Vườn cao su Sri Lanka đối mặt với bệnh lá Pestalotiopsis

CSVNO – Theo tin từ trang economynext.com (Sri Lanka) ngày 18/03/2021, bệnh rụng lá do nấm Pestalotiopsis đã bắt đầu tàn phá các vườn cao su của Sri Lanka và có thể bùng phát thành dịch trong mùa mưa tới làm ảnh hưởng đến sản lượng.

Thông tin về bệnh Pestalotiopsis tại Sri Lanka (nguồn: RRISL)

Hiệp hội Thương nhân Cao su Colombo (CRTA) cho biết độ ẩm cao tạo điều kiện cho sự lây lan của bệnh gây ra rụng lá, làm giảm năng suất đáng kể và cuối cùng là chết cây.

Dịch bệnh có thể bùng phát thành dịch trong đợt gió mùa tới của năm nay bắt đầu từ giữa tháng 4 và do đó tất cả các bên liên quan được yêu cầu cảnh giác về mối đe dọa này đối với vườn cây cao su.

Bệnh Pestalotiopsis gây ra các vết bệnh tròn trên lá và không nên nhầm với hiện tượng rụng lá bình thường trong mùa đông. CRTA khuyến cáo các chủ vườn cao su nên liên hệ với các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Cao su Sri Lanka (RRISL) để được tư vấn và hỗ trợ.

Theo thông tin của RRISL, bệnh Pestalotiopsis đã được báo cáo lần đầu tiên tại Sri Lanka vào tháng 7 năm 2019. Dịch bệnh bắt đầu lây lan ở các huyện Kaluthara, Ratnapura và Galle trong đợt gió mùa 2019 khiến khoảng 4.000 ha bị ảnh hưởng cho dến cuối năm. Cũng trong thời gian đó, hơn 380.000 ha cao su ở Indonesia đã bị tàn phá bởi bệnh này. Đợt bùng phát đã làm giảm 70 – 90% năng suất ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất và khoảng 30 – 50% ở những vùng bị ảnh hưởng vừa phải ở Indonesia.

CRTA cho biết, ngoài Indonesia, dịch bệnh hiện cũng đang gây hại các vườn cao su ở Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Cameroon và Papua New Guinea. Ở những nước này, dịch bệnh đang lây lan với tốc độ đáng báo động, gây ra thiệt hại đáng kể về sản lượng. Tất cả các dòng vô tính cao su được trồng đều mẫn cảm với bệnh, không có dòng nào kháng thuốc.

Những diện tích bị bệnh phải cách ly và xử lý bằng thuốc trừ nấm. Việc phun thuốc hóa học nên được thực hiện ở giai đoạn đầu của bệnh. Quy trình xử lý vẫn đang được nghiên cứu và các thử nghiệm đang được thực hiện với máy bay không người lái phun thuốc diệt nấm ở độ cao 5 mét trên tán cây. 

NGUYỄN ANH NGHĨA

(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)

Theo https://economynext.com/sri-lanka-rubber-plantations-face-devastation-from-pestalotiopsis-leaf-disease-79911/