Xu hướng giá sẽ được cải thiện trong thời gian tới

CSVN – Tạp chí Cao su VN vừa có cuộc trao đổi với ông Võ Hoàng An – Trưởng Ban Xuất nhập khẩu VRG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su VN (VRA) về triển vọng giá cao su trong thời gian tới.
Ông Võ Hoàng An (thứ hai từ phải qua) cùng Tổng Thư ký ANRPC – Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Bích (giữa) và các đại biểu tại Hội nghị Cao su thường niên lần 10 năm 2017
Ông Võ Hoàng An (thứ hai từ phải qua) cùng Tổng Thư ký ANRPC – Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Bích (giữa) và các đại biểu tại Hội nghị Cao su thường niên lần 10 năm 2017

– Nhận định của ông về triển vọng giá cao su thiên nhiên cuối năm 2017 và trong năm 2018, các yếu tố ảnh hưởng đến giá cao su như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Hoàng An: Theo số liệu cập nhật tháng 10/2017 của ANRPC, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 9,24 triệu tấn, so với nhu cầu tiêu thụ của thế giới là 9,637 triệu tấn, do đó trong giai đoạn này nguồn cung vẫn thấp hơn nhu cầu khoảng 400 ngàn tấn. Tuy nhiên, ANRPC dự báo chênh lệch cung cầu sẽ dần quay trở lại trạng thái cân bằng vào cuối năm 2017. Theo đó, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới trong cả năm 2017 dự kiến đạt 12,883 triệu tấn so với nhu cầu là 12,805 triệu tấn.

Tại Hội nghị ANRPC (ngày 23/10), các báo cáo viên đều đồng thuận xu hướng giá sẽ được cải  thiện trong thời gian tới, tuy nhiên, còn nhiều biến động và không vững chắc do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Ông Dar Wong – Công ty Đầu tư Dektos (Singapore) – cho biết  giá cao su TSR 20 (SICOM) sẽ tăng vượt 2.000 USD/ tấn vào cuối năm 2017 và có thể đạt mức 2.450 USD/ tấn trong quý I/2018. Trong khi đó, ông Benny Lee – Công ty Jupiter Securities (Malaysia) – cho biết giá cao su TSR 20 (SICOM) vào cuối năm 2017 sẽ vào khoảng 1.720 – 1.940 USD/tấn và đến cuối năm 2018 sẽ vượt 2.200 USD/tấn.

Ngoài hai yếu tố cơ bản cung cầu, trong những tháng cuối năm 2017, giá cao su chịu ảnh hưởng nhiều của dư cung tích lũy từ các năm trước, cùng với nhiều yếu tố khác như diễn biến của giá dầu thô; biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền mạnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đặc biệt là các nước tiêu thụ cao su lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ; tình trạng đầu cơ tại các sàn giao dịch hàng hóa tương lai; xung đột địa chính trị; biến đổi thời tiết…

Giá cao su thiên nhiên còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Theo như dự báo của nhiều chuyên gia, vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, giá cao su có thể bước vào một đợt phục hồi mới khi đây là thời gian cây cao su vào mùa rụng lá và ngừng thu hoạch mủ ở nhiều nước.

Bên cạnh đó, thị trường cao su luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn về giá vì khi giá tăng, sẽ thúc đẩy người trồng tăng cường khai thác mủ cao su, có thể nguồn cung tăng nhanh trở lại và gây nguy cơ kéo giá giảm xuống.

– Xin ông cho biết những đề xuất của VRA để hoạt động sản xuất của ngành đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới?

Ông Võ Hoàng An: Trước tình hình giá cao su thiên nhiên liên tục biến động trong thời gian qua, VRA khuyến cáo các hội viên tiếp tục duy trì các giải pháp ứng phó với tình hình giá không thuận lợi, đã thực hiện hiệu quả trong năm 2016. VRA hỗ trợ hội viên mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo uy tín thương mại. Đối với doanh nghiệp và người trồng cần quản lý chặt chẽ giá thành, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng nguồn thu nhập, cập nhật tình hình thị trường và giá cả để giảm rủi ro trong kinh doanh.

Nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành cao su Việt Nam, VRA đang tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính xem xét áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng đối với cao su sơ chế như đã áp dụng với cà phê, hồ tiêu, nhân điều, chè, gạo… để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và giảm tốn kém cho nhà nước trong khâu kiểm tra hoàn thuế.

Bên cạnh đó, Hiệp hội tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh phát triển sản phẩm cao su và sản phẩm gỗ cao su nhằm gia tăng giá trị cho chuỗi cung ứng ngành cao su. Đồng thời, nâng cao vai trò của ngành cao su trong các chương trình bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ và trữ lượng cac-bon, tăng khả năng hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính để giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Cẩm (thực hiện)