lên rừng chiến khu Thuận Đức.

Bọn Pháp ở Đồng Hới muốn bắt sống ông Thoại – là một trọng tài bóng đá nổi tiếng ở Huế và Đông Dương mà chúng từng biết tiếng. Nếu dụ dỗ được ông Thoại theo chúng thì rất có lợi vì chúng đã chiêu hồi được một Việt Minh cỡ “bự” đầu hàng. Chúng quyết xua quân đi lùng bắt ông Thoại. Nhưng hễ chúng mon men đến bìa rừng, vừa vượt qua đường sắt ga Thuận Lý thì Tai Đen đã dẫn cả bầy dê chạy trốn về trại. Như thế là “Tai Đen” báo động có Tây lùng. Ông Thoại và gia đình cùng trại viên sơ tán vào rừng sâu Thuận Đức.

Dăm bảy lần Tây càn lên Phú Quý đều thất bại. Chúng tìm hiểu và biết rõ bầy dê đã làm động rừng, Việt Minh đã kịp sơ tán ẩn nấp và đánh lại chúng. Pháp đổi kế hoạch: Không cần lên giữa ban ngày mà đi vào giữa đêm. Không có Tai Đen báo động, ta bị bất ngờ. Pháp bắn chết một số trại viên, và bắt sống ông Thoại đem về tra tấn dụ dỗ. Ông Thoại dùng tiếng Pháp chửi lại và vạch trần tội ác của chúng. Pháp đã chịu thua và trả thù bằng cách giết chết ông Thoại. Tiếp theo những ngày sau chúng còn lên trại Phú Quý, bắt nhiều gia súc và Tai Đen cũng không chạy thoát.

Mặc dù chiến khu Phú Quý – Thuận Đức đang đói, nhưng thi thể Tai Đen vẫn không bị dân xẻ thịt. Họ an táng Tai Đen có đắp mộ, hương khói đàng hoàng và cắm một tấm ván gỗ trên mộ con dê với dòng tên họ nghiêm chỉnh như tên một con người đã hy sinh vì Đất nước: Dương Phú Quý (tự là Tai Đen).

Tư Tấn