Cách giữ mủ mùa mưa

CSVN – Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật các đơn vị, việc trang bị máng chắn mưa, mái che mưa và màng phủ chén để giữ mủ mang lại hiệu quả cao, giữ mủ không bị thất thoát.

Kỳ 2

Màng phủ chén giúp tận thu mủ nước khi mưa đột xuất. Ảnh: Văn Vĩnh
Màng phủ chén giúp tận thu mủ nước khi mưa đột xuất. Ảnh: Văn Vĩnh

Chị Nguyễn Thị Hải Yến – Phó phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV CS Lộc Ninh: “Công ty sử dụng máng, mái che mưa kết hợp với màng phủ chén. Đối với cây nhóm I, cạo miệng ngửa sử dụng mái che mưa, đối với cây cạo miệng úp sử dụng máng chắn mưa, toàn bộ làm bằng nhựa PE. Nhựa PE thì hiệu quả hơn, vì ko bị nứt, ít rò rỉ, không ảnh hưởng đến chất lượng mủ, có thể sử dụng trong 2 năm. Ngoài ra, công ty thực hiện trút mủ nhiều lần, lần 1 vào khoảng 9 giờ sáng, lần 2 từ 2 – 3 giờ chiều để thu sản lượng, tránh thất thoát do nước mưa tràn vào tô mủ”.

Ông Nguyễn Minh Khang – Trưởng phòng kỹ thuật TCT CS Đồng Nai: “Đảm bảo giữ sản lượng mủ hiệu quả trong mùa mưa, TCT đã trang bị máng chắn mưa, mái che mưa và tấm che tô mủ 100% diện tích vườn cây khai thác. Do được trang bị mái che mưa và tấm che tô mủ  nên có thể cạo được trong những ngày mưa vừa và nhỏ. Vườn cây được trang bị máng chắn mưa sẽ giúp cho mặt cạo mau khô hơn trong những ngày có mưa đêm trước, vì vậy CN sẽ cạo sớm hơn, giảm thất thoát mủ do cạo trễ. Các nông trường tổ chức trút mủ 2 hoặc 3 lần để giảm tỷ lệ mủ tạp và hạn chế lượng mủ nước bị trôi do những cơn mưa lớn. Quan trọng nhất là cán bộ quản lý các cấp ở nông trường thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết trong mùa mưa để điều hành sản xuất (giờ cạo, giờ trút, bôi dầu kích thích… hợp lý)”.

Anh Nguyễn Minh Duẩn – Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Nông trường Trần Văn Lưu, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng: “Cũng như các đơn vị khác, đơn vị chúng tôi áp dụng quy trình che chắn để bảo vệ sản lượng mủ cao su trong mùa mưa, đó là sử dụng máng che mưa và màng phủ chén. Máng che mưa có ưu điểm ngăn nước chảy xuống mặt cạo, giúp mặt cạo khô ráo. Do đó CN có thể cạo sớm vào mùa mưa, tận thu tối đa sản lượng mủ và rút ngắn thời gian khai thác ở vườn cây. Ngoài ra còn phòng được bệnh loét sọc mặt cạo và đảm bảo chất lượng mủ khi giao nộp về nhà máy. Ưu điểm của màng phủ chén là tận thu mủ nước khi gặp trời mưa đột xuất, bảo đảm chất lượng mủ nước khi giao nạp, không lẫn tạp chất, bụi bẩn ở vườn cây. Nhược điểm là thao tác cạo và trút mủ chậm, thường xảy ra tai nạn lao động vì bị rắn, rết, côn trùng… nằm trong màng phủ chén cắn, nếu CN không để ý cẩn thận. Bên cạnh đó, chi phí công làm máng và gia cố tốn kém”.

Anh Trần Văn Nam – Cán bộ kỹ thuật Nông trường Thuận Đức, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận: “Đối với máng chắn mưa thì trời mưa nhỏ sẽ cản được lượng nước mưa từ trên xuống bảng cạo, vì vậy bảng cạo không bị ướt và CN không phải bỏ cạo. Còn màng phủ chén tránh cho nước mưa vào chén mủ, CN đỡ phải chạy để trút mủ, mà có thể đợi hết mưa rồi trút, tránh vất vả cho CN. Hơn nữa, máng chắn mưa giữ mặt cạo luôn khô ráo, hạn chế cây bị bệnh loét sọc miệng cạo, tác nhân nấm gây bệnh rụng lá mùa mưa… nên hạn chế lây lan bệnh theo dòng nước mưa từ trên cây xuống. Lưu ý khi sử dụng màng phủ chén, CN phải thao tác cẩn thận, tránh nước mưa và bụi bẩn theo màng phủ vào chén mủ”.

Anh Nguyễn Thành Công – Tổ trưởng khai thác tổ 9, Đội 3, Nông trường Tân Hưng, Công ty CP Cao su Đồng Phú: “Máng chắn mưa hay màng nilong che mưa chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, chỉ sử dụng trong một mùa cạo, bước sang mùa cạo mới thì phải trang bị mới hoàn toàn. CN phải làm thủ công, không thể áp dụng cơ giới hóa nên tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, một số chủng loại máng rất dễ bị côn trùng phá hoại, nên sẽ phải duy trì việc gia cố và làm lại máng chắn mưa khác thường xuyên trên các phần cây. Đặc biệt, CN phải làm máng chắn mưa theo đúng quy cách về chiều dài, chiều rộng… máng phải phù hợp với nhóm tuổi của vườn cây khai thác và loại miệng cạo. Vườn cây non mới khai thác và vườn cây thanh lý hoặc miệng cạo ngửa, miệng cạo úp thì dùng máng có độ dài và dày khác nhau tùy theo độ dài đường cạo… Chính vì vậy, đơn vị phải có kế hoạch cụ thể để người CN trực tiếp thực hiện, tránh tốn kém và hiệu quả không cao”.

Quỳnh Mai – Ngọc Cẩm (ghi)