CSVN – Xuyên suốt 3 năm đồng hành cùng VRG và các đơn vị thành viên thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững (QLRBV), TS Trần Lâm Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí CSVN về thành tích ấn tượng của Tập đoàn, đã tạo nền tảng cho cả Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia và của ngành lâm nghiệp VN.
– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện chứng chỉ QLRBV theo tiêu chuẩn PEFC/VFCS-FM; chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn PEFC-CoC cho nhà máy chế biến mủ cao su của các đơn vị thành viên VRG trong năm 2021?
TS. Trần Lâm Đồng: Từ khi mới triển khai vào năm 2019, Viện Nghiên cứu Lâm sinh đã trực tiếp tư vấn, hỗ trợ các đơn vị thành viên của Tập đoàn xây dựng phương án QLRBV và cấp chứng chỉ rừng PEFC/VFCS-FM. Kết quả, các công ty thực hiện năm 2019-2020 chủ yếu tại miền Đông và 2 công ty tại Tây Nguyên (Chư Păh và Chư Prông), đã được cấp chứng chỉ cho trên 60% diện tích mỗi công ty; riêng Bình Long và Phú Riềng đã cấp chứng chỉ cho toàn bộ diện tích rừng cao su.
Các công ty thực hiện năm 2021 là các đơn vị còn lại tại Tây Nguyên và miền Trung. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên tiến độ thực hiện chậm. Việc thực hiện chủ yếu phải trực tiếp nên gặp nhiều khó khăn trong điều kiện giãn cách xã hội. Các công ty cùng với Viện đã cố gắng khắc phục, tìm nhiều cách thức để triển khai, có 4 công ty tại Gia Lai và Kon Tum sẽ đánh giá cấp chứng chỉ vào đầu năm 2022. Các công ty còn lại chuyển kế hoạch thực hiện sang năm 2022.
Quá trình triển khai cho thấy các công ty rất tích cực, đã xây dựng được bộ máy quản lý và hệ thống các quy trình quản lý phù hợp với các yêu cầu theo tiêu chuẩn, có thể tự duy trì và mở rộng diện tích chứng chỉ rừng. Qua 3 năm triển khai, trong đó có 2 năm trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, tổng diện tích rừng cao su đã được cấp chứng chỉ đạt hơn 70.000 ha. Đây là một thành tích rất ấn tượng không chỉ của VRG mà của cả Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia và của ngành lâm nghiệp. PEFC quốc tế cũng đánh giá rất cao các kết quả đó và đang hỗ trợ cho Tập đoàn trong việc kết nối với các khách hàng ở các thị trường tốt.
Về chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC, Viện đồng hành với đơn vị tư vấn chứng chỉ. Đến nay, hầu hết 12 công ty đã có chứng chỉ rừng đều đã có chứng chỉ CoC cho các xí nghiệp chế biến mủ. Các sản phẩm mủ của các đơn vị này đều đã dán nhãn chứng chỉ PEFC cho sản phẩm, trong đó có 4 công ty đã có các lô hàng có chứng chỉ được bán. Năm 2021, có thêm 10 công ty lập kế hoạch thực hiện chứng chỉ PEFC-CoC cho mủ và 2 công ty cho gỗ cao su.
Tuy nhiên, do dịch phức tạp nên chỉ hai công ty Tây Ninh và Dầu Tiếng có thể sẵn sàng đánh giá cấp chứng chỉ CoC cho xí nghiệp chế biến gỗ và 4 công ty tại Gia Lai và Kon Tum có thể đánh giá cấp chứng chỉ cho xí nghiệp chế biến mủ vào đầu năm 2022. 6 công ty còn lại sẽ chuyển sang thực hiện trong năm 2022. Hiện tại, hầu hết các chứng chỉ CoC mới cấp cho các xí nghiệp chế biến mủ cao su. Trong khi đó, lượng gỗ khai thác thanh lý của các công ty đã có chứng chỉ rừng là khá lớn. Để nâng cao giá trị gia tăng cho nguồn nguyên liệu có chứng chỉ này, Tập đoàn cần thúc đẩy các đơn vị chế biến gỗ sớm cấp chứng chỉ PEFC-CoC.
– Xin ông cho biết trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Lâm sinh sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị thành viên VRG thực hiện chứng chỉ QLRBV cụ thể như thế nào? Các đơn vị thành viên VRG cần làm gì để thực hiện tốt các chứng chỉ QLRBV, thưa ông?
TS. Trần Lâm Đồng: Năm 2021 là năm Tập đoàn lập kế hoạch triển khai thực hiện QLRBV và chứng chỉ rừng nhiều nhất xuống các đơn vị, chủ yếu ở Tây Nguyên và miền Trung, nhưng cũng là năm triển khai khó khăn nhất do dịch bệnh. Do đó, trên 50% đơn vị chưa triển khai được sẽ phải chuyển sang thực hiện trong năm 2022. Viện sẽ tích cực tiếp cận và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cùng với các đơn vị triển khai sớm nhất.
Đối với các đơn vị chưa triển khai thực hiện, cần chuẩn bị tốt để có thể triển khai sớm trong đầu năm 2022. Đây là thời điểm thuận lợi khi mà các hoạt động khai thác mủ tạm dừng, có nhiều thời gian hơn tham gia các hoạt động tập huấn, đào tạo và triển khai trên hiện trường. Đối với các công ty đã được cấp chứng chỉ rừng đều đã có một hệ thống quản lý rừng tốt.
Tuy nhiên, QLRBV là một quá trình dài hạn, để thấy rõ được những hiệu quả tích cực đem lại, các đơn vị cần tiếp tục duy trì và có những cải tiến trong công tác quản lý rừng cao su. Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên cần tiếp tục cập nhật, thử nghiệm và phổ biến các thông tin, kiến thức về khoa học và kỹ thuật liên quan đến QLRBV, góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển bền vững của Tập đoàn.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
TRẦN HUỲNH (thực hiện)
Related posts:
- KCN Nam Tân Uyên trao 370 phần quà cho công nhân xa quê
- 12 chỉ đạo của Tổng giám đốc Tập đoàn ngay từ đầu năm
- Cao su Mang Yang tổ chức tổng kết công tác nông nghiệp năm 2021
- Ông Phạm Văn Thành – TV HĐQT, Trưởng Ban Kế hoạch Đầu tư VRG: "Tập đoàn quyết tâm đảm bảo doanh thu,...
- VRG tham dự Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng Đảng
- Các công ty cao su tại Lào: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
- Chuyện về người thật việc thật noi gương Bác
- Giá tăng, cao su xuất khẩu tháng 10 tăng gần 20% về giá trị
- Khối Đông Nam bộ 2 có 187 sáng kiến, giải pháp trong 10 tháng
- Thủy điện VRG - Bảo Lộc: Thu nhập bình quân 21 triệu đồng/người/tháng