Cao su học hỏi hồ tiêu?

Trong khi giá nhiều loại nông sản xuất khẩu của Việt Nam như: cao su, lúa gạo đang “lao dốc” thì ngành hồ tiêu trong nước liên tiếp giành được những vụ mùa thành công cả về sản lượng và giá cả. Hồ tiêu Việt Nam trở thành hiện tượng của ngành nông sản trong nước khi người nông dân dần trở thành chủ thể điều tiết giá thị trường hồ tiêu thế giới.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh, đạt hơn 92.000 tấn, giá trị kim ngạch 645 triệu USD. Với kết quả này, mục tiêu năm 2014, cả nước xuất khẩu được 150.000 tấn hồ tiêu, mang về khoảng một tỷ USD (tăng 100 triệu USD so với năm 2013), là điều khả thi. Đây có thể xem là kì tích của ngành hồ tiêu khi lần đầu tiên trong lịch sử, ngành “bé hạt tiêu” lọt vào câu lạc bộ nhóm hàng nông sản xuất khẩu một tỷ USD của Việt Nam.

Cùng với kết quả này, người nông dân trồng tiêu có lý do để vui mừng khi giá hồ tiêu nội địa luôn giữ mức giá cao “ngất ngưởng” suốt nhiều năm qua. Cụ thể, năm 2009 tiêu có giá 39.000 đồng/kg, năm 2010 lên mức 62.000 đồng/kg. Trong các năm 2011- 2013, tiêu có giá từ 125.000 đến 140.000 đồng/kg, đỉnh điểm có lúc lên đến 160.000 đồng/kg. Hiện nay, giá tiêu ở mức 150.000 đồng/kg mà nhiều hộ nông dân còn chưa muốn bán. Hồ tiêu trở thành loại tiền tệ càng cất giữ thì càng được giá. Do lợi nhuận vượt trội, diện tích trồng hồ tiêu liên tục được mở rộng, đến nay là 62.000 ha, vượt 12.000 ha so với quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT. Hồ tiêu đã hiện diện trên nhiều vùng đất khác nhau của đất nước và biến nhiều vùng đất nghèo ở Phú Quốc, Chư Sê hay ở Lộc Ninh, Bình Long trở nên trù phú.

Hồ tiêu đang thành công về sản lượng lẫn giá cả
Hồ tiêu đang thành công về sản lượng lẫn giá cả

Nhưng, thắng lợi lớn nhất là ngành hồ tiêu Việt Nam là đang từng bước xác lập được vai trò và tầm ảnh hưởng trên thị trường giao dịch quốc tế. Doanh nghiệp và người nông dân trồng tiêu trong nước đang thực sự làm chủ thị trường và “thoát ly” khỏi sự chi phối của các nhà đầu cơ của thế giới. Theo ông Đỗ Hà Nam, nhờ không ngừng mở rộng thị trường, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đã xuất sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, sản lượng hồ tiêu Việt Nam chiếm tỷ trọng áp đảo với 30% lượng xuất khẩu và trên 60% thị phần giao dịch thế giới.

Tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp trong nước luôn theo sát thị trường giá cả, khi giá tốt thì tranh thủ bán để thu lợi nhuận cao nhất, khi giá hạ thì mua vào để tạo nguồn hàng trước khi ký kết xuất khẩu. Nhưng, điều quan trọng nhất là người dân trồng hồ tiêu đã biết theo dõi thông tin thị trường giá cả, đồng lòng “găm hàng” hạn chế bán ra khi giá xuống thấp. Những năm gần đây, câu chuyện nông dân trồng tiêu đọc thông tin giá cả sàn giao dịch thế giới, thông tin cho nhau không được nao núng bán ra khi thấy hồ tiêu có dấu hiệu xuống giá “là câu chuyện rất thú vị” khiến giá tiêu giữ được mức cao trong thời gian dài. Các nhà đầu cơ nhập khẩu để phân phối hạt tiêu thế giới không thể nào chi phối thị trường và ép giá nông dân như trước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hà Nam bày tỏ những trăn trở để ngành hồ tiêu Việt Nam thực sự phát triển bền vững. Đó là xây dựng nhiều hơn những thương hiệu hồ tiêu mạnh, mang tầm vóc quốc tế để cạnh tranh toàn cầu. Doanh nghiệp và nông dân cần tiếp tục đồng lòng để đủ sức điều tiết thị trường giá cả hồ tiêu thế giới. Bên cạnh đó, ngành hồ tiêu phải nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất chất lượng, đầu tư chế biến. Nhưng phải thừa nhận rằng, những gì ngành hồ tiêu đạt được trong thời gian qua để lại rất nhiều bài học cho nhiều ngành nông sản khác thoát khỏi điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Xuân Anh