Trồng cây sả trên đất cao su: Hướng đi mới, hiệu quả kinh tế cao

CSVN -Ea Tir là xã mới được thành lập, thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Ea H’Leo, tỉnh Đăk Lăk. Trên địa bàn xã, chủ yếu là đất pha sỏi đá nằm trên các đồi, núi hết sức cằn cỗi. Gần đây, mô hình trồng cây sả trên đất pha sỏi đá và trồng xen canh trong vườn cao su, hồ tiêu để chế biến tinh dầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân thu hoạch sả xen canh trên vườn cao su và vườn tiêu.
Người dân thu hoạch sả xen canh trên vườn cao su và vườn tiêu.

Năm 2013, ông Mông Văn Hẹn ở thôn 1, xã Ea Tir cùng 9 hộ gia đình ra tận tỉnh Tuyên Quang học tập cách làm kinh tế trên đất pha sỏi đá, và nhận thấy cây sả trồng để chế biến tinh dầu là dễ canh tác và phù hợp với thổ nhưỡng ở xã Ea Tir, nên mua 30 gốc cây giống về chia ra trồng thử nghiệm. Qua 1 năm trồng giống cây sả phát triển tốt mà không chịu sự ảnh hưởng của thời tiết, hạn hán.

Từ 30 gốc sả giống, các hộ dân ươm và trồng ra diện rộng với tổng diện tích 40ha. Đồng thời 9 hộ dân góp vốn đầu tư xây dựng 1 lò nấu sả với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Riêng gia đình ông Mông Văn Hẹn hiện nay đang trồng, chăm sóc và khai thác 2 ha cây sả để chế biến tinh dầu, mỗi tháng cho gia đình mức thu nhập 15 triệu đồng.

Vợ chồng ông Hứa Văn Mộc, sinh năm 1964 và bà Hoàng Thị Hoa sinh năm 1965 ở thôn 1, xã Ea Tir, trong những năm qua, canh tác gần 6 ha đất, trong đó có 2 ha cà phê, 1 ha hồ tiêu, 1,5ha cao su tiểu điền và đất trồng hoa màu. Từ năm 2013 trở về trước, trên diện tích gần 6ha đất mỗi năm gia đình ông thu nhập được gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 trở lại đây, với việc đưa cây sả vào trồng xen canh trong diện tích tiêu, cà phê, cao su và trồng trên những khoảnh đất pha sỏi đá, mỗi năm từ việc thu hoạch 2 ha sả để chế biến tinh dầu, gia đình ông có thu nhập ổn định từ cây sả 100 triệu đồng, trong đó có nhiều diện tích sả được gia đình ông Mộc trồng xen canh trong vườn tiêu, cao su.

Không chỉ có ông Hẹn, ông Mộc mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Tir, sau khi thấy việc trồng cây sả chế biến tinh dầu trên đất pha sỏi đá cằn cỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã tích cực đầu tư. Đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ gia đình trồng cây sả, với tổng diện tích khoảng 100 ha, trong đó có 40 ha sả đang cho thu hoạch, số còn lại người dân mới trồng.

trồng cây sả chế biến tinh dầu trên đất pha sỏi đá cằn cỗi mang lại hiệu quả kinh tế cao,
Trồng cây sả chế biến tinh dầu  mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, nhiều hộ dân trồng cao su tiểu điền, do giá mủ xuống thấp nhưng vẫn không muốn chặt nên đã mua giống sả trồng xen trong vườn cao su tiểu điền. Cây sả được chăm sóc, phát triển xanh tốt, vườn cao su cũng theo đó mà phát triển, với việc trồng xen cây sả như vậy quả thật “lợi cả đôi đường”.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều hộ dân cho rằng, nếu trên vườn cao su kiến thiết cơ bản, công ty cao su triển khai trồng sả xen canh, thì trong thời gian từ 5 năm đến 7 năm, lợi nhuận cây sả mang lại sẽ rất đáng kể.[/stextbox]

Theo tính toán sơ bộ, trên 1ha đất pha sỏi đá, nếu như trước đây mỗi năm người dân trồng đậu, mỳ chỉ cho thu nhập chưa đến 8 triệu đồng, nhưng với việc đưa cây sả vào trồng, mỗi năm người dân có thu nhập hơn 50 triệu đồng. Chưa kể, nhiều hộ còn trồng xen canh cây sả trong vườn tiêu, cao su, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

Các hộ nông dân trồng sả ở xã Ea Tir cho biết: Trong thời gian qua và hiện nay trên 1 diện tích 3 sào sả, từ 30 ngày đến 45 ngày người dân tiến hành cắt lá 1 lần rồi mang đi nấu được một nồi, cho ra thành phẩm từ 12 lít đến 15 lít tinh dầu sả. Với giá nhập cho các công ty sản xuất, chế biến tinh dầu sả trong nước hiện nay, mỗi lít dầu sả người dân thu về từ 230.000 đồng đến 250.000 đồng. Như vậy, cứ mỗi tháng trên diện tích 1 ha đất pha sỏi đá ở xã Ea Tir, người dân có thu nhập ổn định từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.

Với việc trồng cây sả trên đất pha sỏi đá ở xã Ea Tir mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân trên địa bàn đang tiếp tục mở rộng diện tích và trồng xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu và cao su, một số hộ đân ở khu vực Chư Ktây, xã Ea Khal hiện đã bắt đầu trồng loại cây này. Chính vì vậy, để đáp ứng được việc chế biến hết số nguyên liệu sả của người dân, các nhóm hộ dự định bước sang năm 2016 sẽ xây dựng thêm 1 lò nấu tinh dầu sả.

Bài, ảnh: Trường Ngữ