CSVN – Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng với tất thảy mọi người. Nhưng có lẽ với những con người đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất Bazan này thì lại càng khó khăn thêm chút. Mảnh đất đỏ hai mùa mưa nắng với nhiều hủ tục, lạc hậu, cuộc sống mưu sinh quấn chặt khiến cho “con chữ” nơi mái trường dường như quá đỗi xa vời.
Đem dòng nhựa trắng về với buôn làng
Và rồi, rừng cây cao su trải dài bạt ngàn vươn mình đến nơi đây đem dòng nhựa trắng về với buôn làng, về với những người con chân chất, thật thà của Tây Nguyên. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh được thành lập như một chiếc phao cứu sinh, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Chính vì vậy, người con nơi mảnh đất này yêu cây cao su, yêu nghề thợ cạo như chính mạng sống của mình.
Tôi gặp chị Rmah Hpih trong một buổi chiều lang thang tìm view chụp ảnh tại Nông trường xã Gào. Tôi hỏi đường và được chị niềm nở, thuần hậu đón tiếp đúng như bản chất của con người Jarai nơi đây. Chị nói: “Vườn cao su chụp hình đẹp lắm, cây cao su tựa vào nhau, tán lá xanh rì phủ kín hết con đường. Đã có vô số cặp đôi chọn nơi này chụp ảnh cưới. Chắc có lẽ vì nơi đây chính là nguồn sống, là suối yêu thương của họ. Dòng nhựa trắng mà cây cao su sản sinh ra được ví như “vàng trắng” nuôi sống bản thân và gia đình nơi mảnh đất mà cây bám rễ sâu. Cho nên mình yêu cây, yêu dòng nhựa trắng ấy vô vàn”.
Bởi lẽ, chị là người con dân tộc Jarai, cuộc sống vô cùng khó khăn đã khiến chị nghỉ học từ rất sớm ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng cuộc đời không chiều lòng người. Chị lấy chồng, sinh được 3 người con thì không may đứa con đầu tiên lại mang trên người nỗi đau bẩm sinh bệnh tật. Khó khăn chồng chất khó khăn. Đến năm 2006, chị quyết định viết đơn xin vào công nhân cao su như đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, chọn một ngã rẽ mới cho cuộc đời mình.
“Mái ấm Công đoàn” đã thắp lên ánh sáng niềm tin
Nghề công nhân cao su đã cho chị và gia đình cái ăn, cái mặc; không còn lo cảnh chạy ăn từng bữa. Chị chăm chỉ, cần mẫn chắt chiu từng “dòng nhựa trắng” mỗi ngày, ai có việc, ai nghỉ đau, vợ chồng chị đều cạo bù, cạo giúp. Thế nhưng tất cả đồng lương chỉ đủ để lo cho 2 vợ chồng và 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Ngoài giờ cạo, chị làm kinh tế phụ trên mảnh đất rẫy vườn mẹ cha để lại. Có đất nhưng vì chưa được tiếp cận với những phương cách canh tác mới nên năm này qua năm khác, kết quả nhận về chỉ đủ trang trải tiền cây giống và phân bón. Vậy nên một mái nhà vững chắc thay cho mái nhà tạm bợ đang ở dường như vẫn chỉ là ước ao xa xỉ chỉ đến trong giấc mơ của vợ chồng anh chị.
Thấu hiểu nỗi lo, lòng mong ước của gia đình, Công đoàn Nông trường xã Gào – nơi anh chị đang công tác đã đồng hành và sẻ chia mọi khó khăn thường nhật. Nông trường cử cán bộ kỹ thuật đến giúp anh chị trong việc chọn cây giống, loại giống; chọn loại phân bón, chọn thời điểm bón… để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó Đoàn thanh niên cũng cử cán bộ Đoàn hỗ trợ, giúp đỡ con chị trong việc học tập, động viên anh chị dù khó khăn cũng nhất định phải cho lũ trẻ đến trường.
Và cuối cùng, điều vợ chồng anh chị mong mỏi bấy lâu đã trở thành hiện thực. Một mái nhà ấm áp được Công đoàn công ty xây tặng. Niềm vui không tả được bằng lời. Ngày trao nhà, vợ chồng anh chị bật khóc trong nụ cười hạnh phúc: “Kể từ hôm nay, gia đình mình bước sang trang mới. Ngôi nhà đã khiến chị nhận ra, cuộc sống sẽ không phụ người chăm chỉ, bền bỉ cố gắng”.
Có mái nhà ấm, có công việc ổn định, gia đình anh chị giờ đây đã có 2,5 sào đất vườn, 9 sào đất rẫy, con cái ăn học đàng hoàng, em bé bị bệnh cũng được uống thuốc chữa trị đều đặn. Nhớ về những ngày tháng khó khăn trước khi vào công nhân, chị vẫn thổn thức: “Giá mà mình vào công nhân sớm hơn thì tốt quá”.
Ngày Tết là khi công ty, nông trường và Công đoàn đến thăm nhà
Chia tay với chị Hpih, tôi trở về với dòng hồi ức về gia đình chị Rơ Châm H’Thaih. 38 tuổi không là quá già với một người phụ nữ, nhưng cũng không còn quá trẻ để làm lại từ đầu. Nhưng chị H’Thaih lại một lần nữa hoang mang, không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu, phải làm gì khi chồng chị bị ung thư rồi qua đời, để lại đôi vai người phụ nữ 2 đứa con thơ dại. “Phải làm sao khi anh không còn nữa, bao nhiêu vất vả, khổ cực từ nay ai san ai sẻ. Nuôi con ăn học, miếng cơm manh áo, việc làm không có…em biết về đâu”- Những lời ấy như cứa vào gan ruột những người có mặt tại hôm tiễn đưa chồng chị.
Trở về nhà với khuôn mặt đượm màu tang tóc, tôi nhìn chị sau vài đêm tưởng chừng như đã già đi chục tuổi. Cuộc sống không triệt đường sống của ai, nhưng hình như với chị lại quá ư khắc nghiệt. Và rồi sau nhiều năm chạy vạy, bôn ba làm thuê, cuốc mướn; chị quyết định xin vào làm công nhân cao su vì ngưỡng mộ cuộc sống đủ đầy của các anh chị trong xóm.
Năm 2017, vực dậy chị bằng một công việc ổn định với mức lương đủ lo cho gia đình và 2 con nhỏ. Thế nhưng mỗi khi mưa gió tràn về, bữa cơm hôm khê hôm cháy, mẹ nhịn bụng để dạ phần con… “Ngày Tết của nhà không phải là khi tháng chạp lùi xa, mà ấy là khi công ty, Công đoàn và nông trường đến thăm nhà”, chị nói với tôi bằng nụ cười mãn nguyện và ánh mắt hạnh phúc. Những món quà mà công ty trao tặng, những bộ đồ dùng, những tấm áo mới và sự quan tâm của các cấp là không gì so sánh được.
Vòng tay Công đoàn sưởi ấm, thắp lên ngọn lửa yêu thương
Và rồi vòng tay ấm áp của Công đoàn lại một lần nữa sưởi ấm gia đình neo đơn của 3 mẹ con. Một căn nhà được xây lên, một công việc ổn định; nhiều năm qua chị nhờ vậy mà an tâm công tác. Năng suất sản lượng ngày càng được nâng lên. Mủ nhiều, đồng lương của chị cũng được cải thiện, cuộc sống của mấy mẹ con cũng đỡ khốn khổ phần nào. Chị tâm sự: “Nhờ sự giúp đỡ và định hướng của công ty, Công đoàn và nông trường, giờ chị đã có thêm 2 con bò và 2 sào cà phê. Trời mưa không còn lo sợ, trời nắng không lo đói lòng, các con chị được đến trường và được hạnh phúc”. Nhớ lại khuôn mặt rạng ngời, ánh mắt cười của chị, lòng tôi thấy bình an lạ.
Hóa ra cuộc sống luôn có những bất ngờ và niềm hạnh phúc ngọt ngào như thế. Cây cao su và Cao su Chư Păh đã thực sự là mái nhà thứ 2 của nhiều gia đình, nhiều thế hệ. Bạt ngàn cao su trải dài đã làm thay đổi và hồi sinh vùng đất hoang sơ, bom đạn vùi lấp. Tình người của vòng tay Công đoàn đã sưởi ấm, thắp lên ngọn lửa yêu thương trong mỗi gia đình, mỗi người con của vùng đất Tây Nguyên hào hùng này.
Sẽ không có lời nào để diễn tả hết sự giúp đỡ, bảo bọc mà công ty nói chung và Công đoàn công ty nói riêng đã dành cho người lao động qua nhiều thế hệ. Nhưng tận tâm khảm mỗi người công nhân cao su, mỗi người con trong mái nhà chung ấy luôn khắc sâu cái tình, cái nghĩa, cái tận tụy, tận tâm và nguyện lòng đã, đang và mãi cống hiến cho công ty vì màu xanh cao su, vì cái nghĩa, cái tình mà công ty đã dành cho NLĐ.
HỒNG VÂN
Related posts:
- Đảng bộ VRG: Nghiêm túc thực hiện quy định của các cấp về công tác quản lý cán bộ, quản trị doanh ng...
- Cao su Lai Châu: Giải quyết cấp bách nhu cầu chế biến mủ cao su tại chỗ
- Điểm sáng trong phong trào "giúp nhau trở thành thợ giỏi"
- Công đoàn Cao su Chư Sê khởi công xây dựng nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân khó khăn
- Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để phát triển doanh nghiệp nhà nước
- VRG tham gia giải chạy chào mừng 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Công đoàn Cao su Bình Long trao quà trung thu cho các cháu thiếu nhi tại địa phương
- Nông trường An Lộc về trước kế hoạch đầu tiên của Cao su Đồng Nai
- Cao su Chư Sê bàn giao nhà Mái ấm Công đoàn cho công nhân Rah Lan Nguyên
- Công đoàn Cao su Chư Prông trao 2 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân