Trao cho người xứng đáng, nâng cao uy tín giải thưởng Cao su Việt Nam

CSVNO – Từ thực tiễn xét chọn Giải thưởng Cao su VN, TGĐ Trần Ngọc Thuận đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Quy chế Giải thưởng Cao su VN để giải thưởng thực sự là niềm động viên, khích lệ sự say mê lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật. Đồng thời thể hiện giá trị trân trọng những tâm huyết, đóng góp của cá nhân, tập thể và phải làm sao để mọi người đều thấy người nhận giải thực sự xứng đáng.
Lãnh đạo VRG và tỉnh Bình Phước trao giải thưởng Cao su VN năm 2016 cho đại diện Công ty TNHH MTV CS Phú Riềng tại lễ kỷ niệm 87 năm truyền thống ngành. Ảnh: Tùng Châu.
Lãnh đạo VRG và tỉnh Bình Phước trao giải thưởng Cao su VN năm 2016 cho đại diện Công ty TNHH MTV CS Phú Riềng tại lễ kỷ niệm 87 năm truyền thống ngành. Ảnh: Tùng Châu.
Sửa đổi, bổ sung quy chế Giải thưởng Cao su VN

Giải thưởng Cao su VN nhằm tôn vinh những CBCNVC – LĐ có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ, quản lý và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CNLĐ trẻ giỏi, đã và đang tiếp bước truyền thống hào hùng của các lớp thế hệ CN ngành cao su đi trước. Giải thưởng khuyến khích và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo trên mọi mặt của ngành cao su.

Năm 2015, VRG trao Giải thưởng Cao su VN cho 5 cá nhân là cán bộ quản lý – kỹ thuật và CN sản xuất trực tiếp, với giá trị giải thưởng 30 triệu đồng/người. Giải thưởng càng có giá trị càng chứng tỏ sự uy tín và là nguồn khích lệ động viên tinh thần cho người được giải. Vì thế, ngoài những giải thưởng đã có trước đây của VRG thì Giải thưởng Cao su VN hiện nay được xem là giải thưởng danh giá, thương hiệu của ngành.

Ông Huỳnh Văn Bảo – Phó TGĐ VRG cho rằng: “Giải thưởng Cao su VN rất cần thiết để động viên, kích thích sự sáng tạo, nghiên cứu… Tuy nhiên, về quy chế giải thưởng trong quá trình thực hiện vẫn còn một số điểm chưa phù hợp. Với các đối tượng trực tiếp, cụ thể thì dễ tính toán khi xét theo tiêu chí. Tuy nhiên, đối với các giải pháp, đề tài của quản lý thì còn thiếu cơ sở để xác định và có những đề tài hiệu quả chưa được xác định chắc chắn trong thực tiễn”.

Tại cuộc họp xét chọn giải thưởng năm nay, các thành viên trong Hội đồng đã trao đổi, tranh luận và chỉ ra nhiều điểm còn chưa hợp lý trong quy chế. Thứ nhất, về đối tượng trong quy chế thì giải thưởng chỉ được trao cho cá nhân. Điều này vô hình chung phủ nhận những thành quả nghiên cứu, sáng tạo của nhóm đồng tác giả một công trình, một đề tài. Ở các giải thưởng uy tín trong nước và trên thế giới, các giải thưởng đều có giải tập thể. Trong ngành cao su cũng vậy, có những sáng kiến của một cá nhân nảy sinh trong quá trình làm công việc thường ngày của mình nhưng ngược lại cũng có những công trình cần có sự tham gia của cả một tập thể, theo dõi, thử nghiệm, ứng dụng và thu được thành quả.

Ông Nguyễn Văn Tài - GĐ NT Bến Củi, Công ty  CPCS Tây Ninh nhận   giải thưởng Cao su VN. Ảnh: Tùng Châu.
Ông Nguyễn Văn Tài – GĐ NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh nhận giải thưởng Cao su VN. Ảnh: Tùng Châu.

Ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ Cao su VN, cho biết: “Trong thực tế chính những người lao động trực tiếp có rất nhiều sáng kiến. Tuy nhiên ở cấp cơ sở việc xây dựng hồ sơ gởi lên còn rất chậm. Lúc đầu giải thưởng này hướng đến là cá nhân nhưng từ thực tiễn thấy có nhiều đề tài, sáng kiến đồng tác giả. Vậy nên cần thiết phải bổ sung quy chế, mở rộng thêm đối tượng nhận giải thưởng là tập thể”.

Kế đến, quy chế có nhiều yếu tố thuận lợi cho các cấp quản lý, trước tiên họ có điều kiện về việc ứng dụng sáng kiến hơn, tiếp theo là việc hoàn thành thủ tục, hồ sơ cũng dễ dàng hơn. Nhiều tiêu chí đối với CN trực tiếp sản xuất là quá cao và có phần khắt khe. Ông Hà Văn Khương – TV HĐTV, Phó trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật, cho rằng: “Các điều khoản trong quy chế có nhiều thuận lợi cho các nhà quản lý hơn. Đối tượng là CN trực tiếp có thể chưa đáp ứng được ngay các yêu cầu về hồ sơ”.

Có 4 tập thể à 2 cá nhân nhận giải thưởng Cao su VN 2016
Có 4 tập thể  và 2 cá nhân nhận giải thưởng Cao su VN 2016

Thêm vào đó, các sáng kiến từ CN trực tiếp thì dễ dàng xác định hiệu quả, giá trị làm lợi cụ thể hơn. Những công trình, giải pháp ở cấp quản lý xét ở góc độ thẩm định của các ban chuyên môn thì chỉ về mặt kỹ thuật, còn tính về giá trị làm lợi thì căn cứ vẫn chưa rõ ràng, bởi có những đề tài ứng dụng có kết quả phải chờ một thời gian mới xác định được.

Mở rộng đối tượng nhận giải, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trực tiếp

Từ thực tiễn áp dụng quy chế và đóng góp của các thành viên Hội đồng xét chọn, TGĐ Trần Ngọc Thuận nhấn mạnh: “Từ mục đích, ý nghĩa và tiêu chí của giải thưởng, Hội đồng bình chọn phải có trách nhiệm trong quá trình xét chọn. Nếu giải thưởng được trao thiếu thuyết phục, chiều hướng lan tỏa sẽ ít đi, tính phong trào vì vậy cũng giảm và uy tín của giải thưởng sẽ mai một. Nếu khiên cưỡng chọn lựa đủ số lượng để trao thưởng trong năm nay thì có nhiều người sẽ đặt vấn đề và không tâm phục. Chúng ta đừng vì mục tiêu phải chọn được, chọn đủ để trao giải mà phải xét xem đề tài có xuất phát từ cá nhân, thực sự đem lại hiệu quả cho đơn vị và toàn ngành hay không. Phong trào xuất phát từ thực tiễn, đối với CNLĐ trực tiếp thì chúng ta dễ xác định hơn, còn đối với cấp quản lý phải xét xem sáng kiến đó có phải của cá nhân hay của tập thể, sáng kiến từ cơ sở phát hiện ra hay giải pháp là chủ trương của VRG”.

Cũng theo TGĐ Trần Ngọc Thuận, đây là giải thưởng uy tín, được trao dịp 28/10 hàng năm và rất có ý nghĩa, nhất định phải trao cho những người thực sự xứng đáng để ghi nhận, trân trọng công lao đóng góp của họ. Đồng thời quy chế giải thưởng sẽ được bổ sung giải thưởng tập thể, sửa đổi một số tiêu chí phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho người lao động trực tiếp dễ dàng tiếp cận giải thưởng hơn. Bên cạnh đó, mở rộng thêm một đối tượng nữa, đó là đối tượng ngoài ngành cao su nhưng có những sáng kiến đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Như vậy, theo quy chế mới, đối với giải cá nhân cấp quản lý thì cần ít nhất hai công trình nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi từ 200 triệu đồng trở lên. Giải cá nhân đối với CNLĐ trực tiếp có ít nhất một sáng kiến với giá trị làm lợi 100 triệu đồng trở lên. Đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người Lào, Campuchia đang làm việc tại các đơn vị thành viên của VRG có ít nhất một sáng kiến với giá trị làm lợi 50 triệu đồng trở lên. Cơ cấu giải thưởng tập thể 30 triệu đồng/giải, cá nhân 15 triệu đồng/giải.

Quỳnh Mai