Không phải mủ cao su, đây mới là mảng sinh lời nhất cho GVR

CSVN – Doanh thu mảng công nghiệp cao su cao gấp đôi cùng kỳ và đóng góp 10% doanh thu toàn tập đoàn. Công nghiệp cao su thay thế các mảng truyền thống khác đem về thu nhập trước thuế lớn nhất cho tập đoàn. Tập đoàn sở hữu những đơn vị lớn trong mảng công nghiệp cao su khư VRG Khải Hoàn, VRG Sado, Dorufoam, Cao su Bến Thành… GVR ghi nhận lãi hơn 2.000 tỷ đồng từ các thương vụ thoái vốn trong năm 2020.

Công nghiệp cao su mang về lợi nhuận lớn nhất

Đối mặt với những khó khăn từ đại dịch Covid-19 trong năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu thuần tăng 7% lên 21.116 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 32% lên 5.076 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của tập đoàn từ năm 2013 đến nay.

Kết quả trên có đóng góp đáng kể từ tăng trưởng đột biến của mảng công nghiệp cao su (các sản phẩm từ cao su). Thu nhập mảng này cao gấp đôi năm trước đạt 2.166 tỷ đồng, đóng góp hơn 10% doanh thu toàn tập đoàn. 

Trong khi đó, mảng kinh doanh chủ lực khai thác mủ cao su thiên nhiên chỉ còn ghi nhận 12.714 tỷ đồng, chiếm 60% tổng doanh thu (so với mức hơn 64% trong năm 2019). Mảng chế biến gỗ cũng giảm doanh thu về 3.390 tỷ đồng. Mảng xây dựng bất động sản và hạ tầng có doanh thu đi ngang.

Mảng công nghiệp cao su có tăng trưởng doanh thu đột biến
 

Xét về thu nhập trước thuế (lợi nhuận chưa tính đến hoạt động tài chính và thu nhập khác), mảng công nghiệp cao su đóng góp lợi nhuận lớn nhất với gần 786 tỷ đồng. Lợi nhuận từ bất động sản và hạ tầng cũng tăng lên khi các công ty khu công nghiệp có kết quả khả quan như KCN Nam Tân Uyên, Thống Nhất, Vinaruco, Bình Long…

Trong khi đó lợi nhuận từ mủ cao su giảm mạnh còn 735 tỷ đồng, lợi nhuận từ gỗ và điện năng trong năm 2020 cũng giảm sâu. Kết quả đi xuống này do giá cao su và giá gỗ đầu năm 2020 rơi xuống vùng đáy khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trước khi có sự phục hồi dần về cuối năm 2020.

Thay thế các mảng kinh doanh truyền thống, mảng công nghiệp cao su mang về lợi nhuận lớn nhất trong năm 2020.

Hiện nay mảng công nghiệp cao su có các đơn vị như VRG Khải Hoàn chuyên về sản xuất găng tay y tế, Rubico có sản xuất đế giày các loại, công ty Thể Thao Ngôi Sao Geru chuyên kinh doanh dụng cụ thể thao, Dorufoam chuyên về sản xuất nệm thương hiệu Đồng Phú, Cao su Bến Thành sản xuất băng tải và dây courroie, VRG Sado chuyên về chỉ sợi cao su… Ngoài ra tập đoàn còn muốn khép kín chuỗi sản xuất cao su khi đang có kế hoạch thâu tóm các công ty xăm lốp thuộc Vinachem.

Trong đó VRG Khải Hoàn là đơn vị được hưởng lợi lớn từ nhu cầu đột biến về găng ty y tế sử dụng một lần khi dịch Covid-19 bùng phát. Công ty này ghi nhận doanh thu năm ngoái hơn 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 448 tỷ đồng. Hiện tập đoàn nắm 51% vốn tại đơn vị này.

Hiện VRG Khải Hoàn có lợi thế cạnh tranh là nhà máy sản xuất găng tay y tế duy nhất đạt được điều kiện và giấy phép liên quan để xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu. Công ty cho biết dù hoạt động hết công suất 210 triệu chiếc găng tay/tháng nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu từ các đối tác và đại lý. Công ty đã nhận đủ đơn hàng cho năm 2021 và một phần của năm 2022; đồng thời lên kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy sản xuất hơn 5 tỷ chiếc/năm, gấp đôi công suất hiện tại.

Thu 2.000 tỷ đồng từ thoái vốn

Một trong những yếu tố giúp lợi nhuận tập đoàn tăng mạnh trong năm qua còn phải kể đến khoản thu nhập từ thoái vốn một loạt các công ty thành viên. Lãi bán các khoản đầu tư trong năm vừa qua đạt 2.056 tỷ đồng, cao đột biến so với khoản lãi 24 tỷ đồng năm 2019.

Thương vụ đáng chú ý nhất là giao dịch thoái 9,34 triệu cổ phiếu Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP) tại cuối năm ngoái, giúp tập đoàn ghi nhận doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng. Hiện GVR vẫn còn khoảng 1,4 triệu cổ phiếu SIP, là cổ tức cổ phiếu chờ về.

Trong năm qua, tập đoàn còn thoái toàn bộ vốn tại 8 khoản đầu tư khác là công ty Đầu tư Xây dựng Cao su, Xây dựng và Tư vấn Đầu Tư, Khu công nghiệp Hố Nai, Tư vấn Xây dựng đô thị KCN Cao su Việt Nam, công ty TNHH MTV Cà phê 715C, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội, Quỹ Con hổ Việt Nam.

Ngoài thoái vốn công ty liên doanh liên kết, tập đoàn còn thực hiện bán gần hết các chứng khoán kinh doanh như cổ phiếu SCJ, KBC, ITA, ACB, SHB với tổng giá gốc đầu tư 5,6 tỷ đồng. Các chứng khoán còn lại là Địa ốc MB và CTCP Công nghiệp mới Kim Tự Tháp.

theo ndh.vn