Kỳ 1
Anh Trần Văn Diệu (CN tổ 1, NT Trần Văn Lưu, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng): Túc trực ngoài lô khi thời tiết xấu
Vào những ngày mưa, nếu không giữ mủ cẩn thận thì dễ hụt sản lượng mủ. Chính vì vậy, bản thân tôi thường túc trực ngoài lô khi thời tiết xấu. Nhiều hôm cạo xong, thấy trời âm u là ở lại vườn cây, không dám đi ăn sáng, phải canh thật kỹ, trời có dấu hiệu mưa là nhanh tay trút mủ liền. Riết rồi quen, mùa mưa là tôi chuẩn bị sẵn đồ ăn, canh giữ mủ ngoài lô.
Ngày thường thì đúng 3h sáng cạo mủ, những ngày mưa thì tùy cơ ứng biến, có thể cạo trễ hơn mọi ngày. Các biện pháp giữ sản lượng mủ mùa mưa thì đơn vị phổ biến cho mỗi CN vào đầu mùa cạo, như làm máng chắn mưa, che chắn cẩn thận tránh để nước mưa lẫn vào mủ, nếu nước mưa vào mủ thì đánh đông tại lô… Những ngày mưa là phải “tùy cơ ứng biến” và đặc biệt phải canh thời tiết để chạy trút mủ cho kịp.
Chị Trịnh Thị Xuân Hương (CN khai thác đội 8, NT Lai Uyên, Công ty CPCS Phước Hòa): Nhiều lúc phải chịu ướt, lạnh để cạo hết phần cây
Với kinh nghiệm hơn 14 năm làm CN khai thác, theo tôi vào ngày mưa vừa, mưa nhỏ thì mới giữ được mủ. Nếu mưa to là chịu hụt sản lượng, vì không thể cạo được. Vào đầu mùa khai thác, CN phải đi gắn máng chắn mưa, ở khâu này phải làm cẩn thận, chất lượng để nước không tràn vào chén mủ khi mưa. Cách giữ mủ của CN chúng tôi vào những ngày mưa là dùng túi nilông che đậy thùng mủ đã trút trước đó để nhập xe. Còn số mủ trút sau để đánh đông, ngày hôm sau làm mủ đông.
Thời gian cạo mủ lúc bình thường bắt đầu là 3h sáng. Nếu đang cạo mà mưa thì ngưng lại chờ tạnh mưa cạo tiếp. Nếu mưa to kéo dài tới 7h thì nghỉ cạo ngày hôm đó luôn.
Những tháng mưa sản lượng sẽ hụt đi khoảng ¼ so với tháng nắng, ví dụ tháng mưa đạt 8% thì tháng nắng phải 12 – 14%. Mùa mưa CN rất vất vả, vì đang cạo mà mưa là “ba chân bốn cẳng” chạy đi trút mủ. Có khi đang trút mà mưa tạnh, CN lại tiếp tục cạo, mặc dù quần áo ướt nhẹp và tay chân lạnh run, phải cố gắng cạo cho xong phần cây để không bị hụt sản lượng mủ.
Chị Nguyễn Thị Lan Nhung (CN đội 1, NT Thuận Đức, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận): Phải làm máng chắn mưa thật tốt và che chắn cẩn thận khi trút mủ
Kinh nghiệm nhiều năm làm CN khai thác của bản thân tôi để tránh thất thoát mủ vào mùa mưa là phải làm máng chắn mưa thật tốt, che chén thật cẩn thận thì khi mưa nước sẽ không vô mủ được. Khi trút mủ phải dùng bao nilông che chắn thùng mủ kỹ lưỡng, không cho nước mưa vào sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng mủ.
Đó là khi trời mưa nhỏ hoặc mưa vừa, nếu mưa lớn kéo dài bị nước vô mủ thì dùng thuốc đánh đông. Mùa mưa CN cạo mủ rất cực, đang cạo mà mưa nhỏ, nếu cây không bị ướt thì có thể cạo tiếp, mưa lớn thì phải ngưng cạo vì khi đó sẽ dễ làm hư và khô mặt cạo, ảnh hưởng đến sản lượng mủ ở những lần cạo sau.
Trong những tháng mưa, một ngày nghỉ cạo có thể giảm 3 – 4% sản lượng mủ. nhưng nếu có những biện pháp che chắn mủ tốt, cạo đều đặn thì sản lượng bằng mùa nắng. Vì nắng quá cây cao su cũng không cho nhiều mủ.
Chị Triệu Thị Thủy (tổ trưởng tổ 11, đội 3, NT Tân Lợi, Công ty CPCS Đồng Phú): Theo dõi thời tiết để điều chỉnh thời gian cạo mủ
Mỗi khi vào mùa mưa, mình thường theo dõi sát sao thời tiết để điều chỉnh thời gian cạo cho phù hợp, tránh thất thoát mủ cao su. Những ngày mưa, cạo xong 3 tiếng sau trút đợt 1, rồi trút lại đợt 2. Vừa trút mủ, vừa che chắn để không cho nuớc mưa vào thùng đựng mủ cao su. Bên cạnh đó, nếu mưa lớn, nước mưa hòa vào chén đựng mủ, thì nhỏ axit hoặc phèn để đánh đông mủ, chỉ cần nhỏ 1 – 2 giọt, nhỏ đến đâu mủ sẽ đông đến đó. Nói chung vào mùa mưa, CN khai thác vất vả lắm, trong đầu cứ loay hoay với suy nghĩ, hôm nay mưa phải bảo quản mủ cẩn thận, mưa lớn quá sẽ thất thoát mủ. Và trong câu chuyện của anh chị em CN những ngày mưa cũng xoay quanh việc hôm nay có bảo quản mủ được nhiều không, chứ những ngày mưa lớn quá cũng không làm gì được.
Ngọc Cẩm (ghi)
Related posts:
- Ban hành quy chế bán cao su thanh lý
- Cao su Chư Prông đạt 2 giải thưởng tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật
- Quy hoạch bảng cạo cao su tại Campuchia và Lào
- Phát triển cao su bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Kỹ thuật cao su thời Pháp
- Bùng phát bệnh rụng lá Pestalotiopsis tại Indonesia
- Sẽ có quy trình riêng cho vườn cây Mang Yang
- Chú trọng vai trò dinh dưỡng cho cao su tái canh
- Phun phòng trị phấn trắng - giải pháp hiệu quả cho vườn cao su ở Tây Nguyên
- Cây lúa cạn trên đất tái canh
Hôm qua về quê, mới biết cạo mủ mùa mưa cực khổ thế nào. Thấy ba mẹ buồn rầu mà xót não lòng, Mẹ nói ” 3 bửa nay mưa quá không đi cạo bửa nào, hôm nay thấy không mưa đi cạo tới 6 giờ thì mưa, đi trút không kịp…) Tối nằm ngủ không được ráng nghĩ ra cách gì đó để mùa mưa đở khổ cho những người công nhân củng như những nhà đang phục thuộc kinh tế vào cao su bớt khổ. Cuối cùng củng nghĩ ra 1 sáng kiến, khải thi 90% (khả thi… Read more »