Vai trò quan trọng của nghiên cứu cải tiến giống cao su

CSVN – Nghiên cứu và phát triển (R&D) chắc chắn là khoản đầu tư quan trọng cho nền kinh tế cao su tự nhiên (CSTN). Nhiều dẫn chứng cho thấy vai trò của R&D đã định hình sự tiến triển của nền kinh tế CSTN.

Nghiên cứu cải tiến giống cao su sẽ giúp cải thiện năng suất vườn cây bền vững. Ảnh: Ng. Cường

Nếu như trước đây, việc nghiên cứu để cải thiện năng suất đóng vai trò quan trọng, thì ngày nay, ngày càng có thêm yêu cầu để đáp ứng tính bền vững. Khi cuộc khủng hoảng khí hậu có dấu hiệu sắp xảy ra, áp lực về tính bền vững đối với R&D tăng lên đáng kể. Đối với nền kinh tế CSTN, cuộc khủng hoảng khí hậu mang đến cả thách thức và cơ hội. Vì chi phí cho R&D không hề thấp nên việc chọn lọc các lĩnh vực nghiên cứu trở nên tối quan trọng.

Trong lĩnh vực sản xuất mủ nguyên liệu CSTN, các nỗ lực để đạt được năng suất vườn cây cao là động lực chính của R&D trong công tác lai tạo. Chắc chắn rằng, nghiên cứu lai tạo có tiềm năng chuyển đổi đáng kể nền kinh tế CSTN. Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển cao su quốc tế (IRRDB) đã đóng vai trò quan trọng trong việc vun đắp sự hợp tác trong nghiên cứu lai tạo. IRRDB không chỉ tham gia vào việc xây dựng năng lực và chia sẻ các phương pháp hay nhất mà còn khởi xướng các chương trình thu thập nguồn gen thông qua các chuyến thám hiểm đến nơi sinh sống ban đầu của các loài cao su. Rõ ràng là cần phải làm nhiều việc để phát triển các dòng vô tính có đặc điểm và đặc tính được cải thiện. Và khi áp lực lên hoạt động kinh doanh dựa trên mủ cao su đang đạt gần tới mức tối đa, thì chúng ta đang dịch chuyển sang sinh khối gỗ, gỗ cao su.

Phải thừa nhận rằng có nhiều cách mà nghiên cứu lai tạo có thể chuyển đổi nền kinh tế CSTN.

Năng suất và chất lượng được nâng cao. Nghiên cứu lai tạo có thể phát triển các giống cây cao su cho năng suất mủ cao hơn. Các chủng gen được cải thiện có thể tạo ra những cây không chỉ cho nhiều cao su hơn mà còn cho chất lượng cao su cao hơn, điều này rất cần thiết cho các ứng dụng công nghiệp. Năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn có thể làm tăng hiệu quả và lợi nhuận chung của các đồn điền cao su. Chiều hướng mới về năng suất và chất lượng gỗ đã trở nên quan trọng hơn cũng như thế giới tiếp tục tìm kiếm các loại cây trồng có khả năng cô lập carbon cao.

Khả năng kháng bệnh. Một trong những thách thức lớn trong việc trồng cao su là dễ mắc các bệnh như Bệnh cháy lá Nam Mỹ (SALB). Gần đây, bệnh rụng lá đốm tròn đã nổi lên như một mối đe dọa thực sự khác đối với năng suất cao su. Bằng cách lai tạo các giống kháng bệnh, các nhà nghiên cứu có thể giúp đảm bảo sản xuất cao su ổn định và đáng tin cậy hơn. Điều này làm giảm nhu cầu xử lý hóa chất và giảm nguy cơ mất mùa đáng kể, dẫn đến chuỗi cung ứng bền vững và an toàn hơn.

Khả năng thích nghi với khí hậu. Biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sản xuất cao su, với các kiểu thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất mủ cao su. Nghiên cứu lai tạo có thể tập trung vào việc phát triển các giống cây cao su có khả năng chống chịu tốt hơn với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như hạn hán hoặc lượng mưa quá nhiều. Khả năng thích nghi này có thể giúp duy trì mức sản xuất khi đối mặt với các thách thức về môi trường. Một số nhà khoa học về cao su đã đưa ra bằng chứng liên kết sự xuất hiện của các bệnh với sự thay đổi khí hậu.

Thời gian sinh trưởng giảm, thời gian trưởng thành ngắn hơn. Cây cao su truyền thống mất nhiều năm để trưởng thành trước khi bắt đầu sản xuất mủ cao su. Chúng đã có nhiều cải tiến sau nhiều năm nghiên cứu CSTN. Nghiên cứu lai tạo có thể rút ngắn thời gian trưởng thành, cho phép nông dân thu hoạch cao su sớm hơn. Sự luân chuyển nhanh hơn này có thể cải thiện khả năng kinh tế của các đồn điền cao su bằng cách đẩy nhanh lợi nhuận đầu tư. Thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài cho giai đoạn sản xuất là một yếu tố chính làm giảm động lực đầu tư vào canh tác CSTN. Sự bền vững. Việc phát triển các giống cây cao su đòi hỏi ít đầu tư vào hơn (như nước, phân bón và thuốc trừ sâu) có thể giúp sản xuất cao su bền vững hơn. Các hoạt động bền vững có thể giảm thiểu ảnh hưởng môi trường của việc trồng cao su, khiến nó hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng và các công ty có ý thức về sinh thái, có khả năng mở ra các thị trường mới.

Ổn định kinh tế. Bằng cách cải thiện hiệu quả và độ tin cậy của sản xuất cao su thông qua nghiên cứu lai tạo, ngành công nghiệp có thể trở nên ổn định hơn về mặt kinh tế. Sự ổn định này không chỉ có lợi cho các đồn điền lớn mà còn cho cả những người nông dân sản xuất nhỏ dựa vào cao su như một nguồn thu nhập chính. Với năng suất được cải thiện, mối lo ngại về giá thấp của những người nông dân trồng cao su một ngày nào đó có thể chỉ còn trong quá khứ. Một nền kinh tế cao su ổn định có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của các khu vực phụ thuộc vào sản xuất cao su.

Tiến bộ công nghệ sinh học. Các kỹ thuật công nghệ sinh học hiện đại, chẳng hạn như kỹ thuật di truyền và các chỉ thị phân tử, có thể được sử dụng để đẩy nhanh các chương trình nghiên cứu giống. Các công nghệ này có thể giúp xác định và nhân các đặc điểm mong muốn nhanh hơn và chính xác hơn các phương pháp nghiên cứu giống truyền thống. Việc tích hợp công nghệ sinh học có thể dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các giống cây cao su vượt trội. Người ta đã đặt ra câu hỏi liệu chúng ta đã làm đủ trong lĩnh vực mới về các phương pháp tiếp cận phân tử đối với nghiên cứu giống hay chưa.

Tóm lại, nghiên cứu lai tạo giống hứa hẹn sẽ chuyển đổi nền kinh tế CSTN bằng cách tăng năng suất, tính bền vững và khả năng phục hồi. Bằng cách giải quyết các thách thức quan trọng như khả năng kháng bệnh, khả năng thích ứng với khí hậu và khả năng kinh tế, các chương trình lai tạo có thể đảm bảo tương lai vững chắc và bền vững hơn cho sản xuất cao su tự nhiên. Tuy nhiên chỉ nghiên cứu là chưa đủ, việc chuyển đổi các nghiên cứu thành các ứng dụng thực tế rất quan trọng. Việc sản xuất và phân phối đúng vật liệu trồng từ nghiên cứu lai tạo thành công rất khó khăn. Các trường hợp nguyên liệu trồng kém và không đồng đều đã ảnh hưởng đến ngành, đặc biệt là người nông dân. Cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo các dòng vô tính khỏe mạnh được phát triển trong quá trình nghiên cứu lai tạo cuối cùng sẽ được đưa ra trồng để thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Như vậy, nghiên cứu nhân giống thực sự sẽ góp phần chuyển đổi nền kinh tế cao su.

(Theo Prof. Dato Ahmad Ibrahim, chuyên gia IRRDB)

NGUYỄN ANH NGHĨA dịch