CSVN – Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) phối hợp cùng tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo “Thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu”, vào ngày 17/5. Ngành cao su đang khẩn trương đáp ứng các quy định của EUDR về truy xuất nguồn gốc từ cao su đại điền tới cao su tiểu điền và cao su nhập khẩu.
Cấm nhập khẩu vào EU nếu sản phẩm gây mất rừng
Ngày 29/6/2023, Liên minh châu Âu (EU) ban hành Quy định EUDR và chính thức được áp dụng vào tháng 1/2025. Theo quy định này, 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cao su, sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất vi phạm các quy định của quốc gia xuất khẩu hoặc gây mất rừng, suy thoái rừng. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của EUDR là truy xuất nguồn gốc.
Ông Hoàng Thành – Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Để đáp ứng yêu cầu trong quy định của EU về các sản phẩm không gây phá rừng, các sản phẩm từ cao su muốn nhập khẩu vào thị trường EU cần được đảm bảo đã thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm giải trình, bao gồm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng lô đất sản xuất ra các hàng hóa đó”.
Tương tự, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VRA, chia sẻ: “Các diện tích cao su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc VRG không đối mặt với khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu của EUDR. Bởi các diện tích này đã được trồng từ lâu, đất đai có nguồn gốc, ranh giới rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất”.
Ngành cao su chủ động ứng phó
EUDR đem lại không ít thách thức cho ngành cao su Việt Nam. Nguồn cung cao su thiên nhiên đầu vào của Việt Nam tương đối đa dạng, bao gồm từ đại điền, tiểu điền trong và ngoài nước, các nguồn này có thể được phối trộn trong quá trình chế biến. Việc tuân thủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đánh giá rủi ro từng lô hàng, đặc biệt với khoảng 260.000 hộ tiểu điền và mạng lưới thu mua phức tạp sẽ là thách thức lớn.
Chính vì vậy, VRA đã kiến nghị với Bộ ngành cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cho hộ tiểu điền cao su về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc; tích hợp số liệu về cao su vào hệ thống thông tin quốc gia về rừng và khu vực sản xuất. Về phía doanh nghiệp, các đơn vị xuất khẩu cần chủ động rà soát chuỗi cung ứng, xây dựng cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đánh giá rủi ro bằng ứng dụng công nghệ tích hợp. Doanh nghiệp cũng cần duy trì và mở rộng chuỗi cung nguyên liệu có chứng chỉ bền vững để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; đồng thời, hợp tác chặt chẽ với nhà nhập khẩu EU để thay đổi, điều chỉnh chuỗi cung phù hợp với quy định mới.
HẰNG NY – PHƯƠNG NGHI
Related posts:
- Yokohama tạo ra cao su chống nứt bằng công nghệ hạt nano
- Cao su Chư Prông đạt 2 giải thưởng tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật
- Cao su Kon Tum: Tiết giảm chi phí nông nghiệp nhưng vẫn đạt hiệu quả cao
- Áp dụng cơ giới hóa là yếu tố hàng đầu để tăng năng suất lao động
- Công nghệ mới làm tăng khả năng chống nứt cao su
- Nhiều quốc gia điển hình trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới
- Hướng đến tổ chức sản xuất hiệu quả
- Phòng trị bệnh trên cao su: Bệnh héo đen đầu lá
- Cây không phụ lòng người
- Đến năm 2020 khu vực miền núi phía Bắc đạt 32.000 ha cao su