CSVN – Với sự chuẩn bị tốt từ công tác làm đất, chăm sóc, ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật vào công tác tái canh trồng mới (TCTM), Công ty CPCS Tây Ninh là điển hình trong công tác TCTM của VRG và là điểm đến tham quan, học tập của nhiều đơn vị trong và ngoài ngành trong những năm qua.
Nhiều sáng kiến được ứng dụng
Mỗi năm, Công ty CPCS Tây Ninh tái canh khoảng 500 ha. Công ty luôn chú trọng từ khâu làm đất đến chăm sóc để vườn cây KTCB phát triển tốt. Trong đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật là giải pháp quan trọng. Điển hình trong việc nghiên cứu sáng kiến mới ở công ty là ông Nguyễn Văn Tài – GĐ NT Bến Củi.
Một trong những sáng kiến này là máy cày ngầm. Ông cho biết: “Ngành cao su luôn có nhiều biến động, trong đó có biến động về thời tiết, đất thoái hóa, nhân công lao động ngày càng thiếu hụt, suất đầu tư thì ngày càng giảm. Mình phải tìm giải pháp để thích ứng với những biến đổi đó. Một trong những giải pháp đầu tiên là tạo ra chiếc máy cày ngầm để giải quyết tình trạng đất bị thoái hóa qua canh tác hàng trăm năm nay”.
Máy gồm 3 trụ cày ngầm để cày sâu, phá vỡ tầng đế cày bên dưới để có được môi trường đất tơi xốp, tạo điều kiện tốt nhất để cây con phát triển ngay trong 6 tháng trồng mới cũng như vượt qua mùa khô khắc nghiệt, mùa hạn năm sau.
Để thực hiện cày ngầm đạt yêu cầu kỹ thuật và đạt hiệu quả mong muốn thì trước tiên phải có đầu máy công suất lớn từ 150 mã lực trở lên để kéo ba lưỡi cày ngầm cày sâu 50 – 60cm đất nhằm phá tầng đế cày bị nén hàng trăm năm. Sau khi lưỡi cày ngầm xới đất lên thì 2 chảo lấp đường kính từ 70 – 80cm sẽ gom lớp đất mặt bị phá vỡ vào đường băng để tạo môi trường tơi xốp giúp trồng cây con dễ sống và phát triển tốt.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, vườn cây tốt được là do xuất phát ban đầu ứng dụng những giải pháp kỹ thuật phù hợp từ lúc làm đất với phương pháp cày ngầm. Sau đó đến chất lượng cây giống và kỹ thuật chăm sóc. Cuối cùng là tạo tán cho cây để tạo độ đồng đều, giảm độ lệch vườn cây, tạo được tiềm năng, năng suất khi đưa vào kinh doanh.
Hiện nay, toàn công ty dùng kéo chuyên dụng bằng thép tự thiết kế để cắt ngọn, tạo tán cho cây kiến thiết cơ bản năm thứ 2 theo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn. Kéo chuyên dụng cán có thể kéo dài đến 5m, cắt ngọt, không bị dập, đúng vị trí mong muốn giúp cây có tán cân đối và hoàn chỉnh tán sớm thúc đẩy tăng vanh. “Tuy nhiên, tùy theo mùa, tùy theo điều kiện chăm sóc, cây phân cành thấp hay cao, sớm hay muộn mà mình cắt hoặc không”, ông Tài cho biết thêm.
Bên cạnh công tác trồng, chăm sóc vườn cây KTCB thì công tác phòng chống cháy cho vườn cây vào mùa khô cũng được công ty đặc biệt chú trọng. Hàng loạt xe chở mủ được cải tiến thành xe chữa cháy giúp phòng chống cháy. Nhờ vậy, chỉ cần lực lượng bảo vệ và lực lượng xe chữa cháy trực, sẽ giảm được công người canh gác lửa, giảm được chi phí đáng kể.
Hiệu quả cao
Tác dụng của cày ngầm khi làm đất là làm vỡ tầng đất mặt và tầng đế cày bị nén chặt từ nhiều năm, hình thành mao quản, tăng độ thông thoáng cho đất, bảo đảm môi trường tối ưu cho rễ cây phát triển tốt, nhất là rễ cọc có thể đâm sâu vào đất giúp cho cây đứng vững. Khi bộ rễ phát triển tốt cây sẽ hấp thu dinh dưỡng tối ưu làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
Bên cạnh đó, tầng đế cày bị phá vỡ không còn cản trở việc thẩm thấu nước mương xuống sâu trong lòng đất giúp cây không bị ngập úng cục bộ, chống xói mòn; và là nguồn nước dự trữ trong mùa khô giúp bộ rễ của cây có thể hút nước từ sâu trong lòng đất. Đồng thời, khi áp dụng phương pháp này sẽ chủ động thời vụ và xử lý chống hạn sớm, có thể thay thế được công việc cuốc váng, tủ gốc vào mùa khô và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động để xử lý chống hạn cuối mùa mưa.
Ông Nguyễn Văn Tài cho biết: “Khi áp dụng phương pháp này, tỷ lệ sống ở vườn cây trồng mới tái canh được cày ngầm rất khác biệt. Tỷ lệ cây trồng mới bị chết trong mùa khô giảm đáng kể, giảm chi phí cho việc trồng dặm và chi phí cây giống; chất lượng vườn cây đồng đều, cây khỏe mạnh là tiền đề cho vườn cây phát triển liên tục trong năm thứ nhất và những năm tiếp theo”.
Với kéo cắt ngọn, tạo tán chuyên dùng bằng thép tốt sẽ cho vết cắt sắc, ngọt, không bị giập, làm cho chồi mạnh hơn. Vườn cây có cắt ngọn tạo tán sẽ có độ đồng đều, độ lệch nhỏ, cây sinh trưởng khỏe, kháng gió tốt, hạn chế gãy đổ trong thời kỳ KTCB. Còn với xe vận chuyển mủ, khi không chữa cháy, xe được dùng để cung cấp nước cho các loại máy phun cỏ, phun bệnh hoạt động…
Nhờ áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật mà năng suất lao động tăng lên, công việc thuận lợi hơn, công nhân cũng đỡ vất vả hơn, thu nhập cao hơn. Vì vậy, công tác TCTM kịp thời vụ, chất lượng vườn cây đồng đều, khi đưa vào mở cạo đạt năng suất cao hơn. Việc áp dụng cơ giới hóa giúp công ty giảm được áp lực cạnh tranh lao động, đảm bảo độ đồng nhất giúp vườn cây phát triển đồng đều, đảm bảo tiến độ, chi phí suất đầu tư và giá thành công ty xây dựng hàng năm.
Trồng xen canh giảm chi phí chăm sóc, bảo vệ vườn cây
Năm 2020, diện tích trồng xen trên vườn cây KTCB của Cao su Tây Ninh là 1.176 ha. Riêng ở NT Cầu Khởi, diện tích trồng xen khoảng 274 ha, năm 2020 là trên 50 ha. Ông Trần Ngọc Thuấn – GĐ NT Cầu Khởi cho biết, với vườn cây KTCB năm đầu tiên, NT cho trồng đậu phộng để sau thu hoạch lấy dây tủ ẩm cho mùa khô và các loại cây hoa màu; các loại cây ngắn ngày không ảnh hưởng đến cây cao su. Vườn cây KTCB năm 2-3 chủ yếu trồng xen bắp, hoa màu, các loại cây lấy củ…”
Hiệu quả của trồng xen là người dân bón phân cho cây trồng xen và cho cả cao su nên vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, được dọn cỏ sạch sẽ. Điều đặc biệt là trồng xen tạo thêm thu nhập cho người lao động, người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Còn tại NT Bến Củi, NT bắt đầu cho trồng xen nhiều từ năm 2017, đến nay diện tích trồng xen cũng trên 400 ha, riêng năm 2020 là 120 ha.
Trong quá trình trồng xen, người dân giúp làm sạch cỏ dại trên vườn cây, đồng thời bón phân cho cây cao su 100 kg/ha và cây trồng xen khoảng 400 kg/ha, tổng phân bón cho vườn cây khoảng 500 kg/ha. Nhờ đó, NT giảm được chi phí làm sạch vườn cây, bón phân và công chăm sóc giúp vườn cây sinh trưởng tốt trong 3 năm đầu. Nhờ vậy, trong điều kiện suất đầu tư giảm như hiện nay, NT vẫn đảm bảo vườn cây phát triển tốt, đạt và vượt chỉ tiêu theo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Thông qua điều chỉnh, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của VRG - Công ty cổ phần
- Nông trường Cồn Tiên đạt giải nhất Hội thi Bàn tay vàng Cao su Quảng Trị
- 4 công ty cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai góp phần giữ vững an ninh quốc phòng
- Chặng đường thực hiện chiến lược phát triển bền vững: Bước đầu có kết quả tích cực
- Cao su Nghệ An bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ
- Trải thảm đón nhà đầu tư
- Việt Nam bất ngờ nhập siêu cao su trong quý I
- Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thăm và chúc tết các công ty cao su Tây Nguyên
- Hội doanh nhân trẻ VRG đóng góp vào sự phát triển ổn định của Tập đoàn
- Chị Nông Thị Phương giành giải nhất Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ Cao su Chư Mom Ray