CSVNO – Ước mơ đến lớp, giảng đường đại học của các cô cậu học trò là con em công nhân cao su được Hội khuyến học TCT Cao su Đồng Nai thắp sáng từ nhiều năm qua.
Cầm trên tay giấy báo nhập học vào ngành vật lý kỹ thuật của trường Đại học Bách khoa TP HCM, em Lê Thanh Nhàn – cựu học sinh trường THPT Long Khánh lòng đầy tự hào vì ước mơ 12 năm đèn sách nay thành hiện thực.
Sinh ra và lớn lên giữa bạt ngàn của vùng đất cao su xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, Nhàn là con cả trong gia đình ba chị em. Những năm đầu 2000, ông Lê Văn Hiệp – bố Nhàn bắt đầu công việc công nhân cao su. Mong muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, bà Trần Thị Lành – mẹ Nhàn cũng đăng ký tham gia vào lực lượng lao động ngành không lâu sau đó. Hiện bố Nhàn đã nghỉ hưu, còn mẹ trở thành tổ trưởng tổ 8, Nông trường Cẩm Mỹ.
Cô tân sinh viên nhớ lại, cây cao su gắn bó với gia đình Nhàn từ những ngày em còn bé tí. Gia cảnh nghèo khó, lại là chị cả trong nhà, Nhàn từ nhỏ đã có suy nghĩ mong sao nhanh chóng trưởng thành phụ giúp cha mẹ. Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt của Nhàn và hai em đều đến từ đồng lương công nhân của bố mẹ. Vì thế, 12 năm đi học, ngoại trừ học phí thì tất cả khoản chi khác khác cô trò đều gói ghém, tiết kiệm hết mức có thể.
Ước mơ đến giảng đường đại học của Nhàn nhiều lần bị chính cô bỏ ngỏ vì suy nghĩ học phí, chi tiêu sinh hoạt tại TP HCM sẽ tạo thêm áp lực cho cho bố mẹ. Thế nhưng với niềm say mê tri thức, cô gái nhỏ vẫn kiên định với suy nghĩ chỉ có đại học mới là con đường thoát nghèo nhanh chóng. Thương cha mẹ tần tảo, 12 năm liền Nhàn đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Nhờ vào nghị lực vươn lên ấy, trong đợt tuyển sinh đại học vừa qua, em trúng tuyển ngành vật lý kỹ thuật của trường Đại học Bách khoa TP HCM.
Nhận xét về em, cô Xuân Thảo – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A12, trường THPT Long Khánh – nơi Nhàn vừa hoàn thành năm học 12 cho biết, Nhàn là học sinh ngoan, lễ phép, khiếm tốn và có năng lực. Trúng tuyển vào ngành em yêu thích tại trường đại học tốp đầu là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của em. Ngày 26/8 vừa qua, Thanh Nhàn là một trong hơn 300 học sinh, sinh viên được Hội Khuyến học TCT Cao su Đồng Nai tuyên dương, trao tặng học bổng vì vượt khó đạt thành tích tốt.
“Đối với em, nghề công nhân cao su của cha mẹ rất cao quý. Nhờ công việc này mà cha mẹ đã nuôi dưỡng em từ năm học lớp 1 đến tận bây giờ, tạo nhiều điều kiện để thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư. Em cũng dành lời tri ân đặc biệt đến TCT Cao su Đồng Nai đã tổ chức hoạt động khuyến học này. Từ đây mở ra cơ hội mở rộng tương lai cho không chỉ em mà còn nhiều bạn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn” – Nhàn tâm sự.
Mang tinh thần vượt khó như Thanh Nhàn, em Nguyễn Lại Cẩm Tú – học sinh lớp 10A14, trường THPT Thống Nhất cũng là ví dụ điển hình về tinh thần hiếu học. Bố mẹ Cẩm Tú đều là công nhân cao su thuộc Nông trường Bình Lộc. Năm 2022, bố mất do tai nạn. Mẹ em một mình tiếp tục công việc để chăm lo cho hai con. Nhận thức được vất vả của gia đình, Tú ra sức học tập. 9 năm liền, cô trò nhỏ đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Em hun đúc ước mơ sau này vào đại học để trở thành giáo viên.
“Lúc nhỏ, em nghĩ rằng làm cao su là nặng nhọc, nhưng sau này lại thấy công việc này đã nuôi dưỡng gia đình, chăm lo em học tập. Nhận được học bỗng từ Hội Khuyến học là niềm vui, tự hào đối với em. Đây là động lực to lớn để bản thân ra sức, cố gắng hơn nữa” – Tú chia sẻ.
Nhiều năm qua, Hội Khuyến học TCT Cao su Đồng Nai đã hỗ trợ hàng nghìn em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó chạm đến ước mơ đến lớp, giảng đường đại học. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thuý – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, Chủ tịch Công đoàn TCT Cao su Đồng Nai, việc tổ chức tuyên dương là hoạt động ý nghĩa, vừa khuyến khích tinh thần vươn lên của học sinh, vừa thể hiện sự quan tâm của công ty đến người lao động.
“Thời gian gần đây, nhất là năm nay, giá mủ cao su giảm mạnh, tuy vậy TCT vẫn cố gắng tổ chức chăm lo cho con em người lao động. Thông qua buổi tuyên dương Học giỏi – sống tốt, công nhân có thể cảm nhận được sự vinh dự khi con em mình đứng trên bục nhận thưởng vì những nỗ lực đạt được. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa, vì vậy, TCT cố gắng duy trì hằng năm” – bà Thuý nói thêm.
HOÀNG KHẢI
Related posts:
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Cô giáo mê làm từ thiện
- Cao su Quasa - Geruco: xanh thẳm tình hữu nghị
- 55 năm ngã ba Đồng Lộc - Nơi trái tim cả nước hướng về ...
- Hăng hái ra quân đầu năm
- Đoàn Minh Đức - Người cán bộ tận tụy theo gương Bác
- Tất cả vì người lao động
- Cao su - dòng chảy hào hùng
- "Cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút tuyển dụng và ổn định lao động"
- Xí nghiệp Chế biến đạt giải nhất Hội thao Cao su Đồng Nai