CSVN – Chương trình này nhằm thúc đẩy và tăng cường các chương trình hợp tác giữa các quốc gia trồng và phát triển cây cao su trên thế giới, hướng đến sự phát triển hiệu quả và bền vững của ngành công nghiệp cao su thiên nhiên thế giới nói chung và các quốc gia thành viên nói riêng.
Hướng đến sự phát triển hiệu quả và bền vững của ngành cao su
Từ năm 2011 Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Cao su Quốc tế (International Rubber Research and Development Boad – IRRDB) đã đề nghị và xây dựng lộ trình cũng như kế hoạch cụ thể để tiến hành chương trình trao đổi giống cao su quốc tế quy mô lớn giữa các quốc gia thành viên IRRDB (trao đổi đa phương và song phương). Chương trình trao đổi đã được các quốc gia thành viên thông qua và triển khai thực hiện từ cuối năm 2014.
Mục tiêu nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trồng và phát triển cây cao su trên thế giới nhằm hướng đến sự phát triển hiệu quả và bền vững của ngành công nghiệp cao su thiên nhiên của các quốc gia thành viên IRRDB.
Hợp tác trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên IRRDB về việc đánh giá khả năng sinh trưởng, năng suất mủ, trữ lượng gỗ, khả năng chống chịu bệnh hại và các khủng hoảng sinh học (hạn, lạnh, gió bão…) của các giống cao su được trao đổi trên các vùng trồng khác nhau tại tất cả các quốc gia nhận giống.
Ngoài ra còn nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho người làm công tác tạo tuyển giống cao su tại các quốc gia thành viên IRRDB.
Tiến độ và kết quả thực hiện
Chương trình trao đổi giống cao su quốc tế được thảo luận lần đầu tiên tại cuộc họp của Nhóm nghiên cứu giống cao su do IRRDB tổ chức tại Thái Lan từ ngày 12 – 14/9/2011.
Các thảo luận chi tiết về danh sách các giống sẽ trao đổi, tiến độ thực hiện, các thủ tục pháp lý và kỹ thuật liên quan, sổ tay nhận dạng giống, phương pháp thiết kế thí nghiệm và thành tích của các giống trao đổi trong chương trình trao đổi giống quốc tế được tiếp tục thảo luận tại các cuộc họp của Nhóm nghiên cứu giống IRRDB tổ chức tại Indonesia (29 – 30/5/2012), Thái Lan (4 – 6/2/2013), Malaysia (6 – 8/5/2013), Việt Nam (9 – 13/9/2013), Sri Lanka (9 – 11/10/2013), Ấn Độ (4 – 7/6/2014), Myanmar (29 – 30/9/2014), Thái Lan (13 – 14/11/2015) và Malaysia (26 – 28/4/2016).
Các giống trao đổi sẽ được thực hiện ở dạng gỗ ghép (gỗ hóa nâu, không sử dụng gỗ xanh hoặc xanh nâu) với 5 m gỗ ghép cho mỗi giống trao đổi và được thống nhất đóng gói trong các thùng gỗ (hoặc thùng carton) sau khi đã phun phòng các lại thuốc phòng trừ nấm và côn trùng gây hại. Các quốc gia trao đổi tự chịu chi phí đóng gói, vận chuyển, gởi hàng và các chi phí phát sinh khác tại nước mình khi tiến hành gởi giống cho các quốc gia khác.
Tổng cộng có 49 giống cao su từ 12 quốc gia thành viên IRRDB sẽ được trao đổi trong chương trình trao đổi giống quốc tế, trong đó có 24 giống hiện đang được khuyến cáo trồng Bảng I, 14 giống khuyến cáo Bảng II, 9 giống khuyến cáo Bảng III và 2 giống tiềm năng đang được đánh giá trên các thí nghiệm (Bảng 1). Đặc biệt, trong số các giống trên có 5 giống là các giống cao su kháng bệnh Cháy lá Nam Mỹ (South American Leaf Blight – SALB), là kết quả hợp tác nghiên cứu tuyển chọn giống giữa CIRAD và Michelin tại Brazil.
Campuchia không có giống trao đổi nhưng sẽ được nhận giống từ các quốc gia khác khi các quốc gia này tiến hành trao đổi giống với CIRAD – Pháp (đại diện là Ghana) đối với 5 giống kháng bệnh SALB.
(xem tiếp kỳ sau)
TS. TRẦN THANH
(Viện Nghiên cứu Cao su VN)
Related posts:
- Giống cây trồng phải được bảo hộ
- Nâng cao chất lượng vườn cây cao su phía Bắc
- Viện Nghiên cứu Cao su VN ký quy chế phối hợp với Ban Quản lý Kỹ thuật VRG
- Khuyến khích không cạo đèn như Phú Riềng
- Cao su Đồng Phú 10 năm liên tục là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn
- Phòng Công nghiệp Cao su Phước Hòa: 2 năm có 7 sáng kiến hiệu quả
- TCT Cao su Đồng Nai đảm bảo tái canh đúng tiến độ, chất lượng vườn cây sinh trưởng tốt
- Nâng cấp hệ thống xử lý nước thải 2 nhà máy Cao su Kon Tum
- Khẩn trương dập dịch phấn trắng
- Những điểm mới trong Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020: Thu hoạch gỗ cao su