Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng: Kẻ vui, người lo

CSVNO – Ngoài việc tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, một số ngân hàng còn tung ra các sản phẩm tiền gửi để hút nguồn vốn từ khách hàng.

Gần đây, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng tăng nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp. Ảnh: TL

Sau thời gian dài liên tục điều chỉnh giảm xuống mức thấp, những ngày gần đây, lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi tiết kiệm) tại nhiều ngân hàng (NH) rục rịch tăng trở lại ở một số kỳ hạn. Điều này giúp người gửi tiền có lãi nhưng cũng làm dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất, kinh doanh đang lao đao vì dịch COVID-19.

Tăng lãi suất để cạnh tranh

Việc tăng lãi suất huy động đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đơn cử tại NH Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn một tháng được điều chỉnh tăng 0,05%/năm, lên mức 3,4%/năm. Đối với các kỳ hạn bốn tháng và năm tháng cũng được NH này điều chỉnh tăng 0,15%/năm, lên cùng mức 3,8%/năm.

Tương tự, Sacombank tăng 0,1%-0,2%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm trực tiếp tại quầy, chọn kỳ hạn hai tháng sẽ có mức lãi suất là 3,5%/năm, tăng 0,2%/năm so với biểu lãi suất trước đó. Mức tăng này cũng được áp dụng cho kỳ hạn khác.

Một số NH khác cũng bất ngờ tăng lãi suất tiền gửi. Trong đó, NH đang có mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là 8,2%/năm cho kỳ hạn hơn một năm. Ngoài việc tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, một số NH còn tung ra các sản phẩm chứng chỉ tiền để hút nguồn vốn từ khách hàng với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm thông thường 0,5%-1%.

Trong khi nhiều NH tăng lãi suất huy động thì bốn NH thương mại quốc doanh lớn vẫn duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp. Ví dụ tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm chỉ 5,5%/năm.

Giải thích về việc lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng tăng sau một thời gian dài duy trì ở mức thấp, tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần thừa nhận: Thời gian qua, thị trường chứng khoán khá hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào thị trường này. Trong khi lãi suất tiền gửi lại duy trì ở mức thấp, vì vậy một lượng tiền lớn của người dân, nhà đầu tư cá nhân dịch chuyển từ kênh tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán.

“Đứng trước diễn biến trên, một số NH buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng. Song việc tăng lãi suất huy động không phải là xu hướng chung mà chỉ diễn ra ở một số NH. Do vậy, ở thời điểm hiện tại không có chuyện lãi suất cho vay tăng” – vị tổng giám đốc lý giải.

Giới phân tích kinh tế cũng nhìn nhận trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy vào một số kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán, vàng…, nhiều NH đã phải tăng lãi suất huy động. Mục đích là để giữ chân và thu hút khách hàng đến gửi tiền. Mặt khác, đây có thể là động thái đón lõng lạm phát của các NH.

Phải giảm lợi nhuận để chia sẻ với doanh nghiệp

Khi mặt bằng lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo, đẩy chi phí của các doanh nghiệp tăng lên. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nhìn nhận: “Lo ngại về việc lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở”.

Ông phân tích: Các NH luôn muốn đẩy mạnh cho vay, một trong những lĩnh vực đem lại lợi nhuận chính cho các NH. Thực tế cho thấy trong năm tháng đầu năm nay tăng trưởng tín dụng tương đối tốt, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Khi NH muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thì buộc phải tìm cách thu hút tiền gửi của khách hàng.

Bên cạnh đó, tình hình nợ xấu của các NH có nguy cơ tăng lên. Điều này cũng khiến các NH phải tăng vốn huy động để bù đắp phần nào cho dòng vốn đã bị “chôn” vào nợ xấu và khó có khả năng trở lại với NH.

“Hơn nữa, nếu tiếp tục duy trì lãi suất huy động ở mức thấp như hiện tại sẽ khiến dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư khác rủi ro hơn, từ đó làm cho thanh khoản trên hệ thống NH sẽ khó khăn hơn” – ông Hiếu nói.

Các nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI thì dự báo rằng chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý III-2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.

Bởi việc tăng lãi suất quá sớm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đẩy chi phí trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu. Nói cách khác, việc giữ lãi suất ở mức thấp không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của giá nguyên liệu đầu vào vốn tăng rất mạnh trong thời gian qua mà còn khuyến khích việc đầu tư mới. Muốn làm được điều này, các NH phải tiết giảm các chi phí, chấp nhận giảm bớt lợi nhuận. Qua đó duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Người gửi tiền có lãi

Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết trong tuần cuối tháng 5, lãi suất liên NH đã chạm mốc cao nhất 6,7%/năm. Điều này cho thấy tín dụng tăng tương đối nhanh trong thời gian qua và nhiều khả năng đã làm giảm bớt thanh khoản thị trường NH, góp phần làm lãi suất liên NH tăng liên tục.

Khi lãi suất liên NH tăng cũng góp phần đẩy lãi suất huy động tăng nhanh. Tính đến cuối tháng 5, lãi suất kỳ hạn sáu tháng và một năm của các NH lần lượt là 4,82% và 5,64%. Nhưng cũng có NH huy động tiền gửi tiết kiệm một năm lên mức 6,9%.

Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát tốt trong năm tháng đầu năm 2021 và kỳ vọng cả năm 2021, lạm phát duy trì ở mức 3%-3,5%. Với mức lạm phát kỳ vọng này, những người gửi tiết kiệm đều có lãi thực dương.

Yêu cầu công khai lãi suất hỗ trợ dân

NH Nhà nước mới đây đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng phải công bố công khai mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng cần tích cực chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; không để xảy ra chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng NH.

theo plo.vn