CSVNO – Giá dầu thô tăng 5,5%, lên 40,84 USD/thùng; cộng thêm thông tin 3 nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia chính thức cắt giảm xuất khẩu 615.000 tấn cao su thiên nhiên, đã đẩy giá cao su thiên nhiên tăng khá.
Trong phiên giao dịch ngày 7/3, giá dầu tăng mạnh trên khắp các thị trường thế giới nhờ thông tin số lượng các giàn khoan dầu giảm sâu và khả năng một thỏa thuận giảm sản lượng dầu chuẩn bị được chấp thuận.
Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao ngay tăng 1,98 USD/thùng tương đương 5,5% lên mức 37,90 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất tính từ ngày 24/12/2015. Thị trường London, giá dầu Brent tăng 2,12 USD/thùng tương đương 5,5% lên mức 40,84 USD/thùng, mức chốt phiên cao nhất trong 3 tháng.
Việc giá dầu liên tục giảm sâu từ giữa năm 2014 đã khiến các công ty phải giảm mạnh đầu tư và thu hẹp khá nhiều hoạt động khai thác năng lượng. Số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy số lượng các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trên thế giới giảm 130 trong tháng 2 xuống 1.761, thấp nhất từ năm 2002. Số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ hiện cũng đã xuống thấp nhất trong 16 năm.
Giá dầu thô tăng, cộng thêm thông tin 3 nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới Thái Lan, Indonesia và Malaysia chính thức cắt giảm xuất khẩu 615.000 tấn cao su thiên nhiên từ 1/3/2016 đến tháng 8/2016, đã đẩy giá cao su thiên nhiên tăng.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, giá cao su tấm đã xông khói RSS3 giao tháng 8/2016 ở thị trường Tokyo tăng 2,8% lên mức 179,5 yen (1,58 đô la Mỹ)/kg. Hãng tin Bloomberg ghi nhận giá cao su giao sau ở thị trường Tokyo đã tăng 22% tính từ mức thấp nhất trong sáu năm qua vào ngày 12/1. Mức tăng này đáp ứng định nghĩa chung về một thị trường tăng giá.
Trong khi đó, tại thị trường Thượng Hải ngày 7/3, giá cao su thiên nhiên SC5 giao tháng 5 cũng tăng lên mức 11.665 nhân dân tệ (1.790 đô la Mỹ)/tấn, tăng 595 nhân dân tệ so với phiên trước đó. So với mức giá thấp nhất trong 7 năm qua vào ngày 12/1, giá cao su thiên nhiên SC5 ở Thượng Hải đã tăng 21%.
Được biết, trong nỗ lực kìm hãm đà giá cao su giảm, 3 nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia thống nhất cắt giảm xuất khẩu 615.000 tấn cao su. 3 nước này hiện giữ khoảng 67% nguồn cung cao su toàn cầu, nên động thái này tác động tích cực đối với thị trường cao su. Ngoài việc cắt giảm xuất khẩu, Thái Lan cũng nhất trí mua cao su của nông dân với giá cao hơn giá của thị trường.
N.P (tổng hợp)
Related posts:
- Dự báo nguồn cung sẽ bắt đầu cải thiện từ cuối tháng 5
- Chính phủ Ấn Độ tăng vốn hỗ trợ phát triển ngành cao su thiên nhiên
- Xuất khẩu đồ gỗ tăng trưởng mạnh mẽ
- Nhu cầu cao su thế giới sẽ tăng mạnh vào cuối năm nay
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 11 tỷ USD
- BSC: Giá cao su phục hồi chỉ diễn ra trong ngắn hạn
- Bộ Tài chính thông tin về việc hoàn thuế VAT đối với gỗ, cao su
- Hà Lan tăng nhập khẩu cao su từ thị trường Việt Nam
- Chữ tín và chất lượng vỏ xe "★★★ VRG " là mục tiêu hàng đầu
- Giao dịch cao su sàn TOCOM ngày 7/1 bất ngờ giảm đồng loạt