CSVN – Nhìn lại hơn mười lăm năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” ở Gia Lai, dòng chảy văn hóa luôn được đặt trong ý thức bồi đắp, gìn giữ của các thế hệ cư dân. Trong đó, thế hệ trẻ đã và đang góp phần gìn giữ, quảng bá văn hóa qua nhiều con đường, dưới nhiều hình thức.
Nhà Rông thanh niên
Thanh niên góp sức người, sức của làm nhà Rông không còn là chuyện hiếm ở nhiều buôn làng. Ở các xã Ya Ma, Yang Nam, Sơ Ró, An Trung, Kông Yang và thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) có những nhà Rông truyền thống mang đậm dấu ấn của thanh niên. Cách đây nhiều năm, khi xã Yang Nam chuẩn bị dựng nhà Rông thanh niên, nhiều người cảm động với cách làm của những thanh niên có hoàn cảnh rất khó khăn này.
Không có tiền để quyên góp, dưới sự chỉ dẫn của “thủ lĩnh” Đoàn Siu Drênh, trong gần nửa năm, không kể nắng mưa, họ phân công nhau vào rừng kiếm nguyên vật liệu. “Đến lúc chuẩn bị dựng nhà, chúng tôi phải đi tìm Già làng uy tín nhờ cậy vì muốn dựng một ngôi nhà Rông đúng kiểu truyền thống” – anh Siu Drênh kể. Ngôi nhà Rông không lớn, nhưng không lúc nào ngơi bước chân lũ trẻ. Siu Drênh tự hào khi chính nơi này, những giá trị về văn hóa truyền thống được thế hệ trẻ của xã phát huy.
Nhiều thanh niên còn thường xuyên lên nhà Rông đan lát, học đánh cồng chiêng, hát dân ca. Tại các buôn làng ở Chư Păh, Đăk Pơ, Kbang… ngày càng nhiều công trình nhà Rông mang đậm dấu ấn thanh niên. Ở những vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn nhưng với ý thức gìn giữ, gắn bó với các giá trị văn hóa truyền trống đã giúp họ có những cách làm riêng, tạo nên những giá trị riêng của tuổi trẻ.
Lớp học đặc biệt
Nhiều nghệ nhân, Già làng từng ưu tư về sự thờ ơ với văn hóa truyền thống của một bộ phận người trẻ. Tuy nhiên ở làng Mơ Hra – xã Tơ Tung (huyện Kbang) hàng tuần vẫn duy trì lớp học khá đặc biệt – học cách giữ gìn, trân quý giá trị văn hóa truyền thống. Nghệ nhân Đinh Trân giải thích: “Đây là lớp học cồng chiêng của làng. Hôm nay mình tập cho lũ trẻ một bài nhạc chiêng mới để chuẩn bị đi giao lưu”.
Có lẽ lớp học đã được duy trì khá lâu nên mọi thứ đều trật tự. Đội chiêng trẻ của làng khá đa dạng, từ những em mới 6 – 7 tuổi đến những chàng trai cô gái 16 – 17 tuổi. Con trai học đánh chiêng, con gái tập từng động tác xoang. Nghệ nhân già tỉ mỉ, kiên trì chỉ đừng động tác cho các em nhỏ mới lần đầu cầm chiêng. Thỉnh thoảng, ông dỏng tai nghe bài chiêng từ đám thanh niên đang chơi để kịp điều chỉnh khi ai đó lạc nhịp.
Nghệ nhân Đinh Trân cho hay: “Mình dạy chiêng cho lũ trẻ trong làng nhiều năm rồi, hết lớp này lại có lớp khác, chỉ vì thích mà làm thôi. Lũ trẻ rất “ham” chiêng nên nhiều khi mình phải bỏ rẫy để dạy chiêng cho chúng”. Đây cũng không phải lần đầu chúng tôi có mặt trong những lớp học đặc biệt như thế. Ở làng Bơ Yang – thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro) từ nhiều năm nay, nghệ nhân Đinh Glich vẫn miệt mài với việc truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trẻ trong làng. Đội chiêng trẻ của làng đã gây không ít ngạc nhiên cho những người quan tâm đến văn hóa truyền thống bởi khả năng trình diễn điêu luyện. Với những nghệ nhân như Đinh Trân, Đinh Glich, thái độ của lớp con cháu với cồng chiêng chính là động lực để họ “tiếp lửa” tình yêu với văn hóa truyền thống mà không đòi hỏi sự đáp đền.
Dòng chảy văn hóa của người bản địa Tây Nguyên đến hôm nay đã có nhiều biến đổi. Cồng chiêng, các loại nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống không thể sống trong không gian nguyên thủy, thay đổi để có hình thức tồn tại phù hợp hơn. Nhìn vào những nỗ lực của thế hệ trẻ, lạc quan tin vào điều này: dù biến đổi, những giá trị đẹp đẽ kết tinh từ hàng ngàn năm qua vẫn sẽ được gìn giữ, phát huy, tiếp tục sáng tạo những giá trị mới.
Hà Đức Thành
Related posts:
- Chư Sê Kampong Thom giải nhất Hội thao Khu vực III
- Binh đoàn 15 tham gia hội thi Tuyên truyền viên trẻ toàn quân khu vực phía Nam
- Cao su Điện Biên giải nhất Hội thao Khu vực 1– Lai Châu
- Về xứ Nghệ ngắm hoa hướng dương
- Văn hóa bình luận bóng đá
- Mẹ và đòn bánh tét ngày Xuân
- Thời kỳ vàng son nhờ kế hoạch Stevenson
- Những bức ảnh còn mãi theo thời gian
- Tác nghiệp báo chí online thời Covid-19
- Bình minh trên những cánh rừng cao su