Nhiều sáng kiến giúp giảm giá thành chế biến

CSVN – Mặc dù giá cả nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng trong thời gian qua ảnh hưởng đến giá thành chế biến và hiệu quả sản xuất của các đơn vị. Tuy nhiên, nhờ áp dụng các sáng kiến (SK), cải tiến kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp cao su VRG đã tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể hơn về vấn đề này, ông Trần Minh – Trưởng Ban Công nghiệp VRG cho biết:
Áp dụng công nghệ lò sấy panel sẽ tiết kiệm nhiên liệu trong xông sấy mủ tờ. Ảnh: N.K
Áp dụng công nghệ lò sấy panel sẽ tiết kiệm nhiên liệu trong xông sấy mủ tờ. Ảnh: N.K

Năm 2015 – 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng phong trào SK kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất luôn được lãnh đạo các đơn vị khuyến khích. Những SK nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục lỗi về máy móc thiết bị, tối ưu hóa các thông số công nghệ trong giai đoạn sản xuất.

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và SK, sáng chế trong toàn Tập đoàn khá sôi động, trong đó tập trung vào nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu, nguyên vật liệu. Nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị được ứng dụng vào sản xuất, đã cải thiện được chất lượng sản phẩm đáp ứng với tiêu chuẩn.

Kết quả các SK, cải tiến kỹ thuật đó cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Minh: Những SK, cải tiến trong ngành cao su đã mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Điển hình là 3 SK nổi bật nhất năm 2016 trong cải tiến công nghệ chế biến cao su:

Áp dụng công nghệ lò sấy panel trong sản xuất mủ tờ RSS, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chất đốt củi từ 1,8 ster/tấn xuống còn 1,2 ster nhiên liệu đốt trong năm 2016. Một số nhà máy chế biến có áp dụng công nghệ lò sấy panel sản xuất ra khoảng 12.000 tấn mủ tờ RSS tiết kiệm hơn 2,5 tỷ đồng.

Rút gọn thiết bị chế biến trong dây chuyền sản xuất mủ SVR 10, 20. Trên cơ sở quản lý nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào bảo đảm theo quy định và sự phối hợp giữa Ban Công nghiệp và Ban XDCB trong công tác xây dựng thiết kế bố trí công nghệ sản xuất SVR 10 theo hướng rút gọn đã tiết kiệm suất đầu tư dự án từ 11 triệu đồng/tấn sản phẩm xuống dưới 9 triệu đồng/tấn sản phẩm.

Ngoài ra còn tiết kiệm chi phí nhân công và nhiên liệu xông sấy, chất lượng sản phẩm vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Áp dụng bánh đà cho máy băm búa và các thiết bịị có lượng tiêu hao điện năng cao, giảm được hơn 20% điện năng trong sản xuất. Ngoài ra còn rất nhiều các SK mang lại hiệu quả thiết thực được công nhận từ các cấp.

Xin ông cho biết, Ban Công nghiệp VRG đã có những kế hoạch gì để khuyến khích, đẩy mạnh các SK nhằm giảm giá thành sản xuất của các công ty thành viên?

Ông Trần Minh: Hàng năm, Ban CN VRG tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn về công tác chế biến, môi trường và quản lý chất lượng sản phẩm với mục tiêu gắn sát lý thuyết và thực hành, phát huy sự năng động sáng tạo của cán bộ và NLĐ, tăng cường hiệu quả hoạt động SK trong các đơn vị.

Qua công tác kiểm tra hàng năm, Ban CN sẽ cùng với các đơn vị cơ sở trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, cùng thông tin tuyên truyền những SK của một số đơn vị đã thực hiện được để nhân rộng trong ngành và cũng là động lực tạo khí thế thi đua giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm đều tổ chức sơ kết, tổng kết, qua đó tổng hợp và phát huy các SK được thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn nhằm kịp thời phát hiện, nhân rộng, tuyên truyền để phát huy tính sáng tạo, vận dụng SK vào thực tiễn của quá trình SXKD.

Hoạt động nghiên cứu phát triển và tư duy sáng tạo, phát huy SK có ý nghĩa quan trọng, chiến lược trong sự phát triển của các đơn vị, do đó cần phải được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện về cơ chế, về hạ tầng kỹ thuật như: công cụ, kinh phí… Những cá nhân, tập thể có ý tưởng, có SK, có kết quả nghiên cứu cần được khen thưởng, ghi nhận, đánh giá và tôn vinh một cách xứng đáng.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Cẩm (thực hiện)