Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phối hợp nâng cao giá trị nông sản

CSVNO – Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương sẽ thực hiện Chương trình phối hợp công tác phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 – 2025.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiểm tra quy trình đóng gói rau tại cơ sở sản xuất của Công ty CPĐT An Hòa tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Bảo Thắng

Sắp tới, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương sẽ bắt tay thực hiện Chương trình phối hợp công tác phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 – 2025.

Trên tinh thần phối hợp để giải quyết những vướng mắc, chồng chéo, Chương trình giữa 2 Bộ sẽ triển khai thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.

Trong đó Chương trình sẽ tập trung chú trọng vào công tác chia sẻ thông tin giữa 2 Bộ, tạo cầu nối để phối hợp truyền thông, tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Chương trình phối hợp giữa 2 Bộ cần hướng tới 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiệm vụ đầu tiên là kết hợp việc sản xuất gắn với thị trường. Để thực hiện được nhiệm vụ này, 2 Bộ cần phối hợp để cung cấp thông tin về số lượng sản lượng, sản phẩm nông nghiệp theo định kì, từ đó nối sang công tác tiêu thụ trên thị trường.

Nhiệm vụ thứ hai là phối hợp, cung cấp thông tin để tháo gỡ rào cản phi thuế quan và mở cửa thị trường.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để có thể mở cửa thị trường rất cần nguồn thông tin của tham tán thương mại ở các nước. Bên cạnh đó, hiện nay rào cản từ các thị trường thế giới còn tồn tại rất nhiều, đó là một vấn đề quan trọng mà cả 2 Bộ cần cùng phối hợp để tháo gỡ.

Nhiệm vụ thứ ba là xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Bộ Công thương sẽ tổ chức các chương trình về thương hiệu quốc gia. Bộ NN-PTNT sẽ thúc đẩy những thương hiệu chủ lực như gạo, tôm, cá tra, cà phê… và đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Các chợ đầu mối cũng như các trung tâm cung ứng xuất khẩu nông sản sẽ là yếu tố quan trọng trong công tác xúc tiến thương mại.

Nhiệm vụ thứ tư là quản lý thị trường, chống buôn lậu hàng giả. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng đây là một vấn đề phức tạp và đang gây bức xúc trên thị trường. Theo đó, trong thời gian tới, Thanh tra Bộ NN-PTNT và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giải quyết một cách hiệu quả.

Nhiệm vụ thứ năm là thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, hướng tới tiết kiệm năng lượng. Xoay quanh những vấn đề về khuyến nông, khuyến công, cơ giới hóa, yếu tố quan trọng nhất là phải tiết kiệm năng lượng, tận dụng những nguồn năng lượng tự nhiên.

“Nhiệm vụ thứ sáu là tập trung phát triển ngành nghề nông thôn. Nhiệm vụ thứ bảy là siết chặt quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã chuẩn bị công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản.

Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ giúp xác định và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về quản lý và phát triển thị trường nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN-PTNT.

Nhiệm vụ chính của Ban Chỉ đạo là nắm chắc và đưa ra định hướng kế hoạch sản xuất các nông sản chủ lực gắn với kế hoạch tiêu thụ và xúc tiến thương mại nông sản.

Ban Chỉ đạo cũng sẽ xây dựng chủ trương, kế hoạch, cơ chế, chính sách, các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để xử lý những vấn đề về thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật; biện pháp phòng vệ, tự vệ, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp thương mại; phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường; xúc tiến thương mại; quảng bá thương hiệu hàng nông sản Việt Nam.

theo Nông nghiệp Việt Nam