CSVNO – Chiều 9/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã họp với các địa phương lân cận TPHCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) để triển khai công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai, các địa bàn của Bình Dương, Long An tiếp giáp với TPHCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16).
Báo cáo Phó Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm hiện tại Đồng Nai đã ghi nhận 160 ca mắc. Sau khi TPHCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Đồng Nai xác định nếu không tận dụng được cơ hội này cùng với TPHCM, thì sau này tỉnh cũng trở thành nguy cơ. Tận dụng 15 ngày để quyết liệt truy vết, dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Trong những ngày tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục kiểm soát chặt người về từ TPHCM, Bình Dương, dự báo số ca mắc COVID-19 mới có thể tăng thêm, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ chỗ cách ly F1, chuẩn bị cơ sở điều trị các F0 (đã chuẩn bị được khoảng 1.600 giường),…
Đồng Nai kiến nghị Trung ương hỗ trợ máy xét nghiệm; ưu tiên phân bổ thêm vaccine; đề nghị Bộ Y tế đứng ra mua sinh phẩm cho các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương,…
Lãnh đạo Tây Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại tỉnh đã ghi nhận 176 ca COVID-19, trong đó có 17 ca nhiễm trong cộng đồng, cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, hiện chưa phát sinh vấn đề gì lớn.
Tỉnh cũng đã phân tích các nguy cơ dịch bệnh để xây dựng các phương án phòng chống dịch chủ động, linh hoạt với các tình huống, đảm bảo chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ, thực hiện mục tiêu kép.
Thời gian tới, Tây Ninh sẽ kiểm soát chặt người từ các địa phương ra vào tỉnh, thực hiện khai báo y tế, lịch trình di chuyển, số điện thoại liên hệ,…
Đối với công nhân từ các địa phương khác ra vào Tây Ninh làm việc hằng ngày, Tây Ninh đã giao trách nhiệm cho doanh nghiệp trong thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đồng thời đề nghị các địa phương cùng phối hợp để quản lý hiệu quả…
Tỉnh Tây Ninh cũng đang triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm,… để ứng phó với các tình huống dịch bệnh nhưng gặp khó khăn trong việc mua vật tư, sinh phẩm (không tìm được nguồn cung ứng kịp thời), tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ hoặc giới thiệu nguồn cung ứng mua máy, sinh phẩm xét nghiệm nhanh,…
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện tại Bình Dương đã ghi nhận 1.118 ca trong cộng đồng với 17 ổ dịch. Thời gian qua, tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Y tế và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phân tích, dự báo tình hình diễn biến dịch… Trên cơ sở đó, Bình Dương đã tăng cường năng lực cách ly, điều trị, xét nghiệm, chuẩn bị kế hoạch ứng phó tình huống 2.000 ca F0; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách địa bàn; đồng thời đẩy mạnh thành lập các Tổ COVID cộng đồng; Tổ an toàn COVID trong doanh nghiệp; tập trung thực hiện theo Chỉ thị 16 tại 5 đơn vị phía Nam, khu vực ít nguy cơ hơn thì thực hiện theo Chỉ thị 15…
Xác định nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn rất cao, Bình Dương kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực, gỡ vướng về cơ chế mua sắm máy xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.
Theo lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, từ ngày 27/5 tỉnh ghi nhận ca nhiễm đầu tiên đến nay đã có tổng số 412 ca COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt từ ngày 29/6 đến nay ghi nhận 335 ca,… qua phân tích các yếu tố dịch tễ, tỉnh đã quyết liệt triển khai các phương án truy vết, khoanh vùng, khống chế các ổ dịch trong bệnh viện, khu/cụm công nghiệp.
Tỉnh đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 theo từng địa bàn, đảm bảo giao lưu hàng hóa bình thường, phối hợp với các địa phương, giao trách nhiệm cho các đơn vị quản lý chuyên gia, nhà quản lý, công nhân lao động tại tỉnh,…
Tuy nhiên, số lượng người hằng ngày đi qua địa bàn tỉnh rất lớn, Long An có tới hơn 36.000 người làm việc tại TPHCM. Số công nhân từ TPHCM làm việc tại tỉnh cũng trên 20.000 người,… Thời gian tới, tỉnh nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo, khuyến cáo của trung ương, phối hợp với các địa phương quản lý chặt người lao động qua lại.
Long An kiến nghị trung ương hỗ trợ y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng hơn. Tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ, gỡ vướng trong việc mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ tập trung vào 3 công việc chính: Đảm bảo sản xuất an toàn; giám sát thị trường, khắc phục tình trạng giá cả bất hợp lý; bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Đến nay tình hình lưu thông, bảo đảm nguồn cung hàng hóa tại 4 tỉnh cơ bản ổn định, hàng hóa đủ.
Tuy nhiên, trong 4 tỉnh có 1 số địa bàn mật độ dân tương đối đông như TP. Thủ Dầu Một, TP. Biên Hòa, các tỉnh cần rút kinh nghiệm từ TPHCM để xây dựng các giải pháp bảo đảm nguồn cùng hàng hòa, lương thực, thực phẩm trong các trường hợp phát sinh đột xuất. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đề nghị các tỉnh phối hợp với TPHCM để xây dựng quy trình thống nhất, đảm bảo lưu thông, cung cấp hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong vùng dịch,…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng về cơ bản đã hình thành “vành đai chống dịch” xung quanh TPHCM. Các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TPHCM, bảo đảm lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc.
Trong 15 ngày tới, các tỉnh cùng với TPHCM cố gắng tranh thủ thời gian, thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm của dịch bệnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc thì kịp thời phản ánh để tháo gỡ ngay.
Phó Thủ tướng đề nghị đối với những khu vực đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải làm rất nghiêm, tuyệt đối tránh tình trạng ngoài chặt, trong lỏng. Khi đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các địa phương cần tập trung kiểm soát hoạt động của các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp theo hướng duy trì sản xuất nhưng phải tuyệt đối an toàn. Chính quyền địa phương vừa kiểm tra giám sát, vừa vận động người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
“Khoanh hẹp mà chặt, thì chống dịch vất vả, kinh tế đỡ thiệt hại. Khoanh rộng và chặt thì chống dịch đỡ vất vả nhưng ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hơn. Song nếu khoanh mà không chặt thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, các đồng chí đã khoanh là khoanh cho chặt. Sau khi đã khoanh vùng, phải điều chỉnh truy vết, xét nghiệm phù hợp…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác lấy mẫu, xét nghiệm cũng phải có sự điều chỉnh phù hợp ở những địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các tỉnh phải kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR phù hợp với từng tình huống, điều kiện cụ thể của diễn biến dịch bệnh, kết hợp với điều tra dịch tễ có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả.
Việc tổ chức lấy mẫu phải có trọng tâm, trọng điểm, đến tận thôn, xóm, khu phố, tổ dân thậm chí đến từng gia đình. Các địa phương cần có hệ thống nắm bắt, tiếp nhận thông tin sức khỏe của từng người dân, nhất là người già có bệnh nền, người có triệu chứng, cử lực lượng đến xét nghiệm tại nhà. Tuyệt đối không để tình trạng tập trung đông người khi lấy mẫu xét nghiệm hay điểm tiêm vaccine.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc đảm bảo tốc độ lấy mẫu phải đồng bộ với tốc độ xét nghiệm. Lấy mẫu về phải trả kết quả xét nghiệm trong 24h, “không chạy theo phong trào”, không để tồn đọng mẫu.
Các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị theo mô hình 3 cấp, thiết lập các bệnh viện dã chiến trên cơ sở vật chất, hạ tầng sẵn có dành cho các trường hợp F0 mà không có triệu chứng, có cơ chế theo dõi những F0 có triệu chứng nặng lên thì chuyển ngay lên cơ sở điều trị có năng lực tốt hơn.
Các cơ sở cách ly tập trung phải bảo đảm chống lây nhiễm chéo nhất là biến chủng mới của virus có tốc độ lây lan rất mạnh. Trong tình huống có quá nhiều F1, các địa phương sẵn sàng phương án phân loại gia đình theo đối tượng, nơi ở phù hợp để tổ chức cách ly F1 tại nhà dưới sự giám sát của cơ quan y tế địa phương và tổ COVID cộng đồng, tránh cách ly quá nhiều F1 vào khu cách ly tập trung không bảo đảm điều kiện, để xảy ra lây nhiễm chéo.
Về yêu cầu hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm nhanh của các tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh quan điểm các tỉnh phải kết hợp hài hoà, linh hoạt giữa việc triển khai xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR phù hợp với từng tình huống, điều kiện cụ thể của diễn biến dịch bệnh, kết hợp với điều tra dịch tễ có trọng tâm, trọng điểm.
Hiện nay, các văn bản, hướng dẫn đã cho phép các địa phương vận dụng quy định chỉ định thầu để mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh trong tình trạng dịch bệnh. Tuy nhiên, ghi nhận sự băn khoăn của các địa phương, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành thêm văn bản cho các tỉnh có đủ cơ sở pháp lý thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thêm hiện nay thẩm quyền chỉ định thầu thuộc về các địa phương, cơ sở pháp lý đã cho phép trong điều kiện có dịch. Bộ Y tế đã công khai giá cả sinh phẩm, thiết bị trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Đối với những loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh đang khan hiếm, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tham khảo sinh phẩm tương đương trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng lưu ý cần phải kiểm soát chặt chẽ người từ TPHCM về các địa phương theo đúng Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, những người này phải khai báo y tế bắt buộc; chính quyền địa phương nơi đến phải lập danh sách quản lý, điều tra dịch tễ và có quyết định cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ.
theo baochinhphu.vn
Related posts:
- Sớm chủ động nguồn vaccine, thuốc men, trang thiết bị điều trị Covid-19
- Tin vui trong nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam
- Ấm áp chuyến xe nghĩa tình giữa mùa dịch
- Phụ nữ Binh đoàn 15: Nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 202 chị em được kết nạp Đảng
- Đừng mù quáng níu kéo người chẳng ra gì
- Chỉ hẹn hò để yêu hay cưới?
- Vẫn trăn trở với chuyện thu nhập của người lao động ngành cao su
- Cây cầu nghĩa tình
- Ra mắt Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM
- Yêu chồng, thương cả con riêng của chồng