CSVN – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá cao su sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới bởi lo ngại ngày càng tăng về nguồn cung khi khu vực Đông Nam Á đã bước vào mùa thu hoạch thấp điểm, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4.
Về lượng tồn kho, tuần tính đến ngày 08/3/2024, lượng cao su tự nhiên tồn kho tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải đạt 215.333 tấn, tăng 899 tấn; Lượng hàng nhập kho đạt 210.080 tấn, tăng 220 tấn so với kỳ trước. Tồn kho cao su tự nhiên tại kho số 20 đạt 118.339 tấn, tăng 3.427 tấn; Lượng hàng nhập kho đạt 111.384 tấn, tăng 605 tấn so với kỳ trước.
Trong khi đó, lượng cao su tự nhiên tồn kho tại Khu thương mại tự do Thanh Đảo đạt 129.500 tấn, giảm 0,5 nghìn tấn so với kỳ trước. Tồn kho cao su tự nhiên tại kho thương mại tổng hợp Thanh Đảo đạt 428.100 tấn, giảm 2.100 tấn so với kỳ trước, theo Bộ Công Thương Việt Nam.
Theo nhận định, tình trạng thiếu nguồn cung cao su có thể tiếp tục trong năm 2024-2025 khi thị trường toàn cầu chứng kiến thâm hụt khoảng 600-800 nghìn tấn mỗi năm. Sự thâm hụt này đến từ tiêu thụ cao su thiên nhiên trên toàn cầu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4-6% mỗi năm, nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, nguồn cung sẽ bị hạn chế với mức tăng trưởng nhẹ, bình quân chỉ khoảng 1-3% mỗi năm. Nguyên nhân là do dịch bệnh lá cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi năm 2024 là năm đặc biệt của pha chuyển giao giữa El Nino và La Nina. Thêm vào đó, nguồn cung cũng đã giảm đáng kể khi các hộ kinh doanh chuyển sang trồng các cây công nghiệp khác trong giai đoạn giá cao su giảm mạnh thời gian qua.
Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng bình quân khoảng 1 – 3%/năm trong giai đoạn 2024 – 2025. Trong khi đó, diện tích canh tác cao su tại Thái Lan và Indonesia (chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu) liên tiếp sụt giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại do dịch bệnh trên cây cao su cùng với xu hướng các hộ nông dân chuyển sang trồng các cây công nghiệp khác có hiệu suất kinh tế cao hơn khi việc trồng cây cao su mất từ 5 – 7 năm mới có thể khai thác mủ được.
Mùa vụ khai thác cao điểm của cây cao su tại khu vực Đông Nam Á (chiếm khoảng 75% sản lượng mủ toàn cầu) rơi vào giai đoạn từ cuối quý III/2024 sau khi trải qua giai đoạn nghỉ thay lá từ khoảng tháng 2 đến tháng 5. Do đó, các nhà sản xuất thường tập trung đẩy mạnh mua hàng vào giai đoạn cuối năm sau khi dự phóng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Vì vậy, giá cao su trong nửa cuối năm nay sẽ quyết định xu hướng giá cao su trong năm 2025.
Đáng chú ý, khả năng xảy ra hiện tượng La Nina vào nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục gây lo ngại cho nguồn cung Thái Lan nói riêng và toàn cầu nói chung vì giai đoạn này là mùa cao điểm khai thác cao su, sau khi kết thúc giai đoạn nghỉ cạo và thay lá trong nửa đầu năm.
Với đà phục hồi vẫn chưa có tín hiệu chững lại ở các lĩnh vực tiêu thụ cao su tự nhiên chủ chốt và rủi ro cao trong việc thiếu hụt nguồn cung, Công ty chứng khoán PHS hiện dự báo giá cao su SR20 có thể neo cao và đạt mức giá từ 1,6-1,8 USD/kg bằng với giai đoạn 2021 đến nửa đầu năm 2022, tương ứng mức tăng 10 – 20% so với năm 2023.
P.V (tổng hợp)
Related posts:
- Cổ phiếu cao su tăng mạnh nhưng, nhà đầu tư cần lưu ý
- Rubico phấn đấu tổng doanh thu đạt 596 tỷ đồng năm 2016
- Thái Lan giữ vị trí nước xuất khẩu bao cao su hàng đầu thế giới
- Việt Nam bất ngờ nhập siêu cao su trong quý I
- Ngành cao su - Một năm tăng trưởng ấn tượng
- Campuchia chú trọng giống và thị trường cao su
- Thị trường cao su và nhựa có nhiều chuyển biến tích cực
- Việt Nam là nhà cung cấp cao su lớn cho EU
- Gỡ khó, phục hồi xuất khẩu nông - thủy sản
- Hàn Quốc tăng hơn 32% giá trị nhập khẩu cao su Việt Nam