Bùng phát bệnh rụng lá Pestalotiopsis tại Indonesia

CSVNO – Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 24/7/2019, giới chức Indonesia cho biết, sự bùng phát bệnh rụng lá Pestalotiopsis đã ảnh hưởng đến nhiều đồn điền cao su và dự kiến sẽ làm giảm đáng kể sản lượng cao su tự nhiên của nước này.
Bệnh rụng lá Pestalotiopsis có thể giảm sản lượng cao su của Indonesia ít nhất 15% trong năm 2019.
Bệnh rụng lá Pestalotiopsis có thể giảm sản lượng cao su của Indonesia ít nhất 15% trong năm 2019.

Bệnh đã tấn công các đồn điền cao su ở Bắc và Nam Sumatra; Bangka Belitung; Tây, Trung và Nam Kalimantan gây thiệt hại cho hơn 382.000 ha cao su và dự đoán bệnh sẽ tiếp tục phát triển.

Sự leo thang và cường độ của bệnh rụng lá Pestalotiopsis từ năm 2017 đến 2019 đã gia tăng đáng kể. Lần đầu tiên căn bệnh này được phát hiện tại Bắc Sumatra và sau đó lan sang Nam Sumatra, Bangka Belitung, Tây Kalimantan, Trung Kalimantan, Nam Kalimantan và dường như cũng xảy ra ở các khu vực khác bao gồm Jambi, Riau, Bengkulu, Tây Sumatra, Lampung. Bệnh cũng xảy ra ở Malaysia, đặc biệt là ở khu vực bán đảo Melaka.

Sự xuất hiện của bệnh này cũng như các bệnh khác chủ yếu do cây được chăm sóc kém và không bón phân do giá cao su giảm ở mức thấp trong thời gian dài, làm suy giảm khả năng đề kháng của cây đối với bệnh hại.

Ước tính căn bệnh này sẽ làm giảm tổng sản lượng cao su của Indonesia ít nhất 15% trong năm nay. Indonesia là nước sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất cao su (Gapkindo), sản lượng của Indonesia đạt 3,77 triệu tấn trong năm 2018, tăng nhẹ so với 3,63 triệu tấn trong năm 2017 và đã xuất khẩu 3,09 triệu tấn trong năm 2018 so với 3,28 triệu tấn trong năm 2017.

Tổng diện tích cao su của Indonesia hiện nay là 3,66 triệu ha, tiểu điền chiếm 85% diện tích, tạo việc làm cho 2,5 triệu hộ gia đình với diện tích sở hữu trung bình khoảng 1,25 ha/hộ. Hiện tại cao su là một trong những mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của Indonesia, đóng góp rất lớn vào ngoại hối của đất nước.

Chính phủ Indonesia đang nỗ lực trong việc giúp nông dân kiểm soát dịch bệnh bằng cách khuyến cáo sử dụng thuốc diệt nấm có các hoạt chất hexaconazole hoặc propiconazole để kiểm soát bệnh; cung cấp hỗ trợ phân bón để tăng sức đề kháng của cây cao su trước sự tấn công của bệnh. Chính phủ cũng tiếp tục theo dõi, cập nhật dữ liệu, thông tin liên quan đến tình hình lây lan và phương pháp xử lý bệnh để thông báo cho nông dân.

NGUYỄN ANH NGHĨA

(Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam)