Trở về sau “cơn sốt” đất

CSVN – Trước đây khi thị trường bất động sản (BĐS) sôi động, nhiều công nhân cao su đã bỏ việc, cũng có người tranh thủ làm nghề tay trái để kiếm thu nhập từ nghề môi giới, đầu tư BĐS. Sau những “cơn sốt” đất, có người chọn cho mình công việc khác, song cũng có nhiều người đã quay về với nghề cạo mủ mà mình từng gắn bó.

Sự chăm lo và chế độ đãi ngộ của ngành sẽ thu hút nguồn lực lao động. Ảnh: CTV
Chọn cách trở về với nghề cao su

Khi những “cơn sốt” đất được giới đầu tư BĐS đẩy dần về nông thôn thì những ngành nghề lao động nông thôn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, trong đó có ngành cao su. Nhiều công nhân cao su đã bỏ nghề truyền thống tham gia vào thị trường BĐS, hy vọng vào một nghề có thu nhập cao. Nhưng với những kiến thức chưa được đào tạo, nhiều người đã trả giá bằng những thất bại, đặc biệt là thị trường BĐS ở nông thôn, luôn là một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro cao.

Nhiều người đã phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, khi thị trường BĐS “đóng băng” như hiện nay thì họ không còn khả năng thanh toán nợ, kể cả trả lãi suất ngân hàng cũng là bài toán khó. Đối với những người môi giới cũng trong hoàn cảnh khó khăn chung, nguồn đất nhiều, nhà đầu tư “vắng bóng”, không có thu nhập ổn định dẫn đến thất nghiệp…

Trước thực trạng trên, nhiều người đã chọn cách trở về với nghề cao su, đã và đang có nhiều người làm đơn xin ứng tuyển trở lại lao động sản xuất và cũng rất nhiều người được tuyển dụng để họ trở về với công việc truyền thống của mình.

Ông Trần Trung Tính – Phó chủ tịch Công đoàn NT Minh Hòa (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng), cho biết: “Hiện nay đơn vị sẵn sàng tạo điều kiện cho những người từng là công nhân nghỉ việc xin tái tuyển. Bởi vì họ là những lao động đã được trang bị tốt kỹ năng, kỹ thuật khai thác và đồng thời cũng là chính sách giải quyết việc làm cho NLĐ nông thôn…”.

Với những chính sách tạo điều kiện cho NLĐ nghỉ việc quay trở lại với nghề, một số đơn vị trong ngành đã thu hút được nguồn lực lao động, giải quyết một phần nhu cầu thiếu hụt lao động ngành cao su hiện nay, mặt khác việc tái tuyển cũng giúp cho đơn vị giảm bớt thời gian và kinh phí đào tạo, dạy nghề và đáp ứng đáng kể quy trình kỹ thuật khai thác trên vườn cây.

Tín hiệu khả quan về nguồn lực lao động

Lý giải về việc quay trở lại với vườn cây, anh N.H (Cao su Dầu Tiếng) bộc bạch: “Trước đây thấy thị trường BĐS sôi động, thu nhập cũng khá cao, do đó, tôi đã bỏ việc để tham gia, hy vọng kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Khi nghỉ việc, trong lòng cũng nhiều suy nghĩ và ray rứt, bởi gia đình mình gắn bó với nghề công nhân cao su biết bao nhiêu năm nay, cả thói quen sinh hoạt và tình cảm với những bạn bè đồng nghiệp… Nay tôi quyết định xin tái tuyển, mặc dù thu nhập từ làm công nhân cao su không cao lắm song đây là nguồn thu nhập ổn định, có chế độ đãi ngộ, chế độ BHXH theo quy định, giúp tôi an tâm hơn trong cuộc sống. Lần này trở lại với nghề, tôi quyết tâm gắn bó bám trụ với ngành cao su đến khi hết tuổi lao động”.

Và, đó cũng là tâm tư của nhiều công nhân khi quay trở lại với nghề khi mùa khai thác mới đang cận kề. Có lẽ sau những “cơn sốt đất”, nhiều nhà đầu tư và môi giới BĐS xuất thân từ công nhân cao su cũng đã rút ra cho mình một bài học về thị trường.

Và chính sự trở lại với nghề truyền thống của những công nhân là tín hiệu khả quan về nguồn lực lao động vào mùa cạo mới của Cao su Dầu Tiếng nói riêng và ngành cao su nói chung. Đây cũng là minh chứng cho giá trị truyền thống, sự chăm lo và chế độ đãi ngộ ổn định từ ngành đối với NLĐ, sẽ góp phần thu hút nguồn lực lao động trở lại sản xuất, gắn bó với nghề.

VĂN THỌ