Vẫn trăn trở với chuyện thu nhập của người lao động ngành cao su

33 năm cống hiến cho ngành cao su (1976 – 2010), được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng II, khi về hưu, bà Đặng Thị Ngọc Lan – nguyên Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG, vẫn dõi theo, trăn trở khi thị trường cao su khó khăn, tiền lương CNVC LĐ sụt giảm… Dù không còn công tác, nhưng cái tình với ngành cao su vẫn còn “nặng nợ” trong bà…

Luôn trăn trở về đời sống công nhân cao su

BÀ LANBà Đặng Thị Ngọc Lan tốt nghiệp đại học năm 1976, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn điều vào đoàn quy hoạch của Bộ. Đến năm 1978, bà được chuyển về Tổng cục Cao su (nay là Tập đoàn CN Cao su VN). Những năm đầu công tác ở Vụ Lao động Tiền lương của Tổng cục Cao su, bà gặp nhiều khó khăn vì bà được đào tạo ngành kỹ thuật nông nghiệp nhưng lại làm công tác lao động tiền lương. Mặc dù tốt nghiệp đại học Nông nghiệp nhưng đối với cây cao su, bà Lan chỉ biết trên lý thuyết còn thực tế thì không có. Bà đã phải học hỏi không ngừng và theo nhiều lớp huấn luyện về công tác.

Bà Lan chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở làm sao nâng cao được đời sống cho người công nhân cao su, làm sao việc trả công cho người lao động phải được sát, đúng, làm sao cải thiện được điều kiện lao động cho công nhân cao su để họ có một cuộc sống khá cả về vật chất lẫn tinh thần. Điều tâm huyết nhất của tôi trong suốt 33 năm làm công tác lao động tiền lương là tôi đã xây dựng được hình thức trả lương theo doanh thu cho công nhân cao su, trả lương theo công việc cho cán bộ quản lý và xây dựng được phương án khoán trong ngành cao su”.

Vui khi ngành cao su phát triển ổn định

Trong suốt 33 năm gắn bó với ngành cao su, bà Lan đã xây dựng phương án trả lương theo doanh thu và được người lao động đánh giá cao, khi vận dụng được các chế độ chính sách của Nhà nước cho người lao động. Bà rất vui khi bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động đối với công nhân cao su ngày càng giảm, điều kiện lao động của người công nhân cao su ngày càng nâng cao. Bà vui khi tiền lương tiền thưởng của người lao động ngày càng nâng cao và vai trò quan trọng thực sự của người làm công tác lao động tiền lương đối với sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp.

Dẫu vậy, bà vẫn thấy tiếc khi còn có nhiều việc bà muốn làm nhưng chưa làm được: “Tôi muốn xây dựng một mạng quản lý trong toàn ngành về công tác lao động tiền lương, muốn trả lương cho cán bộ quản lý theo đúng thực chất mà sức lao động khả năng đóng góp vào thành quả lao động của từng người. Nhưng muốn vậy tôi phải được lãnh đạo các cấp triệt để ủng hộ bằng cách cải cách hệ thống quản lý về biên chế, tổ chức sản xuất”, bà tâm sự.

Tiền lương phải là thước đo của sức lao động

Chia sẻ về những năm tháng làm công tác lao động tiền lương, bà Lan trăn trở: Tuy những năm qua nhờ trả lương khoán và lương theo doanh thu, thu nhập người lao động được nâng cao, nhưng thực chất tiền lương của chúng ta cũng chưa so được với các nước trồng cao su trong khu vực, đời sống của công nhân vẫn chưa sung túc được. Bà cho rằng, còn nhiều yếu tố bất hợp lý trong quản lý giá thành ảnh hưởng đến tiền lương thực tế của người lao động.

“Tiền lương chưa thực sự là thước đo của sức lao động, nhất là trong việc tính toán chi phí sức lao động của từng cá nhân để đánh giá đúng mức độ trả lương cho họ. Muốn vậy phải có sự cải cách cả hệ thống quản lý: từ việc nâng cao năng suất lao động, năng suất vườn cây, tổ chức sản xuất, cắt giảm chi phí, nhất là bộ máy quản lý còn cồng kềnh quá lớn”, bà bày tỏ quan điểm.

Nhân kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su, bà Lan muốn nhắn gửi đến các đồng nghiệp làm công tác lao động tiền lương – những người làm công việc liên quan trực tiếp đến con người phải tâm huyết với nghề, tất cả vì người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. VRG phải xây dựng được nét văn hóa riêng để mỗi người làm việc trong ngành cao su tự hào về ngành và về sự đóng góp của mình trong ngành.

Ngọc Cẩm