CSVNO – Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia đã trình bày một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày 5-12, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế – xã hội (KT-XH) trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại, tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển KT-XH, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau.
“Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020-2025”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.
Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 2 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại diễn đàn này, các diễn giả, các nhà khoa học sẽ cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới. Phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới.
Cùng với đó, các diễn giả sẽ gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi kinh tế – xã hội, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một nội dung rất quan trọng nữa của diễn đàn là các đại biểu, các chuyên gia sẽ trao đổi và giải đáp câu hỏi huy động nguồn lực từ đâu, phân bổ nguồn lực vào đâu để hiệu quả, nhất là trong điều kiện vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn hạn chế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế và xã hội.
Tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – đại diện cho nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia, đã trình bày một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH.
TS Cấn Văn Lực đã điểm qua một số tác động của dịch Covid-19 đến KT-XH Việt Nam 2020-2021. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2020 ở mức 2,91%; quý III/2021 giảm 6,17%, cả năm 2021 dự báo tăng 2%; nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác.
Theo vị chuyên gia, chính sách tài khoá và tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển cần có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, cần hỗ trợ cả tổng cung và tổng cầu; Khả năng khả thi và triển khai nhanh;
Về chi tiết chính sách tiền tệ, TS Cấn Văn Lực cho biết nhóm chuyên gia đã thảo luận, trao đổi thông tin với các bộ ngành và tính toán để đưa ra con số gợi ý. Cụ thể, gói chính sách tiền tệ sẽ có giá trị thực tế khoảng 389.200 tỉ đồng, tương đương 4,79% GDP năm 2021 (nhóm chuyên gia đã ước tính GDP năm 2021). Trong đó, có tới 150.000 tỉ đồng được gợi ý đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Về chính sách tiền tệ, nhóm chuyên gia gợi ý, tiếp tục thực hiện Thông tư 14, có thể phải gia hạn, nếu cần; sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp, phấn đấu giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.
Bên cạnh đó, cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở (nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…), quy mô 65.000 tỉ đồng; giá trị cấp bù lãi suất chênh lệch ước tính là 6.100 tỉ đồng.
Nhóm chuyên gia cũng kiến nghị nghiên cứu giữ nguyên tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023; tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định để các tổ chức tín dụng phi ngân hàng (gồm cả Fintech…) tham gia cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh; góp phần kích cầu tiêu dùng lành mạnh); đề xuất phương thức luật hóa xử lý nợ xấu…
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất chính sách hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 12.800 tỉ đồng thông qua hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại 4 vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 37.650 tỉ đồng thông qua các chính sách khác như giảm 10% tiền điện, cước, viễn thông năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tài trợ các dự án nâng cấp, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Tổng hợp các gói chính sách, gói hỗ trợ gồm: Chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ, chính sách an sinh xã hội và chính sách khác sẽ khoảng 843.845 tỉ đồng, tương đương 10,38% GDP năm 2021 (tổng giá trị công bố); tổng giá trị thực tế là 445.760 tỉ đồng, chiếm 5,48% GDP.
Theo nhóm nghiên cứu, để huy động đủ nguồn lực thực hiện các chính sách, cần chấp nhận thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm 1 điểm % mỗi năm trong hai năm 2022-2023.
Về nguồn lực huy động lớn nhất là từ phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) để huy động 220.060 tỉ đồng; tiếp đến là đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước để thu về 80.000 tỉ đồng; sử dụng bảo hiểm tiền gửi, bảo hiểm xã hội để mua TPCP 51.100 tỉ đồng; tiết giảm chi phí 29.200 tỉ đồng; rà soát các quỹ ngoài ngân sách 20.000 tỉ đồng; thậm chí sử dụng một phần dự trữ ngoại hối (nếu cần).
theo nld.com.vn
Related posts:
- Ngành chăn nuôi lao đao, nông dân thiệt hại
- Thị trường chứng khoán đang rủi ro nhiều hơn cơ hội
- Thị trường săm lốp ô tô dự báo tăng cao
- Cao su Bangladesh: Người trồng khó khăn vì giá giảm
- Xuất khẩu cao su tăng gần 91% về giá trị so cùng kỳ
- Chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu: Cần đổi mới và đột phá
- Xuất khẩu cao su tháng 11 tăng nhẹ
- Nỗ lực tìm kiếm khách hàng trong tư vấn đầu tư, thi công xây dựng
- Cao su thiên nhiên: Giảm thiểu rủi ro khí hậu, chính sách và khía cạnh xã hội
- Doanh nghiệp cao su trước TPP: Áp lực cạnh tranh