CSVNO – Sự cạnh tranh xuất khẩu sang các nước TPP và cạnh tranh đối với nguồn cao su nguyên liệu ngay trên sân nhà sẽ ngày càng gay gắt, khi thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên từ các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… vào Việt Nam về 0%.
Đây là thông tin tại Hội thảo tận dụng một số ưu đãi về quy tắc xuất xứ và thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với mặt hàng cao su, do Hiệp hội Cao su VN (VRA) kết hợp với Cục Công tác phía Nam và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tổ chức ngày 30/6.
Khi VN là thành viên các FTA, các nhà máy chế biến lốp xe tại VN có thể chọn nguồn nguyên liệu nhập khẩu khi chất lượng được đảm bảo, giá cả cạnh tranh và chủng loại phù hợp hơn.
Do đó, doanh nghiệp ngành cao su VN cần nhanh chóng nâng cao chất lượng và đảm bảo uy tín, xây dựng và củng cố thương hiệu, chuyển đổi cơ cấu nguyên liệu cao su thiên nhiên phù hợp với thị trường xuất khẩu.
Tại hội thảo, bà Bùi Kim Thùy – Phó Trưởng phòng Xuất khẩu hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã trình bày các chuyên đề: “Hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA VN là thành viên”, “TPP và các FTA đối với xuất nhập khẩu”…
Theo đó, một số tác động của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) đối với ngành cao su cũng theo xu hướng chung. Đó là, ưu đãi thuế quan luôn kèm theo điều kiện, một trong số các điều kiện cần và rất quan trọng đối với hàng hóa đó là việc đáp ứng quy tắc xuất xứ. Với TPP, doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ sản phẩm hàng hóa của mình.
“Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần cử cán bộ chuyên môn tham dự các chương trình tập huấn do Bộ Công Thương tổ chức và đáp ứng các yêu cầu liên quan. Doanh nghiệp phải tổ chức lưu trữ hồ sơ trong 5 năm để phục vụ cho việc hậu kiểm, vì nếu cơ quan hải quan kiểm tra và phát hiện có sai phạm trong việc tự chứng nhận xuất xứ thì sẽ bị chế tài rất nặng. Doanh nghiệp cần dành thời gian và nguồn lực để áp dụng các quy định này một cách chính xác” – bà Thùy nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của TPP, ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VRA, Trưởng Ban XNK VRG, cho biết: “Nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu thêm về TPP và các tác động liên quan ngành hàng, VRA phối hợp tổ chức buổi hội thảo chuyên sâu, liên quan đến tác động của TPP đến ngành cao su, các biện pháp kỹ thuật trong quy tắc xuất xử của ngành hàng, đặc biệt là sản phẩm cao su, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh kế hoạch chiến lược, chủ động bắt tay vào các hành động cụ thể để đón đầu TPP”.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- Chỉ sợi Sado mở rộng thị trường xuất khẩu
- Nga đóng băng xuất khẩu phân bón là một thách thức
- Gỗ Thuận An chia cổ tức 11,5 %
- "VRG luôn lắng nghe và chia sẻ với khách hàng"
- Dự báo xuất khẩu cao su tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022
- Malaysia hợp tác với các nước sản xuất cao su để bình ổn giá
- Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng cả lượng và giá trị
- Xuất khẩu cao su quý 1/2021 tăng 103% kim ngạch
- Tôn vinh 14 doanh nghiệp tại Hội nghị Quốc tế và Họp mặt Doanh nhân Cao su 2020
- "Sản lượng vườn cây các CTCS Tây Nguyên vẫn có thể nâng cao"