Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững

CSVN – Nhìn lại bức tranh toàn cảnh, ngành nông nghiệp có một năm thắng lợi nhưng đi sâu vào phân tích sẽ thấy rằng, sự tăng trưởng về giá trị xuất khẩu của cả ngành đang có “tử huyệt” là phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường. Làm sao để giải quyết bài toán này đang là câu hỏi mà ngành nông nghiệp đã đặt ra và cần giải quyết.
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để phát triển bền vững
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để phát triển bền vững
Giá trị xuất khẩu liên tục tăng

Theo số liệu báo cáo hàng tháng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 mặt hàng nông lâm thủy sản và lâm sản chủ lực, có 9 mặt hàng có giá bán tăng so với năm trước, chỉ hồ tiêu là giá giảm so với cùng kỳ. Vì thế, giá trị xuất khẩu các mặt hàng trong khối ngành nông sản năm 2017 đều tăng, đưa tổng giá trị toàn ngành tăng theo.

Mặt hàng có giá trị tăng mạnh nhất là rau quả xuất khẩu khi mang về cho Việt Nam 3,16 tỷ USD, qua 11 tháng xuất khẩu, tăng 43% so với cùng kỳ. Hoa quả trở thành mặt hàng đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu chỉ sau gỗ, sản phẩm từ gỗ và thủy sản.

Tiếp theo là mặt hàng cao su. Cụ thể, giá cao su xuất khẩu bình quân 10 tháng của năm đạt hơn 1.680 USD/tấn, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2016. Vì thế, trong 11 tháng, lượng cao su xuất khẩu ước đạt 1,2 triệu tấn, giá trị đạt hơn 2 tỷ USD, tuy chỉ tăng 8% về lượng nhưng lại tăng 39% về giá trị so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu tính vào tổng giá trị mà cao su mang lại sẽ còn lớn hơn vì trong thống kê này Bộ NN&PTNT chỉ tính đến giá trị mủ cao su xuất khẩu mà không tính đến những sản phẩm giá trị gia tăng khác như gỗ, ván ép làm từ gỗ cao su.

Một điều nhận ra rằng, nông sản đang phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Hiện tại, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế  hệ cũ lẫn thế hệ mới, việc này, đồng nghĩa với việc giúp Việt Nam mở rộng thị trường, trong đó, có khối ngành nông sản. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, số lượng thị trường có nhập khẩu nông sản của  Việt Nam dao động 80 -160 thị trường. Tuy nhiên, thị trường lớn nhất là Trung Quốc.

Gần như mọi sản phẩm trong khối ngành hàng nông sản đều bán qua Trung Quốc, có mặt hàng chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu như rau quả, thủy sản, trên 40% như cao su, gạo…

Một điều phải công nhận rằng, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới và đang là công xưởng của thế giới nên quốc gia này cần mua nguồn nguyên liệu từ khắp các châu lục khác nhau. Vì thế, nông sản Việt Nam bán vào thị trường này là điều hiển nhiên. Với một nước có thế mạnh về nông lâm thủy sản như nước ta, chuyện tiếp tục sẽ “phụ thuộc” vào thị trường này trong tương lai là không thể tránh khỏi.

 Bài giải từ nông nghiệp công nghệ cao

Chắc hẳn nhiều người vẫn nhớ câu chuyện người dân phải treo băng rôn kêu gọi người tiêu dùng mua chuối để hỗ trợ nông dân Đồng Nai vì thị trường Trung Quốc đột ngột ngừng mua chuối của bà con. Nhìn lại một cách khách quan, trước khi đổ lỗi cho thị trường, chúng ta cũng phải xem lại mình.

Lâu nay, chuối xuất sang Trung Quốc là trồng theo cách truyền thống, hộ gia đình nên sản phẩm làm ra không đồng đều về chất lượng, không đảm bảo một tiêu chuẩn nào do thị trường dễ tính. Tuy nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó, vì nếu một thị trường không đòi hỏi khắt khe về mặt tiêu chuẩn thì thị trường đó cũng không ổn định do thiếu những hợp đồng làm  ăn bài bản. Chuyện giải cứu chuối, dưa hấu đã minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, cũng trồng chuối nhưng sản  phẩm của Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình lại không có hàng để bán. Sự khác biệt nằm ở đâu? Đây là công ty đầu tư trồng chuối theo công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản. Vì thế, vào tháng 3/2017, khi không bán được cho Trung Quốc, chuối của bà con nông dân chất đống bên vỉa hè chờ giải cứu thì công ty này lại không có chuối  để xuất khẩu.

Lý do, theo ông Võ Quan Huy, giám đốc công ty, ngay từ đầu đã xác định trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGap, công nghệ cao để xâm nhập thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chứ không phải để bán sang Trung Quốc. Vì làm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên chuối trồng ở trang trại của Long An – Mỹ Bình dễ dàng có mặt trên hệ thống bán lẻ của Nhật Bản, Hàn Quốc, còn Trung Quốc chỉ chiếm chiếm khoảng 10% lượng hàng xuất khẩu. Do đó, trong khi người trồng chuối ở Đồng Nai khốn đốn thì sản phẩm của công ty vẫn xuất khẩu đều đặn.

Đây chính là sự khác biệt giữa hai cách làm cho cùng một sản phẩm.

Câu chuyện trên là minh chứng cho con đường mới của nông sản Việt Nam khi muốn tăng thị phần ở những thị trường khó tính chỉ còn một cách đầu   tư một cách bài bản theo hướng công nghệ cao nếu muốn phụ thuộc vào một vài thị trường duy nhất.   Có thể nói, nông nghiệp công nghệ cao là “lối thoát” duy nhất cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai nếu chúng ta muốn  tận dụng tốt những lợi thế từ các FTA đã ký và đang được Việt Nam chuẩn bị ký kết. Bằng không, dù     có hàng trăm FTA nhưng ngành nông nghiệp vẫn phương thức sản xuất cũ thì nông sản Việt Nam khó có thể ra biển lớn.

VŨ HẠ