Thế giới có thể thiếu hụt nguồn cung cao su trong năm 2023

CSVN – Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt, sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn.

Ảnh: Vũ Phong
Sản lượng tăng

Theo (ANRPC), việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

ANRPC dự báo sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021. Năm 2023, dự kiến nguồn cung cao su toàn cầu thiếu hụt, sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028 và có thể kéo dài đến năm 2031 do khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn. Dự báo này đã được thực hiện trên cơ sở đánh giá xu hướng trồng và khả năng mở rộng diện tích cây cao su trưởng thành ở các quốc gia sản xuất cao su. Ngành cao su tự nhiên đã thoát ra thời kỳ kéo dài nguồn cung dư thừa.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 2 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á tăng trở lại. Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su tăng do tâm lý lạc quan, tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi lo ngại về doanh số bán ô tô của Nhật Bản tháng 1 giảm. Doanh số bán ô tô mới giảm làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể bị thu hẹp trong quý I/2022 do sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục và sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong ngắn hạn, giá cao su có thể sẽ tiếp tục tăng do cây cao su bước vào thời kỳ nghỉ khai thác, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ đông. Tuy nhiên, đà tăng vẫn bị hạn chế bởi sự lan rộng của biến thể Covid-19 mới trên toàn cầu, cùng với sự chậm lại trong sản xuất ô tô đã làm tăng lên mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường yếu đi. Tại Hội nghị quốc tế ngành cao su tại Việt Nam, diễn ra vào cuối năm 2021, ông Dar Wong, Giám đốc đầu tư của Công ty Tư vấn ALA, cho rằng, trong quý 1/2022, khả năng rất lớn thị trường sẽ phục hồi lại và giá cao su trên thị trường thế giới sẽ nằm ở khoảng 2.000–2.100 USD/tấn. Nhìn chung, trong cả năm 2022, giá cao su sẽ tăng lên khá mạnh, có nhiều hỗ trợ và sẽ nằm trong mức từ 2,1-3,8 USD/kg.

Nhu cầu tăng ở những thị trường chủ lực của Việt Nam

Cùng với nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các thị trường này đang dần hồi phục sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam. Những tín hiệu tích cực về mặt thị trường được thể hiện khá rõ về nhu cầu từ 2 thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam là Trung Quốc và Ấn Độ.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam năm 2021 với lượng và trị giá xuất khẩu sang nước này trong năm 2021 là 1,4 triệu tấn và 2,3 tỷ USD. Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, Trung Quốc đang có nhu cầu tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng.

Trong đó, chỉ có khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Như vậy, mỗi tháng, quốc gia này thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên. Do đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt trong 5 tháng cuối năm 2021 và dự báo sẻ phải nhập thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 4/2022.

Còn theo dự báo của Tổng cục Cao su Ấn Độ, trong năm 2022, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này chỉ đạt 800.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 1.240.000 tấn. Như vậy, Ấn Độ cần nhập khẩu 440.000 tấn cần nhập khẩu. Do nhu cầu nhập khẩu cao su của Ấn Độ tăng cao nên trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Ấn Độ 119.000 tấn cao su, trị giá 212 triệu USD, tăng tới 93,9% về lượng và 138,1% về trị giá.

Q.A (tổng hợp)