(tiếp theo kỳ trước)
CSVN – Năm 1930 một Ủy ban mang tên “Ủy ban Bảo vệ những người sản xuất cao su Pháp” dược thành lập tại Paris. Ủy ban này có mối quan hệ chặt chẽ với nghiệp đoàn các nhà trồng cao su Đông Dương. Chủ tịch danh dự là ông Octave Homberg, chủ nhà băng và chủ tịch hành động là nghị sĩ E. Outrey, một người có thế lực.
Trong lúc này, đối với cao su, chính quyền thuộc địa dự định bãi bỏ thuế 2% ad valorem (đánh thuế trên các sản phẩm nội địa), giảm một cách đáng kể thuế đánh trên doanh thu. Các dồn điền van xin chính quyền thuộc địa “tha” cho việc đóng góp bắt buộc nhằm giúp cho Nhà nước thăng bằng ngân sách.
Ủy ban Bảo vệ những người sản xuất cao su Pháp kiến nghị với chính quyền Pháp nên xem vấn đề cao su là một vấn đề của quốc gia Pháp, chứ không phải chỉ là vấn đề của Đông Dương; và xuất phát từ quan điểm này mà giải quyết vấn đề cao su đang gặp khó khăn. Ví dụ:
Đánh thuế nhập khẩu 4 Francs/kg đối với cao su của các nước không phải là thuộc địa của Pháp. Một món tiền thưởng bằng 4 Francs/kg sẽ được cấp cho cao su Đông Dương nhập thẳng vào nước Pháp.
Đối với các đồn điền chưa thu hoạch (vì đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản), Chính phủ cấp tiền ứng trước không lấy lãi.
Phải nói rằng Ủy ban này gặp nhiều thất vọng. Trên tầm cao của các vị Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Bộ thuộc địa thì các đề nghị hợp tình hợp lý được ủng hộ, nhưng xuống cấp dưới thì các cơ quan trung gian đều “thấy khó”, vì họ không muốn có những sự thay đổi dù nhỏ trong lề lối làm ăn xưa nay của các bộ phận phụ trách tài chính ngân sách hay thuế quan …
Những người chủ đồn điền Pháp tâm niệm rằng mình đổ công sức để sản xuất đủ cao su cho công nghiệp cao su của nước Pháp là một nhiệm vụ và là một vinh dự. Họ đã thất vọng khi thấy rằng một phần không nhỏ cao su Đông Dương (và Việt Nam) chạy sang Mỹ (và một số nước khác) và các nhà công nghiệp cao su của nước Pháp nhập cao su của Malayasia hay của Indonesia mà ít mua cao su của Đông Dương, trong khi Chính phủ Pháp không chịu đánh thuế nhập khẩu để bảo vệ cao su của thuộc địa mình, trong khi cao su Đông Dương (và Việt Nam) không thua kém cao su Malaysia hay Indonesia. Người ta dẫn chứng tình hình xuất nhập cao su năm 1938. Trong năm nàv, Đông Dương xuất khẩu 57.190 tấn cao su và Pháp nhập 58.000 tấn. Trong số cao su xuất khẩu, phần của Mỹ là 20.887 tấn, Pháp đứng hàng thứ 2 với 17.069 tấn.
Từ năm 1930 trở đi là giai đoạn khó khăn lớn của cao su Việt Nam. Chúng ta phải nhìn nhận trong giai đoạn này cao su Việt Nam đã dũng cảm phấn đấu để tồn tại và vươn lên.
Sự cố gắng của các đồn điền cao su để tồn tại
Trong giai đoạn cuối của kế hoạch Stevenson cho đến cuối năm 1932, giá cao su tụt dài và người ta có cảm tưởng rằng nó sẽ không bao giờ dừng lại… Ở Việt Nam (chắc chắn cũng như ở các nước khác) các đồn điền cao su căng sức giảm giá thành sản xuất để có thể bán được cao su, miễn là không bị lỗ. Ở hai Công ty cao su Suzannah và An Lộc (về sau hợp với một số đồn điền khác thành Công ty SIPH) người ta đã làm một cuộc “chạy đua giảm giá thành từng xu”. Họ phải chạy đua cật lực vì giá bán cứ tiếp tục giảm bắt buộc họ phải có trong tay vào những thời điểm nhất định, những giá thành thấp hơn. Như vậy là không có lúc nào nghỉ “xả hơi” mà phải luôn luôn chạy trước “cơn lũ”. Ở hai công ty này, người ta đã giảm lương cán bộ người Pháp 25%, nhưng chịu nợ và sẽ hoàn trả sau, khi tình hình khả quan hơn. Họ giảm tỷ lệ lãi trái phiếu 50% và hứa sẽ hoàn trả đủ khi làm ăn khá hơn. Lẽ dĩ nhiên là họ được mọi người đồng tình (vì không đồng tình cũng không được). Khi đụng đến lương công nhân thì họ bị phản đối kịch liệt.
Họ cắt giảm chi tiêu đến mức cao nhất, cái gì bỏ được thì kiên quyết bỏ, giảm được thì kiên quyết giảm… Đây là một dịp để hợp lý hóa trong công ty, trong đồn điền. Họ tìm cách nâng sản lượng vì đó là yếu tố quan trọng hạ giá thành, nhưng đảm bảo kỹ thuật, không làm ẩu. Khi kế hoạch sản lượng bị trục trặc thì Tổng Giám đốc nhảy đến để kiểm tra và đưa ra biện pháp giải quyết. Giám đốc đồn điền và phụ tá phải nỗ lực vì Tổng Giám đốc lúc bấy giờ là ông Van Pelt (sau ông Van Pelt là ông Birnie) đều là những người giỏi về quản lý cũng như về kỹ thuật và đặc biệt là rất “cứng”. Giá thành được xây dựng hàng tháng và được Tổng Giám đốc chỉ đạo chặt chẽ.
Nhờ nhiều biện pháp đổi mới khác mà hai công ty Suzannah và An Lộc đã thu được thắng lợi trong cuộc chạy đua hạ giá thành từng xu. Từ tháng 4 năm 1931 đến cuối năm 1932, giá thành sản xuất cao su của hai công ty giảm từ 35 xu (tiền Đông Dương) xuống còn 20 xu, tức là giảm 43%. Nhờ giá cao su được nâng lên và nhờ sự quản lý thông minh và có định hướng nên đến năm 1934, hai công ty nói trên đã thanh toán xong nợ nần.
Cũng trong giai đoạn khó khăn này, người ta chứng kiến sự xuất hiện nhiều đổi mới về khoa học và kỹ thuật. Trong phạm vi này có thể kể việc ứng dụng phương pháp ghép trong khắp các đồn điền cao su Việt Nam. Đại điền đi đầu, cao su trung điền và tiểu điền theo sau vì họ chờ xem kết quả thu được của đại điền và phải tìm cách “chộp”, hay nói trắng ra là ăn cắp kỹ thuật của đại điền là một bọn giấu nghề.
Đến năm 1928, cây cao su ghép đã được sản xuất trong các vườn ương thuộc nhóm SICAF của Rivaud – Hallet (trong đó có Công ty Terres Rouges, Bến Củi…)- Năm 1929, một nhóm chủ đồn điền trong đó có Mme de la Souchère dã mời Dr. Cramer, nguyên Giám đốc Vườn thực nghiệm Buitenzorg đã về hưu sang Việt Nam làm cố vấn trong việc nhập các dòng vô tính.
Từ năm 1930, cao su Việt Nam trồng cây ghép là chính. Nhưng một sự đổi mới “ngoạn mục” trong công tác ghép có thể là việc các công ty cao su thuộc nhóm SIPH và nhóm Rivaud – Hallet ghép trên cây cao su 2 – 3 tuổi thậm chí 4 tuổi đã trồng ra đại trà.
Dưới sự lãnh đạo của Van Pelt, một người Bỉ được nhóm CCNEO là cơ quan quản lý của Suzannah ,và An Lộc mời sang Việt Nam làm Tổng Giám đốc phụ trách hai công ty này. Năm 1931, người ta cưa 700 ha cây thực sinh 2 – 3 và 4 tuổi của các đồn điền Suzannah, An Lộc và Bình Ba để sau đó ghép lên tược non. Các đồn điền nói trên vận dụng tư tưởng cùa Van Peỉt: chịu thiệt thòi vài năm để khai thác cây ghép năng suất cao hơn. Theo Van Pelt, trong thời kỳ cao su tụt giá, nhất định phải đổi mới vườn cây, phải áp dụng phương pháp ghép. Tiếp sau, Van Pelt chỉ đạo cách ghép nói trên ở Công ty Biên Hòa công nghiệp và lâm nghiệp (La BIF) với trên 300 ha thuộc các đồn điền Trảng Bom, Túc Trưng, Cây Gáo.
(còn tiếp)
CSVN
Kinh tế khủng hoảng toàn cầu và công ước 1934
(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)
Related posts:
- “Búa liềm vàng”- giải báo chí về xây dựng Đảng
- Cần phải nhìn lại chuyện lễ hội
- Du lịch mùa nghỉ cạo: Động lực để thi đua, hoàn thành nhiệm vụ
- Đoàn Chư Păh giành giải nhất chương trình
- Tiếng loa "cô vy"
- Cao su Mang Yang: 250 thiếu nhi tham gia đêm hội trăng rằm
- Rừng cao su: nơi sinh tồn của nhiều động thực vật
- Nhiếp ảnh VN thắng tuyệt đối cuộc thi ảnh của IRSG
- Nét đẹp hội thi
- Tổ chức Cuộc thi ảnh “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ V