CSVN – Ngày 3/8, tại Công ty Chư Sê – Kampong Thom (Campuchia), VRG tổ chức Hội nghị nông nghiệp các CTCS tại Campuchia – Lào với chủ đề “Hướng đến năng suất cao, bền vững, hiệu quả tối ưu”.
Đến nay, sau 10 năm triển khai phát triển cao su tại Campuchia (CPC), các công ty trực thuộc VRG đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn khai thác, từ nay đến năm 2020 diện tích và sản lượng cao su khai thác sẽ tăng theo cấp số nhân. Năm 2017, dự kiến sản lượng sẽ đạt 9.500 tấn, năm 2018 tăng gấp 3 lần, năm 2019 tăng 6 lần và năm 2020 gấp 9 lần, đạt 87.000 tấn. Do vậy, để tổ chức quản lý, khai thác đạt hiệu quả cao, chất lượng tốt là vấn đề được đặt ra tại hội nghị.
Cạo D4 và ổn định nguồn lao động
Theo số liệu thống kê đến ngày 1/1/2017, tổng diện tích cao su của VRG tại CPC là trên 87.950 ha. Có 8 đơn vị đã đi vào khai thác với tổng diện tích 16.365 ha, gồm: Công ty Bà Rịa –Kampong Thom, Chư Sê – Kampong Thom, Phước Hòa – Kampong Thom, Tân Biên – Kampong Thom, Đồng Nai – Kratie, Đồng Phú – Kratie, Hoàng Anh – Mang Yang K và Krông Buk Ratanakiri.
Theo số liệu tính toán của Ban Quản lý Kỹ thuật (QLKT) VRG, đến năm 2020 tổng diện tích đưa vào khai thác là 64.000 ha, sản lượng ước đạt 87.000 tấn và năng suất bình quân khoảng 1,35 tấn/ha. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn.
Tại Hội nghị, Ban QLKT đã nêu các công tác cần chú trọng khi đưa diện tích lớn vào khai thác. Đó là việc kiểm kê vườn cây, phân chia phần cây, chuẩn bị vật tư khai thác… Các đơn vị cần chuẩn bị sớm để tránh bị động cho kế hoạch mở cạo hàng năm. Ngoài ra cần chủ động điều tiết diện tích miệng cạo, nhịp độ cạo để giữ sản lượng ổn định, bền vững về lâu dài.
Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều triển khai cạo D4, ngoại trừ Đồng Phú – Kratie giữ lại một số diện tích cạo D3 để giữ nguồn lao động nhằm điều tiết khi tăng diện tích mở cạo. Tình hình lao động hiện nay tại CPC gặp nhiều khó khăn. Mặc dù hầu hết các đơn vị đều đã bố trí được nguồn lao động cho vườn cây nhưng vẫn còn Công ty Đồng Nai và Đồng Phú – Kratie thiếu lao động cục bộ tại 2 nông trường.
Về vấn đề này, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG cho biết, để thu hút nguồn lực lao động vào vùng dự án, các công ty thuộc VRG sẽ xây dựng nhà ở cho người công nhân để họ yên tâm định cư và gắn bó với đơn vị. Mặt khác, có chính sách về lương, cụ thể khi cao su đưa vào khai thác thì mức lương của công nhân sẽ được tăng lên theo sản lượng. Ông Trung nêu ví dụ thời điểm hiện nay Công ty Chư Sê – Kampong Thom đang trả mức lương bình quân 700 ngàn Ria/người/tháng (khoảng 4 triệu đồng), đây là mức lương tốt so với mặt bằng chung của khu vực và trong thời gian tới sẽ điều chỉnh cao hơn.
Áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả hơn sau hội nghị
Trước những vấn đề được nêu ra nhằm hướng đến tổ chức khai thác, quản lý cao su bền vững, năng suất cao, hiệu quả tối ưu, hội nghị nông nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại CPC là cơ hội để lãnh đạo, cán bộ quản lý kỹ thuật, các giám đốc nông trường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Ông Đỗ Kim Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN, đánh giá: “Hội nghị nông nghiệp lần này được VRG tổ chức sau quá trình trồng cao su tại CPC, vì thế, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến công tác kỹ thuật. Đặc biệt là việc phổ biến những giải pháp trong quản lý của các công ty, nhất là cung cấp những tài liệu hữu ích cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, họ sẽ học hỏi được rất nhiều từ các đồng nghiệp. Do đó, sau hội nghị, các cán bộ kỹ thuật sẽ ứng dụng và phát huy kiến thức một cách hiệu quả hơn”.
Còn ông Hoàng Văn Nhơn – Giám đốc Công ty Krông Buk – Ratanakiri, chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá đây là hội nghị quan trọng nên công ty đã cử nhiều cán bộ làm công tác kỹ thuật, giám đốc các nông trường đi để học hỏi từ các đơn vị bạn. Các báo cáo của VRG, Viện Nghiên cứu Cao su VN, tham luận của các công ty về những cách quản lý hết sức cụ thể và hiệu quả. Sau hội nghị này, chúng tôi sẽ củng cố những biểu mẫu theo dõi, tổ chức đào tạo lại cho cán bộ lẫn công nhân để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật mà Ban QLKT đặt ra”.
Với cán bộ nông trường, sau khi dự hội nghị, được lắng nghe các tham luận, ông Trương Ngọc Chiến – Giám đốc Nông trường Sê San, Công ty Hoàng Anh – Mang Yang K đánh giá cao những giải pháp, sáng kiến của Công ty Chư Sê – Kampong Thom ứng dụng trên vườn cây trong điều kiện khai thác thiếu hụt lao động.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG nhấn mạnh, các đơn vị cần có chính sách tốt để giữ người lao động, cần mạnh dạn triển khai cạo D4. Ngoài ra, Ban QLKT cần hướng dẫn các đơn vị về quy trình khai thác cho khu vực này trong thời gian 18 năm nhằm tận dụng tối đa hiệu quả trên vườn cây trong thời gian thuê đất. Phó TGĐ Nguyễn Tiến Đức cũng lưu ý các đơn vị cần chú trọng công tác phòng chống cháy, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng cháy vườn cây. Từ nay đến cuối năm, các đơn vị phải báo cáo VRG về công tác rà soát quỹ đất không phù hợp trồng cao su.
Văn Vĩnh
Related posts:
- Khẩn trương dập dịch phấn trắng
- Công tác phun phòng phấn trắng: Quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm
- Chấn chỉnh, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm
- Tìm giải pháp cạo tận thu hiệu quả
- Cách giữ mủ mùa mưa
- Nhà máy chế biến mủ K’Dang: Cải tiến kỹ thuật, nâng cao thu nhập cho người lao động
- 7 giải pháp cho các công ty Tây Nguyên trong năm 2015
- Sử dụng hóa chất và suy giảm đa dạng sinh học
- Nhiều quốc gia điển hình trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới
- Phát triển dây lốp làm từ chất kết dính thân thiện với môi trường