CSVN – Có thể đánh giá việc thực nghiệm cây cao su ở Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1905 – 1906 kết thúc tốt đẹp. Công lao của những người đi đầu đã được xác nhận: Dr. A. Yersin và ông Vemet ở Suối Dầu, ông Belland ở Nam Kỳ. Nước Pháp đã tìm được một cây trồng để khai thác Đông Dương, một thuộc địa có nhiều tiềm năng. Tư bản Pháp và chính quyền thực dân bắt đầu hiểu biết về cây cao su; nhiều người muốn trồng cây cao su để sống một cuộc đời của những chủ trang trại hào hoa (genthman farmer) theo kiểu của Belland và có một số công ty tư bản muốn bỏ vốn vào một cây mới có khả năng mang lại nhiều lợi nhuận.
Công ty Nông nghiệp Suzannah
Người ta cho rằng thời kỳ phát triển cao su của Việt Nam bắt đầu từ năm 1907, lấy cái mốc là sự ra đời của công ty Nông nghiệp Suzannah. Chính công ty Nông nghiệp Suzannah đã nổ tiếng pháo lệnh mở đường cho ngành cao su Việt Nam tiến lên. Chúng ta cần tìm hiểu lịch sử của cái công ty tiên phong này.
Năm 1901, con đường sắt Sài Gòn – Phan Thiết bắt đầu khởi công và chậm chạp tiến về phía Đông. Sau khi qua khỏi Trảng Bom, xe chạy vào vùng rừng cây xanh tốt lạ thường: vùng đất đỏ của hạ lưu sông Đồng Nai cách Sài Gòn 80 cây số, có một làng nhỏ bên đường tên là Dầu Giây. Gần đó có con suối tên là Suối Nhạn, nước trong xanh phong cảnh hữu tình của vùng rừng núi còn hoang vu đã hấp dẫn một số người Âu đang xây dựng con đường sắt. Họ thường đến nơi này để nghỉ ngơi ngày chúa nhật và “ăn nhậu” dưới tán rừng thưa. Dần dà, những người này chung sức xây dựng một nông trại nhỏ, gần nơi sau này trở thành ga xe lửa Dầu Giây. Người ta bắt đầu trồng thử nghiệm một số cây như cà phê, ca cao, hồ tiêu, cây sả, cây chè (trà) và cây ăn quả như cam, bưởi, đu đủ. à chăn nuôi bò. Đó là vào khoảng 1904.
Đến năm 1905, tiếng tăm của đồn điền Belland bắt đầu nổi lên đã kích thích trang trại Dầu Giây chuyển hướng trồng cây cao su là chính. Còn chờ đợi gì nữa, đất tốt có sẵn, hạt giống không thiếu. ! Thế là năm 1906, lô cao su đầu tiên trên đất đỏ miền Đông Nam bộ ra đời: lô 9A, với diện tích trên 8 ha, trồng theo khoảng cách 5×5. Một số cây của lô 9A hiện còn tại Nông trường quốc doanh cao su Dầu Giây, thuộc Công ty Cao su Đồng Nai. Đây là những cây cao su cao tuổi nhất của ngành cao su Việt Nam mà chúng ta cần bảo vệ. Sau này ngoài giá trị lịch sử của vườn cao su những nhà chọn giống Việt Nam có thể tìm được những “nguồn gen” mới.
Để có đủ cơ sở pháp lý hoạt động, trang trại Dầu Giây được chuyển thành Công ty Vô danh thành lập tại Sài Gòn, lấy tên là Công ty Nông nghiệp Suzannah, với số vốn 1 triệu Francs. Một phần khá lớn tiền vốn là do các bạn bè của trang trại Dầu Giây đóng góp, nhưng chủ yếu là vốn của “Dòng Thừa Sai” (Missions étrangères) trực thuộc Vatican. Trong kinh doanh, Dòng Thừa Sai có nhiều uy tín được mọi người đánh giá là làm chắc và ăn chắc, đầu tư nơi nào thì nhất định nơi ấy ăn nên làm ra. Vì vậy, việc tham gia của Dòng Thừa Sai càng tăng uy tín cho Công ty Nông nghiệp Suzannah và củng cố lòng tin của các nhà hùn vốn vào sự nghiệp mới là kinh doanh cao su trên qui mô lớn.
Ngoài kinh nghiệm làm ăn của Dòng Thừa Sai đang kinh doanh bất động sản trên khắp nhiều thành phố châu Á, ở Trung Quốc từ Thượng Hải cho đến Bắc Kinh, các cha trong Dòng Thừa Sai có nhiều uy tín về mặt tinh thần. Người ta kể một ví dụ: Năm 1911, cha Robert, nhân vật số 2 của Dòng Thừa Sai, đã dùng uy tín của mình để đưa vào Dầu Giây một giáo xứ của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, gồm một cha xứ người của tỉnh, một số bà “sơ”, phân nửa là người Quảng Trị phân nửa là người Âu.
Đi kèm có khoảng 40 người lao động có thể xem như là những công nhân đầu tiên chuyển từ một tỉnh miền Trung vào đồn điền cao su Nam Kỳ. Công ty Nông nghiệp Suzannah lập tức xây dựng một nhà thờ bằng đá, bên cạnh có một trạm xá mà người dân thường gọi là “nhà các bà sơ”. Công nhân được xếp vào các lán trại bằng tre nứa khá chật chội. Các lán trại này giống kiểu nhà của người thượng du trong vùng, có khác là cất trệt trên nền đất.
Dòng Thừa Sai làm ăn rất năng nổ; trong Công ty Nông nghiệp Suzannah, họ hùn vốn, nhưng về sau họ cũng đứng ra thành lập đồn điền cao su riêng như đồn điền cha cố Dòng Thừa Sai ở Gò Vấp, đến năm 1936 vẫn còn đứng vững và chiếm vị trí số 1 trong 26 đồn điền cao su còn tồn tại ở Gò Vấp với 80 ha.
Vì sao lại có cái tên lạ tai Suzannah? Khi chuyển trang trại Dầu Giây thành Công ty Vô danh, người ta bầu ông Cazeau làm chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty. Vài ba năm trước đó, nhiều người đã gọi một cách trìu mến trang trại Dầu Giây bằng cái tên trang trại Suzannah, xuất phát từ tên cô con gái của ông chủ tịch, cô Suzanne Cazeau. Thế là công ty đầu tiên trồng cao su ở Nam Kỳ mang cái tên Công ty Nông nghiệp Suzannah, một cái tên được trọng vọng từ đầu và kéo dài trong nhiều thập kỷ. Đất của Dầu Giây thuộc rừng thứ cấp; có chỗ khá dày; cây rừng lớn nhất là các loại cây Dầu, nhiều nhất là cây Dầu Rái (diphtero-carpus alatus). Có nhiều vùng còn rừng già rất đẹp nhưng ở đó cũng có nhiều diện tích là rẫy cù của người dân tộc, một số rừng tre và tranh. Những diện tích cao su đầu tiên của Công ty Nông nghiệp Suzannah trồng bằng hạt không được chọn lọc, có thể là từ các cây cao su của đồn điền Phú Nhuận của ông Belland, mật độ 400 cây/ha, theo khoảng cách 5x. Phải công nhận rằng trong những năm đầu tiến công vào vùng đất đỏ Đồng Nai (lúc ấy là tỉnh Biên Hòa) Công ty Nông nghiệp Suzannah đã hành động khá mạnh, bất chấp các khó khăn lớn mà công ty phải vượt qua, đặc biệt là bệnh sốt rét và nạn thiếu nhân công. Đầu năm 1911, diện tích cao su của Suzannah đạt 450 ha.
Trong thời gian khó khăn ban đầu mà mọi người vật lộn với rừng sâu, mưa dầu và nắng lửa, để mở rộng đồn điền Suzannah thì cuộc sống ngày chúa nhật của trang trại Suzannah vẫn tiếp tục, đều đặn nhằm phục vụ cho các quan chức cao cấp, các nhà kinh doanh người Pháp… đang “chôn chân” trong cái Sài Gòn “bé tí tẹo” lúc bấy giờ. Theo mô tả trong cuốn “Ainsivint au monde la SIPH”, thì từ tang tảng sáng ngày chúa nhật, một đoàn xe lửa riêng (train spécial) khởi hành từ ga Sài Gòn đi Dầu Giây và đậu trên một đường tránh trong ga để chờ khách về lại Sài Gòn vào lúc nhá nhem tối. Khách xuống xe lửa và đi đến đồn điền bằng xe bò, một loại xe bò cải tiến với một cái giảm sóc làm bằng những thanh tre đặt chéo do một kỹ sư công chánh tên là Nörgelet nghĩ ra.
Khách có đủ ngày giờ để ngắm nhìn các hàng cao su xanh rờn và thẳng tắp. Và sau khi lắc lư đến “ê ẩm cả người” các ông tây và bà đầm về đến trụ sở của Công ty Nông nghiệp Suzannah để ăn trưa. Họ dùng cơm trưa với thức ăn mang theo từ Khách sạn Continental. Người phục vụ cũng do nhà hàng Continental cho đi theo. Lẽ dĩ nhiên là khách “tán dóc” và cãi nhau, trong khi các khách nữ, có người chơi đàn piano trên chiếc dương cầm mang từ Sài Gòn lên. Chiều tối, đoàn tàu riêng quay về Sài Gòn; sau vài tiếng đồng hồ, nó vào ga và hẹn với khách đến chúa nhật sau. Và đều đặn như thế, cuộc đời của một số người Pháp “tốt số” trôi đi êm đềm.
(còn tiếp)
CSVN
(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”
Cây cao su ở Phú Nhuận – Sài Gòn
Related posts:
- Tiếp sức người lao động "nước rút" cuối năm
- Nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp: "Nghe tiếng vọng về từ quá khứ"
- Ngày 8/3 tại vùng biên giới
- Lãnh đạo VRG tặng 50 suất quà cho công nhân Cao su Krông Buk - Rattanakiri
- Tổ 3 tấn điển hình
- Chung tay xây dựng "tập đoàn mạnh - công nhân giàu"
- Sản xuất sản phẩm cao su: cơ hội và thách thức tại các nước ASEAN
- "Sao vàng Cao su" tài năng
- Xuất khẩu cao su năm 2022 lập kỷ lục
- Chủ động phòng chống dịch Covid - 19 trên lô