Xuất khẩu cao su quý 1/2021 tăng 103% kim ngạch

CSVNO – Quý 1/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 406.471 tấn, với trị giá 674,67 triệu USD, tăng mạnh 78,5% về lượng và tăng 103% về kim ngạch.

Xuất khẩu cao su quý 1/2021

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 3/2021 tăng 6,8% về lượng và tăng 13% về kim ngạch so với tháng 2/2021, đạt 111.923 tấn, tương đương 196,08 triệu USD.

Tính chung cả quý 1/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 406.471 tấn với trị giá 674,67 triệu USD, tăng mạnh 78,5% về lượng và tăng 103% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu bình quân cao su của Việt Nam trong quý 1/2021 tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 1.660 USD/tấn. Tính riêng tháng 3/2021, giá xuất khẩu cao su tăng 6% so với tháng 2/2021 và tăng 21,8% so với cùng tháng năm 2020, đạt bình quân 1.751,9 USD/tấn.

Trung Quốc vẫn đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam trong quý 1/2021, với khối lượng đạt 290.159 tấn, tương đương 463,08 triệu USD, tăng 103% về lượng và tăng 128% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 71,4% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước và chiếm 68,6% trong tổng kim ngạch.

Xuất khẩu cao su sang EU – thị trường lớn thứ 2 cũng tăng mạnh 43,2% về lượng và tăng 77,4% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, đạt 22.138 tấn, trị giá 39,98 triệu USD, chiếm gần 6% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.

Xuất khẩu cao su sang thị trường Ấn Độ đạt 20.448 tấn, trị giá 37,02 triệu USD (tăng 43,5% về lượng và tăng 70,8% về kim ngạch).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cao su trong quý 1/2021 đạt 504.940 tấn, trị giá 691 triệu USD, tăng 176,9% về lượng và 136,9% về trị giá so với quý 1/2020. Phần lớn cao su nguyên liệu được nhập khẩu để tái xuất và một phần đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất trong nước.

Trong quý 1/2021, Campuchia là thị trường cung cấp cao su lớn nhất cho Việt Nam đạt 312.000 tấn, chiếm 61,8% trong tổng khối lượng cao su nhập khẩu vào Việt Nam, giá nhập khẩu bình quân đạt 1.021 USD/tấn, giảm nhẹ 0,8%. Đồng thời, mức giá này thấp hơn nhiều so với giá nhập cao su từ các thị trường khác như Hàn Quốc (2.051 USD/tấn), Trung Quốc (2.231 USD/tấn), Nhật Bản (2.544 USD/tấn)… Trong quý I/2021, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường khác như: Lào, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), đến nay diện tích cao su của cả nước đạt gần 1 triệu ha, với gần 70% trong đó là diện tích đang cho thu mủ với sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn/năm.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 3 trên thế giới. Mỗi năm, khoảng 80% cao su thiên nhiên từ Việt Nam, bao gồm lượng nhập khẩu từ Campuchia và Lào được xuất khẩu. Khoảng gần 20% trong tổng lượng cung, bao gồm cả từ lượng nguyên liệu nhập khẩu, được đưa vào chế biến sâu tại Việt Nam, với sản phẩm đầu ra chủ yếu bao gồm lốp xe, linh kiện ô tô, đế giày, sản phẩm thể thao và các sản phẩm khác. Các sản phẩm này được sử dụng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo các doanh nghiệp trong ngành, hiện cao su thiên nhiên trong nước chỉ sản xuất được các sản phẩm dân dụng và những sản phẩm không phải chịu nhiệt độ cao hoặc tiếp xúc với dầu nhớt. Trong khi đó, để sản xuất các sản phẩm công nghiệp cần đến sự chịu nhiệt, chịu được các điều kiện ở các môi trường khác nhau thì phải sử dụng các loại cao su tổng hợp (cao su kỹ thuật). Loại cao su này trong nước hiện nay chưa thể đầu tư để sản xuất dù nhu cầu thị trường rất lớn.

Do vậy, ngành cao su vẫn tồn tại một nghịch lý là xuất khẩu nhiều với giá trị thấp, nhưng lại tăng nhập khẩu cao su phục vụ chế biến sâu. Ngành công nghiệp chế biến cao su tập trung ở một số lĩnh vực như sản xuất săm lốp, linh kiện kỹ thuật, găng tay, sợi thun… và chưa sản xuất được cao su tổng hợp nên toàn bộ phải nhập khẩu, còn đối với sản phẩm cao su kỹ thuật cao, đòi hỏi đầu tư công nghệ hiện đại, ít có doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính để đầu tư.

theo vinanet