Triển vọng xen cao su “gỗ – mủ” nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất

CSVN – Việc trồng xen cây lâm nghiệp trên vườn cao su đã được nghiên cứu, thử nghiệm tại một số quốc gia trồng và phát triển cao su trên thế giới nhằm phục vụ cho định hướng phát triển vườn cao su theo hướng “gỗ – mủ”, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho người lao động.

Cây trồng chính + cây trồng xen: [(15 + 5) x 2 m + (17 + 3) x 2) m], tổng số cây trên mô hình là 1.000 cây/ha (500 cây trồng chính + 500 cây trồng xen)
Trồng xen cao su “gỗ – mủ”

Thông thường, các loài cây lâm nghiệp trồng xen đều ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây cao su và mức độ ảnh hưởng có khác nhau tùy thuộc vào từng loài cây lâm nghiệp. Chính vì vậy, một mô hình mới về trồng xen trên vườn cao su trong  giai  đoạn  hiện  nay  cần  được  xem  xét,  khuyến khích đó là mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ”, nghĩa là cây cao su được trồng xen trên vườn cao su với giống trồng, khoảng cách và mật độ trồng thích hợp. Mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” là mô hình hoàn toàn khả thi và đáp ứng các mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm suất đầu tư cho vườn cây cao su giai đoạn KTCB và ổn định nguồn gỗ nguyên liệu.

Hiện tại mô hình này đã được áp dụng thí điểm tại một số công ty cao su từ năm 2015, điển hình như tại Công ty Phước Hòa, Đồng Phú, Lộc Ninh và Dầu Tiếng. Để triển khai thành công và mang lại hiệu quả kinh tế đối với mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” thì điều kiện tiên quyết là phải có những bộ giống cao su phù hợp cho mục tiêu “gỗ – mủ” hoặc “lấy gỗ”. Các giống cao su trồng xen phải là những giống có sinh trưởng thật khỏe để phù hợp cho mục tiêu lấy gỗ sau 10 – 12 năm trồng hoặc là các giống vừa có sinh trưởng khỏe vừa có năng suất mủ khá đến cao để có thể thu hoạch tận thu sản lượng mủ từ năm tuổi thứ 9 – 12 trước khi cây được cưa cắt lấy gỗ.

Tuy nhiên, khoảng cách cũng như mật độ trồng trên vườn cần nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện cụ thể để giảm thiểu tối đa sự cạnh tranh của cây cao su trồng xen đến cây cao su trồng chính nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Hiện nay, nhiều giống cao su mới do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam lai tạo và một số giống cao su hoang dại (các giống Amazon) có thể đáp ứng mục tiêu lấy gỗ hoặc gỗ – mủ cho các mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất và ổn định nguồn gỗ nguyên liệu cho các đơn vị chế biến gỗ cao su thuộc VRG. Các giống cao su hoang dại có sinh trưởng nhanh và rất khỏe, phù hợp cho mục tiêu lấy gỗ điển hình RO 20/100 và RO 25/254, các giống này có thể được trồng xen trên vườn cao su và sẽ thu hoạch gỗ sau 10 – 12 năm trồng.

Cây trồng chính + cây trồng xen: [(10 x 2) m + (10 x 3) m], tổng số cây trên mô hình là 833 cây/ha (500 cây trồng chính + 333 cây trồng xen)

Bên cạnh đó, một số giống cao su lai tạo trong nước có sinh trưởng khỏe, đồng thời có năng suất khá, phù hợp cho mục tiêu vừa lấy gỗ vừa lấy mủ, điển hình như RRIV 125, RRIV 206, RRIV 209, RRIV 222, LH 01/1023, LH 02/723, TD 02/522… các giống này có thể được trồng xen trên vườn cao su và sẽ thu hoạch cả gỗ và mủ sau 10 – 12 năm trồng.

Khoảng cách và mật độ cho trồng xen lâu dài

Việc trồng xen các loài cây ngắn ngày hoặc cây cao su “gỗ – mủ” trên các diện tích cao su trồng mới – tái canh nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm suất đầu tư vườn cây kiến thiết cơ bản là giải pháp cần thiết, nhất là trong giai đoạn giá cao su sụt giảm và biến động thất thường như hiện nay. Bên cạnh đó, việc ổn định và đảm bảo nguồn gỗ nguyên liệu cho các đơn vị chế biến gỗ thông qua giải pháp trồng xen cây cao su “gỗ – mủ” trên vườn cao su cũng là hướng tiếp cận đúng đắn, khả thi và cần thiết.

Tuy nhiên, để cả cây cao su trồng chính và cây cao su trồng xen đều phát huy được hết tiềm năng, giảm thiểu sự cạnh tranh lẫn nhau và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất thì việc thiết kế khoảng cách và mật độ trồng của cây trồng chính và cây trồng xen là đặc biệt quan trọng. Một số mô hình thiết kế giãn hàng (hàng đơn hoặc hàng kép) cho vườn cây cao su tái canh – trồng mới để đảm bảo công tác trồng xen lâu dài tại một số quốc gia trồng và phát triển cao su trên thế giới đã được thử nghiệm và khuyến cáo.

Đã có 20 mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” với tổng diện tích là 462,4 ha được thiết lập trên nhiều vùng sinh thái và thổ nhưỡng khác nhau tại các Công ty Đồng Phú (10 ha), Phước Hòa (46,5 ha), Dầu Tiếng (397,4 ha) và Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam (8,5 ha).

Giống cao su trồng trên các mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” là các giống được Viện lai tạo và tuyển chọn, đặc biệt một số giống thuộc thế hệ mới lai tạo năm 2001 – 2002 như RRIV 301 và RRIV 302, ngoài ra còn có 4 giống thuộc vùng nguyên quán Amazon được tuyển chọn thông qua thành tích sinh trưởng và trữ lượng gỗ vượt trội so với giống phổ biến về trữ lượng gỗ cao (PB 235). Các giống cao su trồng chính: RRIV 1, RRIV 114, RRIV 115, RRIV 120, RRIV 206 và RRIV 209 kết hợp một số giống khảo nghiệm quy mô lớn của Viện như LH 88/102, LH 00/750, LH 99/201, RRIV 122, RRIV 226, RRIV 216, RRIV 301. Các giống cao su trồng xen: LH 90/879, RRIV 103, RRIV 109, RRIV 206, RRIV 209, RRIV 229, RRIV 301, RRIV 302, RO 22/61C, RO 20/100, RO 25/254 và RO 25/298.

Mật độ cây cao su trồng chính là 500 cây/ha và mật độ cây cao su “gỗ – mủ” trồng xen từ 250 cây/ha (xen hàng đơn giữa hai hàng trồng chính) đến 500 cây/ha (xen hàng kép giữa hai hàng cao su chính), tổng số cây cao su trên mô hình trồng xen từ 750 – 1.000 cây/ha.

Kết quả sinh trưởng

Các mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” thiết lập năm 2019 có kết quả quan trắc, đánh giá sinh trưởng (vanh thân) tháng 9/2020 của 6 mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” thiết lập năm 2019 tại Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng với mật độ trồng 750 cây/ ha (500 cây trồng chính và 250 cây trồng xen) bước đầu cho thấy mặc dù còn khoảng 3 tháng nữa mới đến thời điểm đo vanh và kiểm kê cuối năm nhưng nhìn chung cả 6 mô hình đều có vanh thân gần tương đương nhau và vượt trội so với tiêu chuẩn vanh thân đất hạng III theo Quy trình kỹ thuật 2012, trong đó nổi bật về sinh trưởng qua 2 năm trồng đầu tiên là mô hình trồng xen ở lô 3G tại Nông trường Minh Hòa.

Trong số các giống trồng chính, mặc dù không có sự khác biệt đáng kể về sinh trưởng nhưng RRIV 1 là dòng vô tính thể hiện khả năng sinh trưởng tốt hơn qua 2 năm trồng đầu tiên với vanh thân bình quân đạt từ 9,6 – 12cm trên các mô hình lô 65D, 65A tại Nông trường Trần Văn Lưu và lô 3G tại Nông trường Minh Hòa, kế đến là dòng vô tính RRIV 209 với vanh thân bình quân đạt từ 9,8 – 10cm trên hai mô hình lô 65D và 65A tại Nông trường Trần Văn Lưu, cuối cùng là các dòng vô tính RRIV 115, RRIV 120 và RRIV 114 với vanh thân đạt từ 9,0 – 9,6 cm trên các mô hình lô 59A, 60A tại Bến Súc và lô 14 tại Minh Hòa.

Trong số các giống trồng xen, dòng vô tính RRIV 103 bước đầu thể hiện khả năng sinh trưởng vượt trội qua 2 năm trồng đầu tiên với vanh thân bình quân đạt lần lượt 10cm và 8,1cm tại mô hình lô 3G và 14 Minh Thạnh, kế đến là dòng vô tính RRIV 301 với vanh thân lần lượt đạt 9,2cm và 8cm tại mô hình lô 65D và 65A Trần Văn Lưu, trong khi đó các dòng vô tính RRIV 206, RRIV 302 và RO 25/298 có sinh trưởng khá với vanh thân đạt từ 7,7 – 8cm trên các mô hình còn lại.

Tương tự như ở các mô hình thiết lập năm 2018, một số dòng vô tính trên các mô hình thiết lập năm 2019 như RRIV 302 và RRIV 206 tại Bến Súc chưa có sự đồng đều về sinh trưởng và chưa thể hiện được hết tiềm năng sau 2 năm trồng, điều này có thể là kết quả của sự khác biệt về vật liệu trồng và thời điểm trồng giữa các mô hình. Ngoài ra, khả năng sinh trưởng, nhất là trong các năm đầu sau trồng còn chịu ảnh hưởng đáng kể bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng lô trồng, sinh trưởng của các giống trên các mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” thiết lập năm 2019 tại Dầu Tiếng

Việc đa dạng hóa sản phẩm có giá trị trên đơn vị diện đất trồng cao su là hết sức cần thiết nhất là trong giai đoạn giá mủ cao su sụt giảm và diễn biến thất thường như hiện nay. Trong đó, việc phát triển mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” dựa trên sự vận dụng linh hoạt các phương pháp thiết kế vườn cây, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và yếu tố giống là một trong những hướng tiếp cận đúng đắn và hoàn toàn khả thi trong giai đoạn hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu rải vụ cho ngành chế biến gỗ.

Từ thực tiễn triển khai các mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” trong giai đoạn 2015 – 2020 tại một số đơn vị khu vực Đông Nam Bộ cho thấy tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, giống trồng, vật liệu trồng, thời điểm trồng và phương pháp thiết kế mà khả năng sinh trưởng, phát triển của các mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” có sự khác biệt ít nhiều, tuy nhiên các mô hình trồng xen cao su “gỗ – mủ” trong những năm đầu KTCB nhìn chung có sinh trưởng, phát triển đáp ứng quy trình kỹ thuật cây cao su.

CSVN

(Trích tham luận tại Hội nghị Nông nghiệp VRG ngày 24/4 tại Cao su Mang Yang)