CSVN – Thị trường cao su năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có những khó khăn, khó lường. Ông Trần Thanh Phụng – Phó TGĐ VRG đã chia sẻ với Cao su Việt Nam về những giải pháp để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ cao su của các công ty thành viên Tập đoàn trong thời gian tới.
– Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thị trường tiêu thụ cao su năm 2023 và những năm tiếp theo?
Ông Trần Thanh Phụng: Thị trường cao su năm 2022 vừa qua đã bị tác động chủ yếu bởi các yếu tố phi cơ bản như lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, đồng Dollar tăng giá và các chính sách vĩ mô khác lấn át các yếu tố cơ bản thuận lợi, như cán cân cung cầu cao su đang hướng đến giai đoạn cân bằng và thiếu hụt, giá dầu duy trì ở mức cao, nhu cầu phục hồi sản xuất rất cao là những yếu tố hỗ trợ cho giá cao su.
Điều đó có nghĩa rằng, thị trường cao su năm 2023 sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến của các yếu tố nói trên. Yếu tố lạm phát trên thế giới hiện nay có vẻ như đang đạt đỉnh và thị trường đang hướng tới một hệ quả tiếp theo là nguy cơ suy thoái kinh tế được dự báo sẽ rơi vào năm 2023. Bên cạnh đó, tình hình diễn biến địa chính trị trên thế giới vẫn còn phức tạp nên diễn biến của các yếu tố phi cơ bản là không thể lường trước. Cũng vì vậy mà rất khó đánh giá đối với thị trường cao su năm 2023.
Tuy nhiên, theo logic thông thường, miễn là lạm phát được kiềm chế, tình hình địa chính trị không diễn biến theo xu hướng phức tạp hơn, chính sách tiền tệ sẽ hướng đến giai đoạn kích thích tăng trưởng để chống nguy cơ kinh tế suy thoái. Theo đó, mặc dù bối cảnh kinh tế nói chung không mấy tích cực nhưng sẽ là một xu hướng tốt hơn cho thị trường khi nhu cầu sản xuất được hỗ trợ, kích thích tâm lý của các nhà đầu cơ.
Đối với thị trường cao su, các yếu tố cơ bản tương đối thuận lợi. Đó cũng là lý do thị trường cao su năm 2022 vừa qua không giảm sâu hơn trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, mức giá cao su trung bình năm 2022 mặc dù sụt giảm đáng kể so với năm 2021, nhưng vẫn cao hơn so với năm 2020.
Từ các phân tích trên, có thể thấy rằng thị trường cao su năm 2023 vẫn còn chịu áp lực trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung không mấy tích cực. Tuy nhiên, đối với ngành cao su, các yếu tố cơ bản thuận lợi sẽ hỗ trợ không khiến cho thị trường cao su sụt giảm sâu hơn. Thị trường cao su có cơ hội phục hồi khi các yếu tố phi cơ bản chuyển biến tốt hơn. Nếu xét riêng các yếu tố cơ bản, thị trường cao su sẽ có cơ hội bước sang thập niên của chu kỳ phục hồi sau chu kỳ suy giảm vừa qua.
– Các đơn vị thành viên VRG cần có những giải pháp gì để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ cao su năm 2023, thưa ông?
Ông Trần Thanh Phụng: Thời kỳ khủng hoảng cung cầu cao su và giá cả giảm sâu đến mức lịch sử vừa qua đã đem lại cho những những người kinh doanh trong ngành cao su những kinh nghiệm và bài học quý giá. Bên cạnh đó, hầu hết các đơn vị thành viên của VRG trong quá trình SXKD đã từng trải qua các giai đoạn thăng trầm của thị trường cao su nên hầu hết cũng tích lũy những bài học kinh nghiệm nên biết cần phải làm gì để tồn tại và phát triển một cách bền vững. Đối với các đơn vị thành viên mới vừa hoàn thành giai đoạn kiến thiết cơ bản và bước vào giai đoạn kinh doanh gần đây cũng đã có sự chia sẻ thông tin trong nội bộ VRG cũng như sự hỗ trợ, chỉ đạo tích cực từ lãnh đạo VRG. Qua đó, các công ty thành viên đã chủ động hơn trong việc tuân thủ chủ trương của lãnh đạo Tập đoàn là sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.
Công tác nắm bắt thông tin, đánh giá, phân tích và dự báo thị trường có vị trí quan trọng trong kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực hay doanh nghiệp nào. Tùy theo mức độ nắm bắt và dự báo tốt ở mức nào sẽ quyết định sự chủ động trong các quyết định kinh doanh, giảm thiểu sự bất ngờ trước diễn biến của thị trường. Do đó, thông tin phân tích cần phải được cập nhật thường xuyên và điều chỉnh dự báo trên mối quan hệ logic khi các biến số khác xuất hiện. Điều đó sẽ giúp cho lãnh đạo các đơn vị chủ động các chính sách thích nghi một cách kịp thời, không bị động, bất ngờ khi thị trường thay đổi.
Ngoài ra, không có một công thức chung cho tất cả các đơn vị thành viên của VRG trong việc xây dựng chiến lược SXKD. Mỗi đơn vị cần có đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị mình để tập trung xây dựng thế mạnh của đơn vị nhằm định vị thương hiệu của đơn vị mình trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm cần được tiếp tục. Các công cụ quản trị đạt chứng nhận quốc tế như ISO, FSC, PEFC… cần được duy trì, phổ biến và áp dụng rộng rãi trong các đơn vị thành viên.
Đặc biệt, với vai trò là người sản xuất, người mua là rất quan trọng. Mối quan hệ này cần phải được xây dựng, củng cố, phát triển và duy trì một cách lâu dài trên nền tảng hợp tác hỗ trợ nhau và trên cơ sở lợi ích chung được chia sẻ.
-Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
TUỆ LINH (thực hiện)
Related posts:
- VRG ủng hộ tỉnh Sơn La khắc phục hậu quả mưa lũ
- Trao chứng nhận cho 18 cộng tác viên xuất sắc
- Ngành gỗ mở rộng liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển
- Đ/c Nguyễn Văn Thắng trúng cử Bí thư Đảng ủy TCT Cao su Đồng Nai
- Cao su Tân Biên: 36% diện tích đất cao su sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng
- Hội thi Bàn tay vàng tổ chức vào tháng 12
- Chủ tịch HĐQT VRG Trần Công Kha chúc Tết người lao động ngành cao su
- VRG hỗ trợ tỉnh Hà Giang 200 triệu đồng khắc phục thiệt hại bão số 3
- Chủ tịch Hội đồng Quản trị VRG Trần Công Kha thăm làm việc với các công ty cao su tỉnh Lai Châu
- Giá nguyên liệu giảm, doanh nghiệp săm lốp lãi tăng mạnh