CSVNO – Chiều 13/12, Bộ NN-PTNT đã họp báo để cung cấp thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và dự kiến chương trình, kế hoạch lớn của Bộ trong năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho biết, mặc dù dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ các ngành hàng, tuy nhiên hầu hết các chỉ tiêu Chính phủ giao, Bộ NN-PTNT đều đạt và có những chỉ tiêu vượt xa kế hoạch. Giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,9%, nhưng kết quả khả quan nhất là lĩnh vực trồng trọt.
Năm 2021, sản lượng lúa tăng trưởng khoảng 800.000 tấn so với năm 2020, trong khi diện tích gieo trồng giảm. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản dự kiến đạt khoảng 47,5 tỷ USD (trong khi kế hoạch được giao ban đầu là 42 tỷ USD).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt cũng cho biết, chúng ta tăng nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, dẫn đến thặng dư thương mại năm 2021 chỉ bằng 50% so với 2020.
Về xây dựng nông thôn mới, năm 2021, Bộ NN-PTNT đăng ký với Chính phủ đạt 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đến tháng 11 mới chỉ đạt 65,5%.
Trong tháng 12/2021, dự kiến các địa phương sẽ tổ chức công nhận nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng chỉ tiêu này vẫn khó đạt. Lý do là bởi năm 2021 chưa phê duyệt được chương trình đầu tư công xây dựng nông thôn mới, nên hầu hết các tỉnh đều thiếu kinh phí triển khai thực hiện.
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, độ che phủ rừng được duy trì ở mức 42%, nhưng quan trọng nhất là chúng ta nâng cao được chất lượng rừng, trước đây nhiều diện tích có rừng nhưng chất lượng kém.
Về lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn lợn tăng khoảng 3,6%; tổng đàn gà tăng 2,5 đến 3% so với năm 2020; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng khoảng 3% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Việt cho biết, Bộ NN-PTNT đã quan tâm chỉ đạo kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chất lượng nông sản, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Tư tưởng đó đã truyền cho tất cả những người làm công tác nông nghiệp, và trong năm 2022 sự chuyển biến đó trong thực tiễn sẽ rõ hơn.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Related posts:
- Phát triển sản phẩm cao su thiên nhiên thương hiệu VRG theo hướng bền vững
- "Cần ứng phó linh hoạt với diễn biến thị trường"
- Malaysia khắc phục tình trạng thiếu lao động cao su
- Giá cao su TOCOM ngày 9/4 tăng
- Giá cao su giảm trước lo ngại dịch COVID-19 tái bùng phát
- VietnamPrintPack 2019 trở lại với quy mô lớn
- Công ty CP XK Cao su VRG - Nhật Bản: Giao dịch thành công 170 tấn hàng đầu tiên
- Giá cao su tự nhiên tăng cao do lo ngại về nguồn cung
- Dự báo mức tiêu thụ cao su tự nhiên tăng trưởng 5,4% đến năm 2033
- Hiệp hội các ngành hàng kiến nghị cấp giấy đi đường cho hội viên