CSVN – Việc tuân thủ các yêu cầu của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) trong chuỗi cung ứng gỗ cao su Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, cơ hội để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Gỗ cao su là nguồn nguyên liệu quan trọng đóng góp vào sự phát triển của ngành chế biến gỗ Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su. Đồng thời, cải thiện thu nhập cho hơn 265.000 hộ tiểu điền và hơn 1.500 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng gỗ cao su với giá trị xuất khẩu ngày càng tăng.
Gỗ cao su có giá trị ngày càng tăng cao
Gỗ cao su và các mặt hàng đồ gỗ được làm từ gỗ cao su đã và đang có vị thế quan trọng cho cả ngành cao su và ngành gỗ. Trong những năm gần đây, mỗi năm ngành cao su cung cấp ra thị trường khoảng 4,5 – 5 triệu m3 gỗ cao su tròn. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào quan trọng có nguồn gốc pháp lý rõ ràng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả cho tiêu dùng nội địa.
Bình quân mỗi năm gỗ và các mặt hàng được làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch xuất khẩu 1,7 – 1,8 tỷ USD, chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, và là 1 trong 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su. Hiện các sản phẩm được làm từ gỗ cao su đã và đang là một trong những nhóm mặt hàng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cao su Việt Nam đã tăng liên tục với mức tăng trưởng hàng năm đạt 18,2% trong thời kỳ 2015 – 2019, từ mức 1,22 tỷ USD năm 2015 tăng lên 2,28 tỷ USD năm 2019. Đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su từ 29,3% năm 2015 đến 33,6% năm 2019. Ngành gỗ cao su đã tham gia đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành gỗ cả nước, chiếm 18% năm 2015 và 22% năm 2019.
Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ cao su sang hơn 100 thị trường. Năm 2019, 10 thị trường dẫn đầu chiếm 97,7% kim ngạch xuất khẩu gỗ cao su, trong đó, Hoa Kỳ chiếm nhiều nhất (71,9%), kế tiếp là Nhật Bản (9,4%) và Hàn Quốc (6,9%). Đối với nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm đơn giản, Việt Nam xuất khẩu sang hơn 70 thị trường. Năm 2019, 10 thị trường dẫn đầu chiếm 93,6%, trong đó, thị trường Hàn Quốc (72,9%), kế tiếp là thị trường Nhật Bản (5,7%), Trung Quốc (5,5%), Hoa Kỳ (3,3%), thị trường châu Âu gồm Bỉ (1,9%) và Pháp (1,2%).
Chủng loại sản phẩm gỗ cao su có giá trị xuất khẩu cao nhất trong các năm 2017 – 2019 là mặt hàng ghế gỗ. Năm 2019, mặt hàng này chiếm 30,4% trong kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ cao su, kế tiếp là đồ nội thất các loại, từ 5,9 – 26,1%.
Các chủng loại nguyên liệu gỗ cao su và sản phẩm đơn giản được xuất khẩu nhiều nhất năm 2019 là phụ phẩm của ngành gỗ, chiếm 62%, trong đó, viên gỗ nén làm nhiên liệu đạt 302,37 triệu USD (57,6%). Kế tiếp gỗ dán 61,93 triệu USD (11,8%) và đồ mộc trong xây dựng 44,48 triệu USD (8,5%). Kết quả này cho thấy ngành cao su không xuất khẩu nhiều nguyên liệu gỗ mà chủ yếu xuất khẩu phụ phẩm của gỗ cao su.
Gỗ cao su trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị ngày càng tăng cao để chế biến sản phẩm gỗ nội thất và xây dựng (bàn ghế tủ, dụng cụ gia đình và văn phòng, đồ chơi, ván lót sàn, ván MDF, cầu thang…). Gỗ cao su được xem là nguyên liệu tái tạo được để chế tạo những sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần làm giảm áp lực khai thác gỗ từ rừng tự nhiên.
Trữ lượng gỗ cao su ổn định giai đoạn 2021 – 2040
Diện tích cao su có xu hướng giảm dần do giá mủ cao su ở mức thấp qua nhiều năm gần đây, năm 2015 đạt 985.600 ha, đến năm 2020, còn 926.000 ha và có thể tiếp tục giảm do kế hoạch chuyển đổi của nhiều địa phương và người trồng theo hướng công nghiệp hóa (xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư, cơ sở hạ tầng…) và mở rộng diện tích cây trồng có hiệu quả cao hơn (nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây ăn quả…).
Với quy mô được duy trì ở mức 900.000 ha như quy hoạch của Chính phủ, diện tích cao su trồng lại sau 25 – 30 năm tuổi ước tính sẽ có khoảng 30.000 – 36.000 ha hàng năm. Từ đó, sản lượng gỗ cao su được cung cấp ra thị trường có thể đạt 7 – 10 triệu m3 gỗ quy tròn. Trong đó, có khoảng 265.000 hộ tham gia trồng hơn 479.600 ha, chiếm 51% về diện tích đến năm 2019, có tiềm năng đóng góp khoảng 50% lượng gỗ cao su cho thị trường trong giai đoạn sau năm 2021.
Dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2025, trữ lượng gỗ cao su ước đạt 3,22 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, trong đó, tiểu điền cung cấp khoảng 0,88 triệu m3, chiếm 27,2%. Lượng gỗ cao su tiểu điền ở thời kỳ này thấp hơn có thể do tiểu điền muốn duy trì vườn cây để thu hoạch mủ khi giá mủ được cải thiện từ cuối năm 2020.
Trong giai đoạn 2026 – 2030, nguồn cung gỗ cao su tiểu điền tăng lên, khoảng 1,37 triệu m3 gỗ quy tròn/ năm, nhưng chỉ chiếm 20,6%, do lượng gỗ của đại điền tăng nhanh hơn. Từ năm 2031 – 2035, diện tích tiểu điền trồng những năm 2001 – 2005 có tốc độ nhanh nên diện tích tái canh có xu hướng tương đương với đại điền và ước tính đạt 1,62 triệu m³/năm, chiếm 46,3%. Từ năm 2036 – 2040, nhờ diện tích trồng tăng nhanh trong thời kỳ giá cao (2006 – 2010), diện tích cao su tái canh của tiểu điền dự kiến đạt hơn 39 ngàn ha/năm và có tiềm năng cung cấp gần 6 triệu m3 gỗ quy tròn/năm trong giai đoạn này với tỷ lệ chiếm trên 45%.
Sản lượng gỗ cao su có thể được duy trì ổn định và tăng trưởng tốt khi có điều kiện nâng cao sức cạnh tranh cho người trồng cao su và diện tích cao su được quản lý chặt chẽ. Một trong những điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh là cần có những chính sách hỗ trợ khả năng đáp ứng xu thế của thị trường đang yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt về đảm bảo tính hợp pháp, nguồn gốc minh bạch và phát triển bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ cao su.
Để tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu gỗ cao su vào thị trường Châu Âu và thực thi VNTLAS cùng với ngành gỗ toàn quốc, Dự án “Thúc đẩy sự tuân thủ Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp trong ngành cao su Việt Nam” được Hiệp hội Cao su Việt Nam triển khai với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) và sự ủng hộ của Tổng cục Lâm nghiệp, thực hiện trong 12 tháng từ năm 2020 – 2021. Đây là nền tảng phát triển Bộ hồ sơ gỗ hợp pháp dành riêng cho ngành cao su với sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng gỗ.
THIÊN HƯƠNG
Related posts:
- Nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái
- Sản xuất gối nệm từ cao su thiên nhiên tại nhà máy Dorufoam
- MDF VRG Kiên Giang nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh liên tục, không bị gián đoạn do COVID - 19
- Gỗ cao su đóng góp 10,7% lượng gỗ sử dụng trong nước
- Đề nghị tỉnh Gia Lai giao VRG làm chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Pleiku
- 3 khu công nghiệp thuộc VRG nằm trong top 10 khu công nghiệp uy tín
- Ngành gỗ nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19
- Các doanh nghiệp lốp xe thực hiện chính sách cao su thiên nhiên bền vững
- HAWA DDS - Giải pháp hiệu quả gỡ khó cho gỗ cao su Việt Nam
- Vui buồn xuất khẩu gỗ đầu năm 2021