Diện mạo mới, sức sống mới ở Ya Chim

CSVN – Chúng tôi rảo bước trên những con đường ở thôn Plei Sar của xã Ya Chim, Tp. Kon Tum vào những ngày đầu vụ tái canh. Một cảm giác thật bình yên, tĩnh lặng không như cảm giác thấp thỏm lo âu, thiếu an toàn cách đây 3 năm khi Cao su Kon Tum tiến hành tái canh 209 ha.

Cán bộ phòng kỹ thuật kiểm tra mức độ sinh trưởng của vườn cây cao su trong diện tích trồng xen.
Tập trung làm ăn, phát triển kinh tế gia đình

Dừng lại trước căn nhà khang trang, thoáng đãng trên con đường nhựa phẳng lì vừa được chính quyền  làm  xong  năm  trước,  anh Lưu Văn Đăng  –  Phó Giám đốc Nông trường Ya Chim giới thiệu với chúng tôi, đây là nhà công nhân Y Yip, có chồng làm bảo vệ của nông trường.

Vào nhà, chúng tôi thấy chị Yip đang loay hoay nấu nướng cho bữa cơm trưa trong bộ đồ công nhân,  dường  như  chị  vừa  đi  làm về.  Tuy  đang  bận  bịu,  nhưng  chị vẫn nở nụ cười tươi tắn, rửa tay rồi mời chúng tôi vào bàn uống nước.

Trong câu chuyện với chúng tôi,  chị  cho  hay:  “Mình  vào  làm công  nhân  của  Nông  trường  Ya Chim từ năm 2013, đã chứng kiến nhiều biến cố, thăng trầm trong sự phát  triển  của  nông  trường.  Sự việc người dân của làng Plei Sar mình tham gia vào việc lấn chiếm đất trái pháp luật khi nông trường tiến  hành  tái  canh  209  ha  là  một việc mình thấy rất buồn. Tuy vậy, đến nay bà con trong làng cũng đã tập trung lo làm ăn rồi”.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân để bà con lấn chiếm đất trái phép là vào năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum  có  thông  báo  về  việc  thống nhất thu hồi diện tích trên 204 ha tại xã Ya Chim để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao  theo  chủ  trương  của  thường trực Tỉnh ủy Kon Tum. Đến ngày 23/6/2017, UBND tỉnh Kon Tum đã có  quyết  định  số  575/QĐ-UBND về việc thu hồi 209,8 ha công ty thanh lý.

Người dân thôn Plei Sar có thông tin UBND tỉnh thu hồi đất, lo sợ mình sẽ mất công ăn việc làm, thiếu đất sản xuất và lợi dụng tình hình đất để trống đã tổ chức chiếm đất trái phép trên khu đất 209 ha. Sau khi người dân thôn Plei Sar đòi trả lại đất không thành, một số đối tượng đã lợi dụng việc này để tiếp tục lôi kéo người dân thôn Lâm Tùng huy động hơn 200 người gồm cả người già, phụ nữ, trẻ em và có khoảng 50 người là công nhân của Nông trường Ya Chim ra lấn chiếm, phân vùng và dựng các lán, chòi trên tất cả các lô cao su thuộc khu đất 209 ha, số lượng khoảng 30 chòi.

Trong bữa cơm trưa muộn, anh Nguyễn Khắc Hoàng Phú – Giám đốc nông trường chia sẻ với chúng tôi: “Hơn 10 người vi phạm và bị xử phạt trong sự việc 3 năm trước, nay đã trở về với địa phương và chịu khó làm ăn. Thỉnh thoảng anh em chúng tôi cũng ghé thăm hỏi, động viên. Họ rất ăn năn hối lỗi, không còn các hành động khiêu khích, xúi giục như lúc trước”.

Chúng tôi được anh Đăng đưa đến nhà thôn trưởng A Khoan, nhưng ông vẫn chưa đi làm về. Theo lời bà con hàng xóm, ông Khoan tuy là thôn trưởng nhưng cũng là người rất chịu khó đi cạo mủ thuê cho các hộ tiểu điển khác, vợ ông – bà Y Hồng là chị chồng của Y Yip và là công nhân của Nông trường Ya Chim, nay xin nghỉ hưu sớm vì không đảm bảo sức khỏe, tuy nhiên bà vẫn có thể làm thêm những việc khác khi có ai đó gọi.

Đi trên con đường vắng người, anh Đăng cho chúng tôi hay: “Giờ này các anh đến thôn Plei Sar thì ít gặp được bà con lắm, bởi họ đi làm nương rẫy hoặc đi làm thuê chỗ khác hết rồi”.

Với 209 ha tái canh vào năm 2020, việc tiết giảm lao động là không thể tránh khỏi. Nhiều người trong thôn vẫn là công nhân của nông trường, nhưng do công nhân chăm sóc nên việc ít, mỗi năm chỉ làm cỏ, bón phân, tỉa chồi…nên hầu như lao động trong thôn đã đi kiếm việc nơi khác. Các em nhỏ đều được đến trường, không có ai bỏ học.

Bà con thôn Plei Sar tích cực trồng xen ngay sau khi tái canh, với mô hình kinh tế này bà con đã từng bước cải thiện được cuộc sống.
Nhiều chính sách hỗ trợ bà con thoát nghèo

Để hiểu rõ hơn cuộc sống của bà con thôn Plei Sar  nói  riêng  và  nhân  dân  xã  Ya  Chim  nói  chung, chúng tôi được anh Phan Văn Lâm – Giám đốc Nông trường Tân Hưng, một đơn vị trực thuộc Cao su Kon Tum và một vài bà con thôn Tùng Lâm giới thiệu đến gặp ông Nguyễn Quốc Hưng – Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã Ya Chim.

Ông Hưng cho hay: “Hiện nay, thôn Lâm Tùng có 236 hộ với 986 nhân khẩu, còn thôn Plei Sar có 319 hộ với 1.240 nhân khẩu, phần nhiều bà con ở đây đều có liên quan đến cây cao su, có gia đình là công nhân, có người thì nhận khoán hoặc các hộ liên kết với các nông trường của Cao su Kon Tum. Mặc dù vậy, đời sống của bà con cũng còn nhiều khó khăn nên chúng tôi thường xuyên cử các tổ chức đoàn thể đến từng nhà vận động bà con tích cực phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều mô hình như trồng xen trong cao su, chăn nuôi…”.

Với đa phần bà con là đồng bào Jarai, nhận thức chưa tốt nên đời sống còn khó khăn, các mô hình sản xuất còn đơn sơ. Sau khi xảy ra sự vụ lấm chiếm đất trái phép của Nông trường Ya Chim, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc hơn trong việc giúp bà con phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Cũng theo ông Hưng, hiện nay ủy ban xã đã thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn quả tại thôn Plei Sar để trồng một số cây đặc trưng và có giá trị kinh tế như chuối tiêu hồng. Mặt khác, xã cũng đã làm việc với Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm để bao tiêu đầu ra cho bà con.

Cùng với đó, xã Ya Chim đang đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho thanh niên trong làng, thanh niên thì học các nghề sửa chữa xe máy, điện, người lớn học các lớp dệt truyền thống, đan lát… Hàng tuần, xã đều có đội tuyên truyền, vận động bà con đến lớp học, tuyên truyền trên loa phát thanh những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để bà con nắm bắt.

Ông Phan Văn Lâm cho hay: “Hiện nay, nhiều hộ nhận khoán, liên kết ở nông trường chúng tôi đã tích cực, chịu khó và tu chí làm ăn, đi cạo đúng giờ quy định, không bỏ cạo ngày nào và họp hành đầy đủ. Theo tôi, đây là sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của bà con trong việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình”.

Giờ đây, đến xã Ya Chim nói chung và thôn Plei Sar nói riêng sẽ thấy một sự thay đổi rất lớn từ nhận thức của người dân, cơ sở hạ tầng đã được chính quyền đầu tư bài bản với hệ thống đường giao thông nông thôn sạch – đẹp, điện lưới quốc gia đến từng hộ gia đình, trường học và trạm xá khang trang, hàng quán đủ đầy các mặt hàng, một diện mạo mới để xã sớm đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

VĂN VĨNH