CSVNO – Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9/2020 ước đạt 230 nghìn tấn, trị giá 296 triệu USD.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,14 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Cục Xuất nhập khẩu ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9/2020 đạt 230 nghìn tấn, trị giá 296 triệu USD, tăng 3% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với tháng 8/2020; tăng 52,9% về lượng và tăng 50,2% về trị giá so với tháng 9/2019; giá xuất khẩu bình quân giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 1.287 USD/tấn.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su ước đạt 1,14 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, giá xuất khẩu bình quân giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2019 xuống mức 1.278 USD/tấn.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 66% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 598,8 nghìn tấn, trị giá 762,81 triệu USD, tăng 30,4% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,3% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020.
Theo thống kê của Cơ quan Tài chính Đài Loan, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là thị trường lớn thứ 7 cung cấp cao su cho thị trường Đài Loan với 11,68 nghìn tấn, trị giá 16,94 triệu USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 9,3% về trị giá. Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của thị trường Đài Loan cũng giảm nhẹ từ 7% trong 8 tháng đầu năm 2019 xuống còn 6,9% trong 8 tháng đầu năm 2020.
Riêng đối với cao su tự nhiên, 8 tháng đầu năm, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 3 cho thị trường Đài Loan, đạt 11,04 nghìn tấn, trị giá 16,14 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng cao su tự nhiên xuất khẩu vào Đài Loan theo cam kết WTO có thuế suất 0% và về cơ bản không gặp rào cản gì do nhóm sản phẩm này không cạnh tranh với sản phẩm nội địa.
Đối với cao su tổng hợp, cơ cấu thị trường cung cấp chính cho thị trường Đài Loan trong 8 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore giảm, trong khi thị phần của Trung Quốc và Hoa Kỳ tăng. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam trong tổng nhập khẩu của thị trường Đài Loan mới chỉ chiếm 0,4%.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 9/2020, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước có xu hướng tăng theo giá của thị trường thế giới. Ngày 29/9/2020, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 290 đồng/TSC, tăng 10 đồng/TSC so với cuối tháng 8/2020; giá thu mua mủ tạp được điều chỉnh lên mức 250 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với cuối tháng 8/2020.
Trong tháng 9/2020, Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai cũng 3 lần thông báo điều chỉnh giá thu mua mủ cao su. Ngày 24/9/2020, giá thu mua mủ nước loại 1 được điều chỉnh lên mức 280 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với ngày 17/9/2020; giá thu mua mủ nước loại 2 cũng điều chỉnh lên mức 280 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với ngày 17/9/2020.
theo congthuong.vn
Related posts:
- Cao su Hòa Bình doanh thu 98,5 tỷ đồng năm 2016
- Gỗ Thuận An: Các chỉ tiêu đều đạt cao hơn năm 2016
- Phát triển sản phẩm cao su thương hiệu VRG từ nguồn nguyên liệu thu mua
- Một năm thực thi Hiệp định EVFTA: Cơ hội, thách thức và giải pháp
- Mỹ bất ngờ tăng nhập khẩu cao su Việt Nam, Đài Loan, Tây Ban Nha
- VRG sẵn sàng thực hiện quy định về chống phá rừng của liên minh châu Âu
- BSC: Giá cao su phục hồi chỉ diễn ra trong ngắn hạn
- Ngành chăn nuôi lao đao, nông dân thiệt hại
- Người lao động được mua cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm
- Sẽ thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê và cao su