CSVNO – Mới chỉ phát triển trong vòng chưa tới mười năm nhưng Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu viên nén đứng thứ 2 thế giới.
Xuất khẩu viên nén tăng trưởng nhanh
Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2013, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được hơn 175 ngàn tấn viên nén, trị giá 22 triệu USD. Đến năm 2020, lượng viên nén xuất khẩu đã đạt 3,2 triệu tấn, trị giá 352 triệu USD. Với sự tăng trưởng rất nhanh cả về lượng lẫn giá trị như trên, Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách thuộc Tổ chức Forest Trends, cho biết, nghành sản xuất và xuất khẩu viên nén ở Việt Nam mới được phát triển trong một thập kỷ gần đây, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho nhu cầu phát triển điện sinh học tại Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ sau thảm động đất và sóng thần. Chính vì vậy, gần 100% lượng viên nén từ Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện tại các quốc gia này.
Nhu cầu tiêu thụ viên nén tại các Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục tăng, là động lực để phát triển sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới cũng đang tiếp tục tăng.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), cho thấy, trong vòng 5 năm qua, giá trị tiêu thụ viên nén trên toàn cầu đã tăng từ 2,5 tỷ USD năm 2016 lên 4,35 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với lượng viên nén xuất khẩu tăng từ 16,8 triệu tấn (2016) lên 28,7 triệu tấn (2020). Xu hướng tăng trưởng về tiêu thụ viên nén trên toàn cầu tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới khi Chính phủ Mỹ chính thức ủng hộ và trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Phải đa dạng thị trường xuất khẩu
Tuy nhiên, theo TS Tô Xuân Phúc, sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam đang tiểm ẩn một số vấn đề. Trước hết, nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát, điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng bộ, thậm chí sản phẩm có chất lượng kém; qua đó góp phần đẩy giá xuất khẩu xuống thấp.
Nguyên liệu đầu vào không được kiểm soát cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới tài nguyên rừng. Nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén chủ yếu được sử dụng từ gỗ phụ phẩm như mùn cưa, dăm bào, cành ngọn của gỗ rừng trồng (keo, bạch đàn, cao su), cây phân tán… Một số nguồn tin cho biết các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ ở các địa phương mua bất kỳ nguồn gỗ nguyên liệu nào từ các hộ dân để sản xuất. Các hoạt động thu mua này thường được thực hiện qua hệ thống các đại lý. Một số doanh nghiệp lớn thì sử dụng nguồn nguyên liệu rừng trồng, bao gồm cả nguồn rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Hiện cũng đang tồn tại một số thông tin cho rằng có hiện tượng trộn lẫn giữa nguồn nguyên liệu có chứng chỉ FSC và nguồn khác trong một số cơ sở sản xuất, mặc dù sản phẩm xuất khẩu được khai báo là các sản phẩm có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Do đó, các thông tin này cần được kiểm chứng một cách đầy đủ trong thời gian tới.
Mặc dù đã trở thành một trong những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, nhưng sản xuất và xuất khẩu viên nén chưa nhận được sự quan tâm cần thiết của cơ quan quản lý. Hiện tại, sản xuất và xuất khẩu viên nén vẫn đang phát triển theo hướng tự phát, mạnh ai người ấy làm.
Việc chưa có cơ chế kết nối các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trong ngành, chưa có tiếng nói chung trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tình trạng cạnh tranh về nguyên liệu đầu vào, cạnh tranh giá cả, người mua… đã và đang diễn ra giữa các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở quy mô nhỏ. Cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào không chỉ xảy ra với các doanh nghiệp cùng sản xuất viên nén mà còn xảy ra giữa các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm khác như dăm gỗ và ván ép. Nhiều tín hiệu cho thấy trong tương lai cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt hơn.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, không hiểu thông tin về thị trường xuất khẩu. Cụ thể, các doanh nghiệp này hầu như không tiếp cận được với các thông tin về động lực thay đổi của thị trường xuất khẩu, các cơ chế, chính sách liên quan tới sản phẩm bao gồm cả những yêu cầu về chất lượng, tính hợp pháp và bền vững. Thiếu tiếp cận với các thông tin về thị trường xuất khẩu không chỉ làm các các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này không chủ động được phương án sản xuất kinh doanh mà còn đối mặt với các rủi ro trong việc không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
theo Nông nghiệp Việt Nam
Related posts:
- Giải pháp phát triển gỗ cao su 2021 - 2030
- Tập trung nguồn lực để phát huy thế mạnh khu công nghiệp
- Giải pháp tiêu thụ ngành gỗ năm 2024: Những dấu hiệu lạc quan
- Ngành dệt may và săm lốp góp phần gây ô nhiễm môi trường
- Nâng cao nhận thức về tính hợp pháp của gỗ cho ngành cao su
- Viên nén, mặt hàng tiềm năng của ngành chế biến gỗ
- "Geru Star quyết tâm hoàn thành sớm các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023"
- Khối Công nghiệp - Dịch vụ đảm bảo sản xuất có hiệu quả trong tình hình mới
- Chuyển hướng rừng gỗ lớn, lợi ích thấy rõ
- BERUBCO: Khẳng định thương hiệu bằng uy tín, chất lượng