CSVN – Những năm qua, trồng cây lúa cạn trên đất tái canh ở NT Phú Xuân (Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk), tại xã Ea Drơng, huyện Cư Mgar đã giúp nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã và công nhân của chính nông trường có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Cho người dân, công nhân “mượn” đất
Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay đã có hơn 600 ha đất cao su tái canh được Nông trường (NT) Phú Xuân giao cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và công nhân (CN) của NT “mượn” để trồng lúa cạn cho đến khi cây cao su khép tán, trong khoảng thời gian 3 năm.
Ông Hồ Ngọc Việt – Phó GĐ NT Phú Xuân cho biết: “Thực hiện chủ trương của tỉnh và của Công ty Cao su Đăk Lăk, từ năm 2012 đến nay NT tiến hành thanh lý và trồng mới lại các vườn cây cao su. Năm 2015 này, chúng tôi thực hiện tái canh nhiều nhất, với 311,29 ha. Vì thế mà cũng có nhiều hộ dân và CN được trồng xen canh cây lúa trên vườn cao su hơn so với những năm trước. Trên các diện tích tái canh chúng tôi đều cho các hộ nghèo, khó khăn và CN của NT “mượn” để trồng lúa”.
Cứ mỗi CN quản lý vườn cây định mức là 3 ha, NT cho trồng cây lúa trên diện tích 2 ha, còn 1 ha lấy lại để giao cho các hộ nghèo, khó khăn – trong đó, ưu tiên cho những hộ ở buôn kết nghĩa Gram B, giúp họ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn NT đứng chân. Tính riêng trong năm nay đã có hơn 200 hộ được cho mượn đất trồng lúa, trong đó có 100 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn xã.
Tiếp sức cho người dân nghèo
Theo chân cán bộ NT Phú Xuân đến gặp một số hộ được hưởng lợi từ chương trình “Cây lúa trên đất cao su tái canh”, chúng tôi mới thấy hết được ý nghĩa từ mô hình đem lại. Được sự “tiếp sức” của NT, đời sống của các hộ nghèo, khó khăn và các CN đã có những chuyển biến tích cực… Đầu năm 2015, niềm vui như được nhân đôi đối với Y Đạo AJun – ở buôn Gram B khi vừa được NT nhận vào làm CN chăm sóc vườn cây tái canh, vừa được cho canh tác lúa trên 2/3 ha mà mình đảm nhận.
Gia đình Y Đạo có hơn 10 nhân khẩu, đất sản xuất lại không nhiều, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn… Giờ đây, cùng với khoản lương ổn định hàng tháng anh còn có thêm thu nhập từ cây lúa. Nhờ đó, gia đình đã bớt khó khăn hơn… Y Đạo chia sẻ: “Trên diện tích của NT cho mượn, năm nay gia đình mình thu được hơn 5 tấn, cũng đủ để sinh hoạt, chuyện phải đi vay gạo ăn không còn xảy ra với gia đình tôi nữa. Cảm ơn NT nhiều lắm, mình sẽ cố gắng làm ăn để vươn lên ổn định cuộc sống.…”.
Làm CN NT Phú Xuân từ năm 1996, năm 2012 diện tích cao su của anh Trần Văn Hùng, cùng buôn Gram B, phụ trách cạo mủ nằm trong diện phải thực hiện tái canh do vườn cây đã già cỗi, cho sản lượng mủ thấp…
Như những CN khác, khi đảm nhận chăm sóc vườn cây tái canh, anh Hùng cũng được NT cho “mượn” đất để trồng lúa. Trên diện tích này, mỗi năm anh sản xuất được một vụ lúa… Anh Hùng phấn khởi nói: “NT tạo điều kiện cho CN canh tác lúa trên diện tích tái canh tôi thấy rất là thiết thực, giúp cho CN chúng tôi nâng cao được thu nhập cho gia đình. Năm đầu tiên làm lúa gia đình thu nhập được hơn 5 tấn, sang năm thứ hai được hơn 4 tấn và năm thứ ba được 2 tấn. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi đã đỡ vất vả hơn…”.
Có thể nói, “Cây lúa trên đất tái canh” ở NT Phú Xuân tuy chưa thể giúp các hộ nghèo, khó khăn và CN có cuộc sống khá giả nhưng cũng đã góp phần giúp họ nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống. Cách làm này, rất cần được nhân rộng ở các nông trường cao su khác, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Bài, ảnh: Trung Dũng
Related posts:
- Ứng dụng quy trình phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cây cao su kinh doanh - hiệu quả đa mục đích
- Quy chế Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV - năm 2024
- Tập trung ứng phó với mưa dầm kéo dài
- Trao đổi giống cao su quốc tế
- Khu vực Tây Nguyên: Tiềm năng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Giới thiệu quy trình kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017
- Lấy ý kiến xây dựng cơ cấu bộ giống cao su 2016 - 2020
- Thái Lan: Khuyến khích nông dân trồng cao su sử dụng tín dụng carbon để tạo thu nhập
- Đa dạng các mô hình xen canh hiệu quả
- Ban hành Quy chế tổ chức kiểm tra kỹ thuật thu hoạch mủ