Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ quốc tế

Kỳ 1: Quản lý rừng bền vững.
Chứng chỉ rừng

Hệ thống chứng chỉ rừng hiện nay chủ yếu có 3 loại:

(1) Chứng chỉ FM – Chứng chỉ Quản lý rừng (Forest Management Certification): Là chứng chỉ cấp cho một hoặc các khu rừng được xác định đã tuân thủ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế từ lúc trồng, quản lý đến khai thác/thu hoạch.

(2) Chứng chỉ gỗ có kiểm soát (Controlled Wood Certification): Là chứng chỉ xác nhận gỗ hoặc nguyên liệu gỗ không phải từ các nguồn sau: Gỗ khai thác trái phép; Gỗ khai thác vi phạm các quyền truyền thống và dân sự; Gỗ khai thác từ các khu rừng mà hoạt động quản lý đe dọa các giá trị bảo tồn cao; Gỗ khai thác trong các khu rừng được chuyển đổi từ rừng tự nhiên và bán tự nhiên thành rừng trồng hoặc đất không có rừng; Gỗ từ rừng trong đó có trồng loài biến đổi gen.

(3) Chứng chỉ CoC – Chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm (Chain of Custody Certification): Là chứng chỉ cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp chứng minh được các sản phẩm chế biến từ gỗ được giao dịch từ các nguồn gốc đã được cấp chứng chỉ FM.

Hệ thống chứng nhận FSC

FSC là tổ chức phi chính phủ, thành lập năm 1993, trụ sở chính hiện đóng tại Bonn, Đức. FSC là hiệp hội của các thành viên gồm đại điện của các NGOs về môi trường và xã hội, chuyên gia lâm nghiệp, thương mại gỗ, tổ chức cấp chứng chỉ…

Chăm sóc vườn cây giống tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Ảnh: Tùng Châu
Chăm sóc vườn cây giống tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Ảnh: Tùng Châu

Sứ mệnh của FSC là làm cho rừng của thế giới đáp ứng được những quyền lợi về xã hội, sinh thái và kinh tế, những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.

FSC không trực tiếp đánh giá và cấp chứng chỉ mà ủy quyền cho các tổ chức đánh giá (tổ chức chứng nhận) độc lập có đủ uy tín, kinh nghiệm, chuyên môn thay mặt FSC đánh giá các chủ rừng muốn được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững của FSC.

Bộ tiêu chuẩn FSC FM/CoC nhấn mạnh về việc giảm thiểu hóa tác động bất lợi của các hoạt động đến môi trường, tối đa hóa lợi ích xã hội và duy trì giá trị bảo tồn quan trọng của rừng.

Tiêu chuẩn FSC có ý nghĩa quan trọng áp dụng toàn cầu, từ rừng nhiệt đới đến ôn đới ở các nước phát triển và đang phát triển. Tiêu chuẩn FSC hiện hành bao gồm 10 nguyên tắc. Trong đó, 9 nguyên tắc được áp dụng cho tất cả các loại rừng, nguyên tắc 10 được xây dựng riêng cho rừng trồng. Nội dung cụ thể của các nguyên tắc như sau:

1. Tuân thủ pháp luật và các nguyên tắc của FSC

2. Quyền và trách nhiệm trong sử dụng đất

3. Quyền của người bản địa

4. Quan hệ cộng đồng và quyền của người công nhân

5. Lợi ích từ rừng

6. Tác động môi trường

7. Lập kế hoạch quản lý

8. Giám sát và đánh giá

9. Duy trì rừng có giá trị bảo tồn cao

10. Rừng trồng

Hệ thống chứng chỉ FSC đã vào Việt Nam được khoảng 20 năm.

Hệ thống chứng nhận PEFC

PEFC là tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, phi chính phủ chuyên thúc đẩy Quản lý rừng bền vững thông qua tổ chức chứng nhận độc lập thứ ba. PEFC làm việc thông qua toàn bộ chuỗi cung ứng từ rừng nhằm thúc đẩy quản lý rừng bền vững đảm bảo gỗ và lâm sản ngoài gỗ được sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn cao nhất về sinh thái, xã hội và đạo đức.

Nhờ nhãn sinh thái đó, khách hàng và người tiêu dùng có thể xác định sản phẩm từ các khu rừng được quản lý một cách bền vững. PEFC là một tổ chức bảo trợ. Tổ chức này hoạt động bằng cách chấp nhận các hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia phát triển thông qua tiến trình có sự tham gia của nhiều bên liên quan và phù hợp với các ưu tiên và điều kiện của quốc gia đó.

Bắt đầu từ năm 2014, PEFC quyết định thâm nhập vào Việt Nam, thông qua Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS). Từ đó đến nay, nhiều hoạt động nhằm xây dựng Hệ thống Chứng chỉ rừng cho Việt Nam dưới sự bảo trợ của PEFC đã được tiến hành. Kết quả là dự thảo 5.0 về Quản lý rừng bền vững VNFCS FM và VNFCSCoC đã được Ban soạn thảo quốc gia thông qua.

Bộ tiêu chuẩn PEFC có 7 nguyên tắc:

·        Nguyên tắc 1: Duy trì và tăng cường các nguồn tài nguyên rừng và sự đóng góp của chung cho chu trình các-bon toàn cầu.

·        Nguyên tắc 2: Duy trì sức khỏe của hệ sinh thái rừng và sự tồn tại bền vững của hệ sinh thái rừng.

·        Nguyên tắc 3: Duy trì và thúc đẩy các chức năng sản xuất của rừng (gỗ và lâm sản ngoài gỗ).

·        Nguyên tắc 4: Duy trì, bảo tồn và tăng cường một cách phù hợp đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng.

·        Nguyên tắc 5: Duy trì và tăng cường một cách phù hợp chức năng bảo vệ trong quản trị rừng (đặc biệt là đất và nước).

·        Nguyên tắc 6: Duy trì các chức năng kinh tế – xã hội và các điều kiện của rừng.

·        Nguyên tắc 7: Tuân thủ pháp luật.

Vườn cây đạt tiêu chuẩn FSC phải đảm bảo 10 nguyên tắc. Trong ảnh: Vườn cây trồng xen tại Cao su Phú Riềng.
Vườn cây đạt tiêu chuẩn FSC phải đảm bảo 10 nguyên tắc. Trong ảnh: Vườn cây trồng xen tại Cao su Phú Riềng.
Bộ nguyên tắc QLRBV của Việt Nam

Bộ nguyên tắc Quản lý rừng bền vững (QLRBV) của Việt Nam, được ban hành kèm theo Thông tư số 38/2014/TT-BNNPTNT ngày 3/11/2014 của Bộ NN&PTNT, bao gồm 10 nguyên tắc:

·        Nguyên tắc 1: Tuân theo pháp luật Việt Nam và những thỏa thuận quốc tế.

·        Nguyên tắc 2: Quyền và trách nhiệm sử dụng lâu dài về đất đai và tài nguyên rừng.

·        Nguyên tắc 3: Quyền của người dân địa phương về quản lý, sử dụng rừng và đất rừng.

·        Nguyên tắc 4: Quan hệ cộng đồng và quyền của người lao động đối với những hoạt động quản lý kinh doanh của đơn vị.

·        Nguyên tắc 5: Sử dụng có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ đa dạng của rừng. Trong sản xuất kinh doanh không được giảm những lợi ích từ rừng và phải đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.

·        Nguyên tắc 6: Bảo tồn đa dạng sinh học và những giá trị của đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, đất đai, những hệ sinh thái và sinh cảnh đặc thù dễ bị tổn thương, duy trì các chức năng sinh thái và toàn vẹn của rừng.

·        Nguyên tắc 7: Phương án QLRBV phù hợp với quy mô và cường độ hoạt động lâm nghiệp, với những mục tiêu rõ ràng và biện pháp thực hiện cụ thể.

·        Nguyên tắc 8: Thực hiện giám sát định kỳ về hiện trạng rừng, chuỗi hành trình sản phẩm, các hoạt động quản lý rừng và những tác động môi trường và xã hội của những hoạt động đó.

·        Nguyên tắc 9: Duy trì những khu rừng có giá trị bảo tồn cao.

·        Nguyên tắc 10: Rừng trồng được quy hoạch và quản lý phù hợp với các nguyên tắc từ 1 đến 9.

Phiên bản V5.0 Bộ tiêu chuẩn Chứng chỉ rừng của Việt Nam đăng ký để được PEFC bảo trợ

Phiên bản V5.0 này bao gồm 7 nguyên tắc: Nguyên tắc 1: Tuân thủ pháp luật Việt Nam và những điều ước quốc tế liên quan. Nguyên tắc 2: Quan hệ cộng đồng và các quyền của cộng đồng dân cư và người dân địa phương. Nguyên tắc 3: Quyền và điều kiện làm việc của người lao động. Nguyên tắc 4: Quản lý, sử dụng và phát triển rừng. Nguyên tắc 5: Tác động môi trường. Nguyên tắc 6: Duy trì, bảo tồn và nâng cao đa dạng sinh học của rừng. Nguyên tắc 7: Giám sát, đánh giá phương án QLRBV.

      CSVN

(Xem tiếp kỳ tới)