Trồng xen canh cây gì để tăng hiệu quả sử dụng đất?

CSVN – Theo ông Vi Văn Toàn – Giám đốc chi nhánh Trạm thực nghiệm cao su Phú Yên thuộc Trung tâm nghiên cứu & Chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam) thì trồng xen canh trong vườn cao su KTCB là vấn đề đã được đề cập từ lâu, đặc biệt là trong lĩnh vực cao su tiểu điền, vì đây là chủ trương lấy ngắn nuôi dài, sử dụng hiệu quả hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân. Còn đối với cao su đại điền thì cần phải suy nghĩ thêm. Ông cho biết:
Cà phê trồng  xen cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su  Krông Buk.  Ảnh: Văn Vĩnh
Cà phê trồng xen cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk. Ảnh: Văn Vĩnh

Đối với việc trồng xen cây ngắn ngày trong vườn cao su. Điều 94 trong Quy trình kỹ thuật năm 2012 cũng đã qui định rõ, các loại cây ngắn ngày có thể trồng xen trong vườn cao su KTCB trong những năm đầu bao gồm những cây họ đậu, rau màu, lúa, dứa … và một số nơi hiện nay người ta đã trồng xen nghệ, gừng … thậm chí trong tương lai một số nơi cũng đang hướng tới phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên đối với bất kỳ giống cây trồng xen nào thì chúng ta cũng phải tuân thủ là không tranh chấp nước, ánh sáng, dinh dưỡng đối với cao su và không phải là ký chủ của những nguồn gây bệnh chính cho cao su.

Đối với trồng xen cây công nghiệp dài ngày, trước tiên chúng ta phải khẳng định một điều là không phải không trồng được. Nhưng chúng ta cần bàn là trồng cây gì? Trồng ở đâu? Trồng như thế nào? Thị trường tiêu thụ sản phẩm cho đầu ra ra sao? Các tác động khác về kinh tế, xã hội nếu có…

Trong điều kiện hiện nay, theo ông, những khu vực, đơn vị nào trên địa bàn Tây Nguyên có thể tiến hành trồng xen canh các loại cây trồng khác thành công, nếu tiến hành thì cần những điều kiện gì?

Ông Vi Văn Toàn: Với tư cách cá nhân, bản thân tôi chỉ đưa ra một số quan điểm trong chuyên môn của mình về các yếu tố đề cập nêu trên.

Thứ nhất là giống cây trồng xen: Trên Tây Nguyên hiện nay, trồng xen trong cao su chủ yếu vẫn là cây cà phê (cà phê Robusta và Catimor). Một số cây khác như ca cao, sầu riêng thì chưa thành công; tiêu, mắc ca, bơ, mít… thì chưa có kết quả nghiên cứu rõ ràng, nhưng đây cũng là một số cây trồng liên quan đến vật ký chủ mang mầm bệnh gây hại chính cho cao su, đặc biệt là Phytophthora sp.

Thứ hai là quy hoạch vùng trồng xen: Đối với khu vực Tây Nguyên, không phải khu vực nào cũng đủ điều kiện để trồng xen các cây công nghiệp dài ngày trên vườn cao su. Hầu hết tất cả các cây trồng xen này đều rất cần nước tưới trong thời kỳ ra hoa, kết trái mà đây là thời điểm rất quan trọng quyết định năng suất cho vườn cây mà khu vực Tây Nguyên lại đang là mùa khô hạn. Vì vậy, việc trồng xen những cây dài ngày này chủ yếu tập trung vào một số khu vực có đủ điều kiện nước tưới như ao hồ, sông suối…còn các khu vực khai thác nước ngầm thì sẽ bị ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Thứ ba là mật độ thiết kế vườn cây cao su: Một vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta nên thiết kế hàng đơn, vì thiết kế hàng đơn sẽ chống hiện tượng cao su lệch tán, khắc phục hiện tượng dễ đổ gãy và khó khăn trong khai thác sau này. Còn về vấn đề mật độ thì chúng ta cần xác định thời gian thu hoạch sản phẩm của cây trồng xen là bao nhiêu năm, ½ chu kỳ hay gần hết chu kỳ…

Chẳng hạn khoảng ½ chu kỳ cây trồng xen thì chúng ta thiết kế mật độ khoảng 420 – 450 cây/ha (Ví dụ 8 x 3; 9 x 2,5…), còn thu hoạch gần hết chu kỳ cây trồng xen thì thiết kế giảm mật độ xuống còn khoảng ½ so với mật độ thiết kế thông thường (Ví dụ 12 – 14 x 3…) và một số khu vực đất bằng thì thiết kế hàng cao su theo hướng Đông – Tây để cây trồng xen nhận được nhiều ánh sáng (vì phải khai thác gần hết chu kỳ cây trồng xen)

Thứ tư là vấn đề phòng trừ bệnh hại: Đối với cây cao su, việc phòng trừ bệnh lá trên vườn cây kinh doanh cũng đã khó khăn và tốn kém, do đó, việc phòng trừ bệnh hại trên cả cây trồng chính và cây trồng xen lại càng khó khăn và tốn kém nhiều hơn.

Vì vậy, trước khi quyết định chọn cây trồng xen phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu thời tiết trên địa bàn của mình, thì cần phải xem xét tính mẫn cảm với nấm bệnh của cây trồng xen cũng như ảnh hưởng tác động qua lại của nấm bệnh giữa cây cao su và cây trồng xen, để từ đó đưa ra những giải pháp phòng trừ hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Văn Vĩnh (thực hiện)