Đất – người – cao su ở cực Tây Bắc Tổ quốc

CSVN – Đã lâu rồi tôi chưa trở lại Tây Bắc, hẹn hoài với anh em ngoài đó, nhất là anh Tám – TGĐ Cao su Mường Nhé. Nằm trong chương trình sơ kết quý I các Khối thi đua Công đoàn (CĐ); Tháng Công nhân 2021; Lễ ra quân thu hoạch mủ mùa 2021 các đơn vị vùng núi phía Bắc, tôi đến Điện Biên dự họp Khối thi đua, dự lễ ra quân của Cao su Điện Biên, phát động Tháng Công nhân và đi Mường Nhé. Một công ba chuyện.

Đoàn công tác Công đoàn Cao su VN đến thăm và làm việc với Cao su Mường Nhé – Điện Biên. Ảnh: CTV

Tây Bắc mùa này đã đi qua mùa xuân rét mướt, bắt đầu vào hè nóng nực, thi thoảng có đợt không khí lạnh yếu làm cho đất trời dịu lại, rừng cao su đủ lá xanh mướt, đen thẫm, bóng láng, bệnh phấn trắng rụng lá năm nay ít, hứa hẹn một mùa cho sản lượng cao. Các đơn vị ở đây đã cho cạo xả, vật tư trang bị đầy đủ và đã có sản phẩm đưa về.

CĐ các đơn vị Tây Bắc, Đông Bắc mặc dù hoạt động còn có quá nhiều khó khăn nằm trong khó khăn chung của khu vực trong nhiều năm qua. Năm nay đều tỏ rõ quyết tâm chung sức chung lòng cùng với công nhân (CN), công ty vượt khó, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CNLĐ, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ ngay từ ngày đầu tháng đầu. Cao su Điện Biên năm 2020 trở thành điểm sáng của các đơn vị vùng núi phía Bắc. Sản lượng đạt 105% kế hoạch; năng suất vườn cây đạt 1,25 tấn; tiền lương đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng; năm đầu tiên đã có lợi nhuận, công ty ổn định và phát triển tốt; chính quyền địa phương ủng hộ và giúp đỡ lễ ra quân, phát động Tháng Công nhân khí thế, phấn khởi hứa hẹn một mùa bội thu.

Anh Tám xuống Điện Biên đón chúng tôi chiều hôm trước. Xong lễ chúng tôi đi ngay cho kịp ngày bởi từ Điện Biên vào tới Mường Nhé hơn 200 km đường đèo dốc, xe chạy phải hết 5 giờ. Vào đến Mường Chà chúng tôi ăn trưa và bắt đầu chuyến hành trình chao lắc lên đèo, xuống dốc quanh co, cua cùi chỏ 20m một khúc ngoặt.

Mường Nhé là một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Điện Biên, là huyện cực Bắc của tỉnh Điện Biên và đồng thời là huyện cực Tây của Việt Nam. Nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào. Điểm cực Tây của Việt Nam là A Pa Chải -Tá Miếu, nơi mà tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe. Việt Nam có 2 điểm như thế là A Pa Chải và Bờ Y (tỉnh Kon Tum) – ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia. Mường Nhé được thành lập theo Nghị định 08/2002/NĐ-CP ngày 14/1/2002 trên cơ sở điều chỉnh địa giới 2 huyện Mường Tè và Mường Lay (cũ) của tỉnh Lai Châu (cũ). Huyện Mường Nhé có diện tích 156.908,13 ha và 36.889 người, bao gồm 11 dân tộc sinh sống (chủ yếu là người H’Mông, Thái, chiếm gần 80%).

Mường Nhé là huyện có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh ở phía cực Tây của Tổ quốc, có 2 tuyến biên giới dài hơn 132km. Mường Nhé có 11 đơn vị hành chính cấp xã, với 110 tổ dân cư thôn bản, điểm bản, dân số toàn huyện khoảng 50.000 người, là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước (theo thống kê cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Nhé là 62,43%). Kinh tế kém phát triển, chủ yếu sản xuất nông nghiệp trên đất dốc sườn núi, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa chưa đồng bộ; trình độ dân trí và đời sống các dân tộc trên địa bàn còn nhiều khó khăn.

Nơi này cách đây 10 năm bạo loạn đã xảy ra từ thôn Huổi Khon, xã Nậm Kè. Từ 30/4 đến ngày 6/5/2011, một số phần tử xấu do thế lực bên ngoài xúi giục, tiếp tay đã dùng nhiều thủ đoạn kích động, lừa mị, lôi kéo hàng nghìn đồng bào dân tộc Mông từ nhiều xã trong huyện và ở các địa phương khác như: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk…tụ tập về bản Huổi Khon để hòng thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông tự trị” làm mất an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội không chỉ ở địa phương mà còn ảnh hưởng đến nhiều địa phương khác.

Sự việc đáng tiếc trên được Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội vào cuộc vận động tuyên truyền, giải thích và giải quyết, người dân trở về làm ăn. Những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý. Mường Nhé đã trở lại yên bình. Những năm qua, Mường Nhé đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Điện Biên, các tập đoàn (trong đó có VRG), kinh tế phát triển ổn định, văn hóa xã hội có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Mường Nhé hôm nay ngày càng thay da đổi thịt.

Ông Nguyễn Công Tám – TGĐ Công ty CP Cao su Mường Nhé – Điện Biên hướng dẫn công nhân cạo mủ tại Lễ ra quân khai thác vào năm 2018. Ảnh: Minh Thùy.

Trong cái chung của Mường Nhé có cái riêng của Cao su Mường Nhé, tiền thân là Nông trường Mường Nhé thuộc Công ty CP Cao su Điện Biên thành lập năm 2009. Chiều dài thời gian hơn 12 năm qua từ buổi đầu thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có tỉnh Điện Biên đưa cây cao su ra trồng. Vận động đồng bào các dân tộc góp đất trồng cao su làm thay đổi tập quán canh tác, làm ăn, sinh sống từ cây cao su. Qua những lần thay đổi đơn vị chủ quản đến hôm nay Cao su Mường Nhé là công ty con của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng với diện tích cao su gần 1.200 ha. Năm 2021 hơn phân nửa đưa vào khai thác. Tổng giám đốc từ 2015 đến nay là anh Nguyễn Công Tám, nguyên là cán bộ của Cao su Phú Riềng cử ra bám trụ. Câu chuyện về Cao su Mường Nhé chiếm hết thời gian từ ngày gặp anh cho đến bây giờ và từ ngày hôm qua đến nay, gặp nhau và cùng nhau chặng đường đèo hơn 200km, chưa kể những lần điện thoại nói chuyện hỏi thăm dài hơn.

Xe leo đèo đổ dốc liên tục, phải nói tay lái của chú tài xế người Thái là tay lái lụa, bình tĩnh chủ động xử lý ở những khúc cua ngoặt và tránh xe đi ngược chiều. Chú ấy nói: “Đường này em thuộc từng khúc cua, từng ổ gà nên bác cứ yên tâm. Với lại đã được nâng cấp cách đây mấy năm dù hẹp nhưng bọn em luôn đảm bảo an toàn..”

Từ dưới Điện Biên lên Mường Nhé chỉ có mỗi đường độc đạo, hai bên sườn núi đồi là nương rẫy của đồng bào, các dân tộc. Mùa này chỉ có đất đá không có cây gì. Tôi hỏi Tám và Tám nói: Nương rẫy mỗi năm làm một vụ, ngoài nương sắn, ngô không còn cây gì khác. Thi thoảng có thấy một vài cái chòi rẫy cheo leo. Cách 10 km thì mới có một bản nằm hai bên đường, đời sống của họ chủ yếu là nương rẫy, còn khó khăn nghèo đói lắm. Anh thấy đất tốt, nhưng họ canh tác chỉ có vậy.

Tôi hỏi đất này có trồng được cao su không? Tám hồ hởi nói: Những thung lũng trồng cao su tốt lắm anh, có đất này em trồng được hết, độ cao khoảng 600-700m. Với lại vùng này có khí hậu khác hẳn, nắng nóng, mùa đông không lạnh lắm so với các vùng khác, ít rét đậm, rét hại nên cao su phát triển tốt. Chiều nay mời anh và đoàn ghé thăm vườn cây công ty em sẽ thấy. Bộ lá năm nay tốt, bọn em cho cạo xả rồi bắt đầu lấy mủ.

Quá nửa chiều chúng tôi đến đội sản xuất số 3 xã Mường Toong – Mường Nhé. Anh em chờ sẵn đón đoàn. Gặp nhau anh em mừng lắm, bởi cũng lâu CĐ Cao su mới ra thăm Mường Nhé. Ngồi dưới tán cao su bên cạnh văn phòng đội uống ly trà pha vội, Tám giới thiệu khách, chủ, trao đổi mấy câu với anh em rồi lên xe về Mường Nhé cách 2,5 km đường đèo nữa. Hẹn gặp nhau tối nay tại công ty. Tám khoe với tôi:

– Từ ngày em ra đây, em đã đào tạo, bồi dưỡng anh em là người dân tộc tại chỗ làm cán bộ kỹ thuật, tổ trưởng, đội trưởng. Hiện nay 5 đồng chí đội trưởng đều là người dân tộc, họ yếu khâu nào bồi dưỡng khâu đó. Đến nay anh em làm rất tốt, đặc biệt là họ làm công tác dân vận tốt lắm, cho nên CN đồng bào dân tộc tích cực bám vườn cây sản xuất coi như nương rẫy của họ.

– Tình hình công ty hiện nay thế nào chú? Tôi hỏi.

– Ổn định và phát triển tốt anh. Năm 2020 công ty đã đưa vào khai thác 388,17 ha, sản lượng đạt 412,8 tấn quy khô, tiêu thụ 416 tấn, giá bán 31,5 triệu/tấn. Tổng doanh thu 11,3 tỷ đồng đạt 112 % kế hoạch, doanh thu vượt 12%, giảm lỗ 744 triệu. Lương bình quân công nhân 6 triệu đồng/người/tháng. Đã hoàn thành ký kết hợp đồng với người dân góp quyền sử dụng đất hợp tác trồng cao su và chia sản phẩm. Năm 2020 có sản phẩm, công ty đã tiến hành chia 10% sản phẩm cho bà con, mọi việc công khai minh bạch, mọi thắc mắc được giải quyết thỏa đáng bà con phấn khởi lắm. Tổng số tiền của 10% sản phẩm được chia là hơn 1 tỷ đồng, sau khi giá thị trường được UBND tỉnh Điện Biên thống nhất. Bình quân 1 ha đất góp được chia sản phẩm quy ra tiền là 1.700.441đồng.

Tám đang say sưa câu chuyện thì xe đã về Mường Nhé. Tám mời tôi và anh em trong đoàn đi thăm vườn cây đội 5 cách đó 5 km. Vườn cây trồng năm 2014 nay đủ chuẩn đưa vào kinh doanh. Vườn cây phát triển tốt, đồng đều vanh thân. Ngọn cây hàng này chạm gốc hàng cây trên, cứ thế cheo leo từ chân đồi lên đỉnh đồi. Tôi thật sự bất ngờ nhưng đây là chuyện có thật. Chuyện của Mường Nhé nhưng lại là chuyện lạ ở Tây Bắc. Chúng tôi lên được đỉnh này là nhờ xe máy của anh em tải lên bằng đường bê tông rộng 1m. Tám nói với tôi: Đây là sáng kiến của em, anh ạ, nhiều người bị ngã do trơn trượt, mủ bị đổ, người bị tai nạn. Cho nên em quyết định làm đường bê tông từ dưới lên trên đỉnh rộng 1m, nhờ vậy công nhân đỡ vất vả, chi phí thấp nhưng hiệu quả. Tụi em đã làm được 6km rồi. Vườn cây mở cạo đến đâu sẽ làm đến đó. Tôi hỏi Tám về công tác quản lý, công tác kỹ thuật vườn cây, chế biến, tiêu thụ, tình hình an ninh trật tự, đời sống CN…

Công ty nhỏ chưa bằng một nông trường ở miền Đông Nam bộ mà anh, tuy vậy phức tạp lắm – Tám nói: Hiện nay công ty có 138 cán bộ CN, lao động trực tiếp và thời vụ 123 người, gián tiếp 25 người. Năm khu vực cách xa nhau em chia làm 5 đội: Một đội trưởng, một đội phó, một kỹ thuật kiêm bảo vệ. Phòng ban thì gọn: Tổ chức văn phòng, Tài chính kế toán, Kế hoạch kinh doanh, Kỹ thuật.

Công ty đã làm được 6km đường bê tông rộng 1m từ chân đồi lên đỉnh đồi để công nhân thuận tiện đi lại. Ảnh: CTV

Tôi thắc mắc tại sao kỹ thuật kiêm bảo vệ. Tám giải thích: Ở đây em nhận vào làm kỹ thuật thì anh em phải có bằng trung cấp nông nghiệp trở lên. Hàng ngày phải ra lô thăm vườn cây, quản lý quy trình kỹ thuật cho nên kiêm luôn công tác bảo vệ.

Tôi nhìn mặt cạo rất đẹp chứng tỏ tay nghề CN, quản lý kỹ thuật tốt. Vườn cây được rào chắn chống trâu bò vào phá hoại. Về tiêu thụ sản phẩm, công ty bán mủ đông cho khách hàng tại cửa khẩu A Pa Chải với giá sàn theo quy định. Khách hàng Trung Quốc họ sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn mỗi năm trên 1.000 tấn, rất tiếc hiện nay công ty chưa có hàng do khai thác còn ít. Còn đời sống CN nói chung lương bình quân 6 triệu/ người/tháng là mức thu nhập khá của dân vùng này, các chế độ chính sách bọn em thực hiện đầy đủ, năm 2020 khi vào khai thác tổ chức ăn giữa ca.

Lương cán bộ quản lý như đội trưởng chẳng hạn từ 10-12 triệu/tháng, anh em quản lý tốt hàng tháng có khen thưởng để động viên, họ là người dân tộc, nói thật làm thật, chịu khó học hỏi và mọi chuyện đã nói thì phải làm, công khai minh bạch. Từ bạo loạn năm 2011 đến nay Mường Nhé là địa bàn trọng điểm của Điện Biên và Tây Bắc, được Đảng, Nhà nước và tỉnh đặc biệt quan tâm ổn định phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, xây dựng nông thôn mới.

Chờ anh em. Tám đến đón chúng tôi, rất may được gặp người đàn ông to, cao chạy chiếc xe hơi đời mới đỗ xịch trước nhà nghỉ. Tám giới thiệu với tôi, anh đây là Pờ Diệp Sàng – nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Nhé vừa nghỉ hưu nhiệm kỳ đại hội rồi và là ông chủ của nhà nghỉ này. Ông chào tôi và cái bắt tay thật cứng cỏi. Tám nói: Anh Sàng nhiều năm qua luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo giúp đỡ hỗ trợ công ty nhiều lắm anh. Ông cười hiền:

– Cán bộ ra đây thấy Mường Nhé thế nào? Ông nói tiếng Việt còn lơ lớ.

– Mường Nhé tôi nghe nhiều rồi, nhưng hôm nay mới được lên đây. Tôi đáp – Mường Nhé đẹp, khang trang.

Ông kể tôi nghe: Ngày ấy đồng bào, cán bộ chưa biết cây cao su là cây gì, có hoa, trái ăn được không? Đưa cây cao su trồng trên đất Mường Nhé có được không? Phát triển và thu hoạch thế nào? Giá trị kinh tế ra sao? Chủ trương của Đảng, Chính phủ chúng tôi vận động người dân góp đất để trồng. Vất vả, gian nan lắm. Dân chưa tin, bây giờ thì tin rồi, ngon rồi, đồng bào làm CN cao su hết đói rồi, làm được nhà mới, có xe máy đi làm. Ông xin lỗi chia tay vội đi công việc gì đấy. Trước khi đi, lên xe tay nắm chặt. Hẹn gặp lại nhé!

Bữa cơm chiều họp mặt được tổ chức trước sân cầu lông công ty. Tám nói: Chiều nay anh có mời các anh lãnh đạo huyện và công an tỉnh đang công tác tại địa bàn đến giao lưu với anh em công ty ta cho vui.

Trăng đầu tháng như chiếc thuyền trôi chênh vênh trên ngọn cao su. Trời oi nồng giờ này dịu lại, những làn gió mơn man miền sơn cước. Dàn đèn pin mặt trời tự động bật sáng. Khách đến, Tám giới thiệu từng người vui vẻ chào nhau và vào tiệc với những món nhậu cực ngon do chị em nhà bếp công ty chuẩn bị: gà H’Mông, pịa dê, lợn bản…

Công nhân công ty khai thác mủ. Ảnh: Minh Thùy.

Ngồi đối diện với tôi là anh Thào A Dế – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực – Trưởng ban chỉ đạo phát triển cao su Mường Nhé. Dế nhỏ hơn tôi mấy tuổi, nói chuyện mộc mạc, chân tình của người H’Mông. Anh Tài – Phó Chủ tịch CĐ Cao su nói với tôi: Hôm trước ra thăm Mường Nhé giao lưu với anh Dế “lên bờ xuống ruộng”, tửu lượng cao lắm. Anh Năm chắc được nửa đường thôi!

Tám nói với tôi: Anh Dế là người anh em với cao su, luôn quyết liệt trong lời nói và việc làm, luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho cao su. Công ty hiện nay là đơn vị đầu tiên ở Tây Bắc đã hoàn thành ký kết hợp đồng góp đất với dân và chia sản phẩm cho dân. Công lao của anh Dế lớn lắm. Tôi cầm ly rượu rót đầy cảm ơn anh và nào: 100%.

Rượu chuối hột rừng ngâm cay nồng và ngọt lịm, mấy tua mà đã chếnh choáng. Trong đoàn tôi đi có anh Thông Chủ tịch, Liên, Lan cán bộ của CĐ Cao su Chư Sê cùng đi cho biết Mường Nhé. Tôi đề nghị một cuộc giao lưu Tây Nguyên và Tây Bắc. Cuộc vui phấn chấn men rượu nồng say và tình người, tình đất Mường Nhé. Trăng xuống dần nằm trên đỉnh núi và anh Dế đã say nói toàn tiếng H’Mông.

Chúng tôi tạm chia tay mai hành quân sớm. Quen biết Tám đã lâu, cụng ly chén nhiều lần, hôm nay mới ngồi với nhau tâm tình. Bình thường ăn to nói lớn thoát ẩn, thoát hiện. Có rượu vào Tám lại nhỏ nhẹ, thủ thỉ kể bao chuyện từ ngày đặt chân lên Mường Nhé.

Tám kể: “Quê em ở xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1994 em vào nông trường 3 Phú Riềng làm CN khai thác mủ. Từ người thợ (em cạo giỏi lắm) em trưởng thành được đề bạt làm tổ trưởng 11 năm (Phú Riềng không có mô hình cấp đội và chức vụ đội trưởng), hoạt động phong trào thanh niên và được bầu làm Bí thư Chi đoàn. Vừa làm vừa học em cố gắng học cử nhân kinh tế, năm 1997 em được kết nạp vào Đảng, làm KCS, Phó Chủ tịch CĐ cơ sở, Bí thư Đoàn nông trường.

Năm 2015, Mường Nhé là công ty con của Phú Riềng rất cần cán bộ quản lý có thực tiễn và có trình độ tiếp quản xây dựng Mường Nhé. Anh Lê Thanh Tú – Bí thư Đảng ủy – Tổng Giám đốc Phú Riềng lúc đó (nay là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn) chủ trương đưa cán bộ Đoàn xuất sắc tăng cường cho Mường Nhé. Em là người được chọn. Em nhớ mãi lời anh Tú nói và căn dặn: Em là người nói được làm được, từ người thợ phấn đấu trở thành cán bộ quản lý, có thực tiễn phong phú về cao su, có kinh nghiệm và bản lĩnh thì phải có khát vọng vươn lên. Phải dấn thân vượt qua những nơi gian khó nhất. Anh tin ở Mường Nhé em sẽ thành công. Sắp xếp công việc gia đình, ngày 1/11/2015 em lên đường ra Mường Nhé, được phân công làm Phó TGĐ kiêm Chủ tịch CĐ công ty (Anh Đỗ Anh Minh làm TGĐ. Từ 2/8/2017 sau khi Anh Minh được chuyển công tác xuống Sơn La, nay là TGĐ Cao su Hà Giang) em được bổ nhiệm làm TGĐ Mường Nhé cho đến nay.

Từ những ngày đầu đặt chân lên Mường Nhé, em xác định gắn bó lâu dài với đất, người, cây cao su ở đây. Với kiến thức và kinh nghiệm ở Phú Riềng về trồng, chăm sóc, khai thác mủ cho nên em đề xuất tập trung vào chăm sóc và định hình vườn cây. Trồng, chăm sóc vườn cây ở địa hình đồi núi, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác, quy trình kỹ thuật, công tác quản lý…bao điều phức tạp. Công ty thì quy mô nhỏ, vốn điều lệ 240 tỷ. Làm ăn thế nào để đạt yêu cầu thôi là cả vấn đề đòi hỏi sự cố gắng vào cuộc của cả một tập thể, sự ủng hộ nhiệt tình của địa phương, sự đồng thuận của người dân. Năm 2020 thành công, năm 2021 sẽ thành công và hy vọng những năm sau với giá mủ tốt công ty sẽ hết lỗ lũy kế và sẽ có lãi”.

Tám khẳng định như vậy và tôi cũng khẳng định như thế. Vì tôi tin những gì Mường Nhé đang có, vườn cây, tổ chức sản xuất kinh doanh, tổ chức đời sống CN, cung cách quản lý, đội ngũ cán bộ và người dân đang khẳng định mình vươn lên, xóa đi nghèo nàn, làm thay da đổi thịt một miền đất cực Tây của Tổ quốc. Làm dịu giọng những lời dị nghị về cây cao su ở Tây Bắc. Cây cao su và người thợ các dân tộc nơi này đã khơi dòng vàng trắng dâng trào cho đời – “Cao su – Dòng chảy cuộc sống”.

Mường Nhé trong tôi như mặc định một miền đất cách trở, xa xôi, đầy nắng gió, mưa nguồn, đèo cao dốc thẳm. Cây cao su với người, với đời hàm ý bản lĩnh, ý chí, tình yêu và sự dấn thân của những người thợ cao su.

5 giờ sáng hôm sau chúng tôi chia tay Tám và anh em. Xe lại lên đèo xuống dốc quanh co. Trong chao lắc men rượu còn say tối hôm qua, bất chợt tôi nghĩ mấy câu thơ tặng lại cho Mường Nhé:

Mường Nhé chưa biết đã đi

Anh đến đó biết nói gì. Em trao

Cao su vực thẳm non cao

Tình người tình đất ngọt ngào biên cương

Nay về đèo dốc mãi thương

Đôi mắt thợ. Cô gái Mường Nhé ơi.

LINH ĐAN