CSVN – Trước việc lưu thông qua suối, qua khe nước của NLĐ gặp nhiều nguy hiểm khi mùa mưa đến, anh Trần Mạnh Thắng – Phó Giám đốc Nông trường Đức Phú, Cao su Quảng Nam đã quyết định làm cây cầu tạm giúp NLĐ và nhân dân trong vùng đi lại thuận tiện, tránh được nguy hiểm trong mùa mưa bão.
Không còn hiểm nguy
Chị Nguyễn Thị Dành – Tổ sản xuất Phú Thọ thuộc Nông trường Đức Phú làm nghề cạo mủ ở đây 16 năm, nơi hàng ngày chị vẫn phải đi qua khe suối, mùa nắng thì vận chuyển mủ bằng xe máy, mùa mưa thì gánh mủ qua khe suối bằng cầu tạm làm bằng cây cao su, cây rừng ghép lại với nhau.
Chị chia sẻ khi gặp chúng tôi ngay chiếc cầu mà theo chị đây là cây cầu nghĩa tình của anh Trần Mạnh Thắng – Phó Giám đốc Nông trường Đức Phú: “Nhiều năm trước, mỗi khi mùa mưa đến anh em công nhân chúng tôi rất lo lắng, nhiều người đã bị ngã khi gánh mủ qua khe suối này, nhất là vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa rất nguy hiểm đến tính mạng. Nay nhờ có cây cầu này, dù mùa nắng hay mưa chúng tôi đều có thể vận chuyển mủ qua khe suối một cách an toàn”.
Tổ sản xuất Phú Thọ có khoảng hơn 22,5 ha với 8 công nhân khai thác và thu hoạch mủ, tuy khoảng cách từ vườn cây đến điểm tập kết mủ chừng 800 – 900m nhưng lại vướng con suối khoảng 6 – 7m, nên khi vào mùa mưa công nhân rất khó khăn trong việc vận chuyển mủ đến điểm tập kết bởi nước dâng cao và chảy xiết, có lúc gần như ngập cả người không thể đi cạo được.
Để giải quyết việc qua lại, nhiều công nhân của tổ đã bàn với nhau chặt ít cây ghép lại với nhau để đi cạo và gánh mủ về. Nhiều lần chứng kiến anh em công nhân gánh mủ qua khe suối, thấy nguy hiểm và vất vả cho mọi người, anh Thắng đã nghĩ ngay đến việc phải giúp bà con nội vùng, nhất là anh chị em công nhân của tổ Phú Thọ có được chiếc cầu tạm, nhưng chắc chắn để có thể lưu thông qua lại dễ dàng, thuận tiện và vận chuyển được mủ nguyên liệu về điểm tập kết một cách an toàn và hiệu quả.
Dành trọn tâm huyết xây dựng cây cầu
Anh Thắng chia sẻ: “Tuy cây cầu dài khoảng 6m, nhưng để làm chắc chắn thì cần phải có sắt thép trong khi nông trường cũng như công ty còn rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, khi xin được 52 triệu để xây dựng 2 chiếc cầu này bản thân tôi cũng khá vất vả trong việc cân nhắc mua nguyên vật liệu và thuê thợ hàn. Tôi đã nhiều lần cùng bạn mình đi khắp các cửa hàng phế liệu ở xã, huyện và cả trên tỉnh nữa để mua những cây sắt giá rẻ”.
Dù chiếc cầu chỉ dài 6m, rộng 1,5m nhưng đó là tất cả tình cảm, tâm huyết của anh Thắng dành cho anh chị em công nhân và bà con ở khu vực tổ sản xuất Phú Thọ. Chiếc cầu tuy còn khá đơn sơ, nhưng đã giải quyết được rất nhiều việc, nhất là đảm bảo được sự an toàn, không còn nguy hiểm cho tính mạng của công nhân khi lưu thông qua lại để thu hoạch mủ.
Được biết, hầu hết diện tích cao su của Nông trường Đức Phú đều nằm trên đồi, núi và những địa hình phức tạp, có nhiều khe suối chảy qua cắt ngang đường đi đến các tổ sản xuất của đơn vị, gây khó khăn cho công tác thu hoạch mủ của công nhân.
Đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của NLĐ, anh Thắng cho biết: “Rất mong lãnh đạo công ty tiếp tục quan tâm đến những khó khăn của anh em nông trường, có giải pháp huy động nguồn lực tài chính hoặc sức người để tạo ra nhiều chiếc cầu như thế, thậm chí tốt hơn, to hơn và kiên cố hơn để NLĐ không chỉ ở Nông trường Đức Phú mà ở các nông trường khác cũng vậy, điều này giúp công nhân bớt lo lắng, vất vả hơn trong mùa mưa bão”.
GIA LINH
Related posts:
- Luôn nâng cao trình độ, biến lý luận thành thực tiễn công việc
- Sử dụng, bảo quản thuốc và an toàn trong công tác bảo vệ thực vật
- Liên hoan tuyên truyền ca khúc ngành cao su: Thi trực tuyến vẫn sôi nổi, hào hứng
- Góp sức cho nhiệm vụ kép của toàn ngành
- Công tác thu mua trên địa bàn Tây Nguyên: Vẫn khởi sắc trong dịch Covid - 19
- Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 trong tình hình mới
- Hình thành ‘vành đai chống dịch’ quanh TPHCM
- Xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không tuân thủ phòng dịch nơi làm việc
- Cao su Lộc Ninh khen thưởng Nông trường "về đích" trước 55 ngày
- Nhiều công trình thanh niên ý nghĩa ở Cao su Bình Long