CSVN – Kể từ ngày 1/7/2023, khi mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thì lao động nữ sinh con được hưởng thêm quyền lợi.
Theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, khi sinh con, lao động nữ sẽ được nhận trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Do đó, từ ngày 1/7, mức trợ cấp một lần sau khi sinh con tăng cao. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì người chồng được nhận khoản tiền này. Như vậy, nếu như sinh con từ ngày 1/7 (tức là thời điểm mà mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng) thì người lao động sẽ nhận được mức trợ cấp một lần lên đến 3,6 triệu đồng.
Với mức lương cơ sở trước đây là 1,49 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp này chỉ là 2.980.000 đồng. Tức là mức tăng hơn 600.000 đồng, đây cũng là mức tăng cao nhất của khoản tiền trợ cấp một lần mà người lao động nhận được sau khi sinh con.
Cũng từ ngày 1/7, mức trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau sinh của người lao động cũng tăng lên khá nhiều. Theo Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định, lao động nữ sau thời gian nghỉ thai sản, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày. Tối đa 10 ngày đối với sinh đôi, 7 ngày đối với sinh mổ, 5 ngày đối với trường hợp sinh thường. Trong thời gian này, lao động nữ sẽ được hưởng mức trợ cấp mỗi ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Trên đây là 2 khoản tiền của lao động nữ khi sinh con nhận được theo mức lương cơ sở mới từ ngày 1/7. Hai khoản tiền này đều đã tăng khá nhiều so với mức lương cơ sở trước đây.
Theo hướng dẫn tại Quyết định 166/QĐ-BHXH, thời hạn chi trả tiền chế độ thai sản do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện là 3 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ người lao động) hoặc 6 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ người sử dụng lao động).
Căn cứ Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động muốn nhận được tiền thai sản thì sau khi quay trở lại làm việc phải nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày. Sau đó, doanh nghiệp tiến hành hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý để được giải quyết chế độ thai sản cho người lao động.
Trường hợp người lao động đã nghỉ việc trước khi nghỉ thai sản nhưng vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì nộp trực tiếp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú. Pháp luật hiện không giới hạn thời hạn nộp hồ sơ với trường hợp nghỉ việc trước sinh. Trường hợp đã nghỉ làm trước khi sinh con sẽ không cần lo lắng, dù nộp sau sinh bao lâu vẫn được nhận tiền chế độ thai sản.
Riêng trường hợp đi làm công ty mà nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản muộn hơn 45 ngày thì phải có văn bản giải trình kèm theo để cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét lý do và thanh toán tiền chế độ. Trường hợp chậm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản do lỗi của người sử dụng lao động mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thì người sử dụng lao động phải bồi thường cho người đó. Ngoài việc phải bồi thường, người sử dụng lao động còn bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi không lập danh sách người lao động hoặc không lập hồ sơ hoặc không nộp hồ sơ thai sản đúng thời hạn quy định.
CSVN
Related posts:
- Con cái không muốn lập gia đình
- Thưởng thức thắng cố ở cao nguyên đá Đồng Văn
- Bình tĩnh chớ hoảng hốt và lo âu
- Người nghèo Sài Gòn giữa "bão" Covid
- Binh đoàn 15: Hiệu quả trong công tác dân vận
- TP HCM: Cập nhật mới toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà
- Kinh tế gia đình ổn định và phát triển nhờ mô hình nuôi dê
- Sau nghỉ hưu: Để mỗi ngày là một ngày vui
- Hàng nghìn tỷ đồng ủng hộ Quỹ vaccine Covid-19
- Binh đoàn 15: Sẵn sàng cho ngày hội toàn dân