CSCN – Trong những ngày nghỉ cạo, Công đoàn (CĐ) các công ty ở Tây Nguyên đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ lao động khó khăn, nhất là công nhân mới tuyển dụng. Qua đó, giúp NLĐ phấn khởi bước vào mùa vụ mới.
Hỗ trợ nhu yếu phẩm
Nụ cười tươi tắn, nét mặt rạng rỡ khi đón nhận phần quà từ tay Phó TGĐ, Chủ tịch CĐ Cao su Chư Mom Ray, chị Y Thái vui mừng cho biết: “Mình vui lắm, mùa này không có nhiều thu nhập, nên phần quà hỗ trợ của công ty là rất ý nghĩa, giúp gia đình mình vượt qua khó khăn trong những tháng nghỉ cạo”.
Cao su Chư Mom Ray là đơn vị sử dụng lượng lớn lao động từ các tỉnh Nghệ An, những ngày tháng đầu vào lập nghiệp công nhân hết sức khó khăn. Do đó, ngoài việc thu xếp nơi ăn chốn ở, lãnh đạo và CĐ công ty còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm để công nhân bước đầu yên tâm an cư lạc nghiệp.
Ông Phạm Duy Vương – Phó TGĐ, Chủ tịch CĐ Cao su Chư Mom Ray cho hay: “Năm 2024, công ty cần 205 lao động để đáp ứng nhu cầu vườn cây mở miệng mới, đến thời điểm này công ty đã tuyển dụng đủ số lượng và đang tiến hành đào tạo tay nghề trước khi bố trí phần cây”.
Mỗi lao động khi được nhận, công ty bố trí ở các dãy nhà tập thể và hỗ trợ ngay 10 ký gạo, dầu ăn, mì chính, mì tôm, nước mắm… đối với những lao động cũ, công ty cho tạm ứng tiền lương để trang trải trong mùa nghỉ cạo.
Không khác lắm so với Cao su Chư Mom Ray, Cao su Sa Thầy cũng có các hoạt động tương tự để hỗ trợ lao động khó khăn mùa nghỉ cạo. Anh Dương Văn Khẩu – Phó GĐ phụ trách NT Suối Đá cho hay: “Với đơn vị chúng tôi, chủ yếu là hỗ trợ bằng cách cho tạm ứng tiền lương để bà con có cái chi tiêu, trang trải những ngày đầu đến lập nghiệp”.
Bên cạnh việc hỗ trợ nhu yếu phẩm, cho tạm ứng lương, CĐ các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên còn có nhiều hoạt động khác nhằm hỗ trợ, đồng hành với lao động trong lúc khó khăn như thăm hỏi, động viên, tặng quà… Qua những hoạt động này, nhiều lao động khó khăn phần nào đã giải quyết được bài toán thu nhập thấp mùa nghỉ cạo.
Vượt khó nhờ kinh tế phụ
Mặc dù đang là những ngày bận rộn cho việc trang bị vật tư, làm máng che mưa, mở miệng cạo xả, nhưng chị Phan Thị Ngơi – Công nhân NT Suối Đá, Cao su Sa Thầy vẫn tranh thủ vào rừng nhặt ươi, theo chị Ngơi: “Năm nay là năm được mùa ươi, nên ai cũng tranh thủ đi nhặt. Người nhiều thì vài triệu đồng một ngày, ít cũng vài trăm. Tháng 4 này, nhà tôi cũng được 2 triệu/ngày, qua đó có nguồn thu để trang trải trong thời gian nghỉ cạo”.
Bao quanh vườn cây của Cao su Sa Thầy, rừng vẫn còn rất nhiều ươi, theo nhiều người dân cho biết năm nào được mùa ươi tức năm đó bị hạn. Không giống Cao su Sa Thầy, với chị Y Thinh ở NT Mo Rai 3, Cao su Chư Mom Ray lại có nguồn thu khác từ vườn điều trồng ở bờ lô, hợp thủy từ nhiều năm qua, chị chia sẻ: “Tuy năm nay điều không xem là được mùa, nhưng nhờ giá các mặt hàng nông sản có tăng chút, nên gia đình tôi cũng có thêm thu nhập”.
Với một số công nhân không có kinh tế gia đình thì có thể đi hái điều thuê, nhiều công nhân ở các công ty cao su trên địa bàn Gia Lai, Đăk Lăk có thể đi hái tiêu, tưới cà phê và công làm công việc khác.
Mùa cạo mới lại đến, sự ấm áp và đọng lại trong suy nghĩ của lao động còn khó khăn đó là sự đồng hành, chia sẻ của tổ chức CĐ. Đây cũng chính là động lực, niềm tin để NLĐ gắn bó lâu dài với vườn cây, an cư lạc nghiệp cùng đơn vị.
GIA LINH
Related posts:
- Công đoàn Gỗ Thuận An đưa vào hoạt động Góc văn hóa
- Tháng Công nhân năm 2020: "Năng suất cao - an toàn lao động - thu nhập tốt"
- Công đoàn Tạp chí Cao su Việt Nam sôi nổi hội thi bi lắc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
- Cao su Bà Rịa Kampong Thom tổ chức tọa đàm ngày 20/10
- Chi trên 13 tỷ đồng cho "Tháng công nhân"
- Cao su Krông Buk: Gần 160 người lao động hiến máu nhân đạo
- Công đoàn Cao su Sơn La được hỗ trợ 5 "Mái ấm Công đoàn"
- Công đoàn động viên, tặng quà 7 đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên
- Công đoàn Cao su Ea H'leo bàn giao 2 “Mái ấm Công đoàn”
- Cao su Sơn La: Hỗ trợ gia đình công nhân thiệt hại do mưa lũ