CSVN – Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến SXKD của các doanh nghiệp ngành gỗ. Nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường. Trong đó, các đơn vị chế biến gỗ trực thuộc VRG trên địa bàn tỉnh Bình Dương là một điển hình.
Dấu hiệu khả quan
Đối với Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hòa (trực thuộc Công ty CP Công nghiệp và XNK Cao su – RUBICO), ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, công ty này vẫn phải chịu một số khó khăn chung của ngành gỗ như: phụ thuộc yêu cầu của khách hàng về tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ, sự cạnh tranh về giá cả với các nước trong khu vực…
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mình, Gỗ Đông Hòa đã thành công trong việc tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là những khách hàng mới có đơn hàng sản xuất dài hạn. Ông Mai Vũ Trường – PGĐ công ty cho biết, nhờ có những đơn hàng mới nên từ khi xảy ra đại dịch đến nay hoạt động sản xuất của công ty không bị ngưng trệ, công nhân vẫn có việc làm và thu nhập ổn định.
Về các giải pháp đối phó với đại dịch Covid – 19, Gỗ Đông Hòa đã xây dựng các kịch bản ứng phó và chia thành 3 giai đoạn từ quý II, quý III đến quý IV.
Ông Lê Tuấn Linh – Phó TGĐ RUBICO, GĐ Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hòa nhận định: “Nếu dịch bệnh kéo dài không xuất hàng đi được thì đơn vị sẽ phải cắt giảm một số lao động cũng như các chi phí khác. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mình, chúng tôi vẫn đạt được thành quả rất ấn tượng với những con số cụ thể như: tính hết 5 tháng đầu năm nay, sản lượng chế biến gỗ tinh chế đạt 42% kế hoạch năm (sản lượng năm 2020 là 2.000m3); doanh thu đạt 45% kế hoạch (doanh thu cả năm là 117 tỷ đồng); lợi nhuận đạt 41% kế hoạch (lợi nhuận cả năm là 1,8 tỷ đồng)”.
Cũng như các đơn vị kinh doanh cùng ngành nghề, với Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An (TAC), trong thời điểm dịch Covid – 19 hoành hành cũng bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt là trong tháng 4. Các đơn hàng trong tháng này hầu như không xuất được mặc dù đã ký với các đối tác. Kéo theo đó, công nhân phải nghỉ làm hơn nửa tháng.
Tuy nhiên, sang tháng 5 tình hình khả quan hơn nhờ đã xuất được hàng trở lại. Đặc biệt, trong tháng này các đối tác tại thị trường Úc đặt hàng nhiều hơn so với dự kiến là 35% trên tổng sản lượng xuất kho của công ty.
Ngoài khách hàng Úc, khách hàng Mỹ đã đặt hàng trở lại. Và bước sang tháng 6, 2 thị trường nói trên tiếp tục đặt hàng với số lượng lớn hơn. Từ những tín hiệu khả quan đó, tổng doanh thu trong quý I của TAC đạt trên 166 tỷ đồng, tương đương 25,66% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế gần 5,9 tỷ đồng, đạt 25,65% kế hoạch. Không chỉ thế, thị trường tiêu thụ dần ổn định trong quý II.
Nhiều giải pháp mới được triển khai đồng bộ
Bà Lê Thị Xuyến – TGĐ Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An cho biết: Trong quá trình chỉ đạo SXKD, ban điều hành thường xuyên quán triệt 2 nhà máy tập trung rà soát, tổ chức, sắp xếp, quản lý… nhằm hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, quản lý chặt chẽ từ con người, vật tư nguyên liệu; quy trình sản xuất, quy trình kiểm soát nhằm đẩy mạnh mục tiêu tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm chi phí để có giá thành cạnh tranh. Đây chính là cơ sở để TAC giữ chân khách hàng cũ, đồng thời thu hút các khách hàng mới.
“Muốn làm được điều này, chúng tôi đã, đang và sẽ liên tục kêu gọi, động viên mỗi cán bộ quản lý phải nỗ lực gấp 2 đến 3 lần để chung sức, đồng lòng cùng vượt qua khó khăn hoàn thành kế hoạch năm 2020 với các chỉ tiêu cụ thể như: tổng doanh thu là 647,5 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 22,9 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 12,5%”, bà Lê Thị Xuyến nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Xuyến thông tin thêm: “Trong thời gian gần đây chúng tôi đã phối hợp với đối tác của mình để sản xuất ra các sản phẩm mẫu do chính Gỗ Thuận An thiết kế và sản xuất. Từ các sản phẩm mẫu này, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc giới thiệu mặt hàng cho các đối tác ngay tại trụ sở của mình cũng như các hội chợ ngành gỗ trong và ngoài nước”.
Trong 2 tháng nay – tức là thời điểm của dịch Covid – 19 tại nước ta đang diễn biến phức tạp, Gỗ Thuận An đã cho ra mắt phòng trưng bày sản phẩm của mình và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã. Đây là bước chuyển biến mới và cũng là hướng đi đúng để TAC tự tin thu hút được nhiều đơn hàng có giá trị kinh tế cao.
Cũng như TAC và các đơn vị khác trực thuộc VRG, để phòng chống dịch Covid – 19 thật tốt trong quá trình LĐSX, Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hòa đã thực hiện các biện pháp khử trùng, diệt khuẩn máy móc, thiết bị, công cụ lao động sau mỗi ca làm việc, người lao động mang khẩu trang, thiết bị bảo hộ, bảo đảm khoảng cách tối thiểu là 2m.
Trong trường hợp người lao động có nhiệt độ cơ thể trên 37,50C thì đưa vào phòng cách ly, sau 5 đến 10 phút đo lại nếu thân nhiệt bình thường thì mới đủ điều kiện cho làm việc.
Trong hoạt động SXKD, ông Lê Tuấn Linh – Phó TGĐ RUBICO, GĐ Công ty TNHH MTV Chế biến Gỗ Đông Hòa chia sẻ: “Trong thời gian dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã liên hệ với các khách hàng nhỏ và vừa nhằm phối hợp tăng cường triển khai thực hiện các sản phẩm mẫu.
Nhờ đó đã tạo nên sự linh hoạt cho khách hàng trong việc dịch chuyển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là điều kiện để các đối tác của chúng tôi thay đổi từ những thị trường đang bị dịch nặng và phong tỏa sang những thị trường khác phù hợp để tiêu thụ sản phẩm”.
NG. CƯỜNG
Related posts:
- Công đoàn Cao su Kon Tum sôi nổi nhiều hoạt động hướng về người lao động
- Cao su Quảng Nam phấn đấu khai thác trên 2.480 tấn mủ
- Tính bền vững của ngành công nghiệp cao su tự nhiên phụ thuộc vào tăng cường đầu tư cho nghiên cứu v...
- Thái Lan: Khuyến khích nông dân trồng cao su sử dụng tín dụng carbon để tạo thu nhập
- Ngành dệt may và săm lốp góp phần gây ô nhiễm môi trường
- Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm các Tập đoàn, Tổng công ty đạt 580.490 tỷ đồng
- Cao su Phước Hòa đạt Top 50 Doanh nghiệp Lợi nhuận Xuất sắc Việt Nam
- VRG ký kết hợp tác với Báo Tuổi Trẻ
- Đảng bộ VRG đã đạt được những kết quả quan trọng trong điều kiện khó khăn
- "VRG là điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 30 và Kết luận 82 của Bộ Chính trị"